Bộ Công Thương đã trình phương án xử lý "việc bù lỗ" dự án Nghi Sơn vào ngày 27/10
03:07 SA @ Thứ Ba - 07 Tháng Mười Một, 2017

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết phương án xử lý dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã được trình lên Bộ Chính trị và hiện đang chờ ý kiến quyết đáp.

Kết quả hình ảnh cho lọc dầu nghi sơn

Như báo chí đưa tin, theo nội dung ưu đãi thuế tại dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Chính phủ cam kết giữ thuế nhập khẩu xăng dầu không thấp hơn 7% để bảo hộ cho Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn trong thời gian 10 năm, tính từ ngày nhà máy sản xuất thương mại.

Như vậy, nếu năm 2018 Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đi vào sản xuất thương mại, Việt Nam phải giữ thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu ở mức không thấp hơn 7% cho đến hết năm 2028.

Tuy nhiên, theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), từ năm 2023 thuế nhập khẩu xăng đã xuống 5% và từ năm 2024 là 0%. Điều này là mâu thuẫn với cam kết giữ giá xăng không thấp hơn 7% cho đến hết năm 2028. Nhiều ý kiến lo ngại cam kết ưu đãi thuế ở dự án này có thể không thể thực hiện hoặc Bộ Công Thương sẽ phải bù lỗ hàng nghìn tỷ đồng.

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 3/11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn là dự án lớn có vốn đầu tư nước ngoài (9 tỷ USD) và có tầm quan trọng đặc biệt. Đây cũng là dự án được Chính phủ cấp giấy bảo lãnh ở hai nội dung: ưu đãi thuế và bao tiêu sản phẩm dự án khi đi vào sản xuất.

Trong quá trình hội nhập, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do và nhiều hiệp định đã đi vào hoạt động. Nếu so sánh, mức thuế bảo lãnh ở dự án này sẽ có thể cao hơn hoặc thấp hơn các dự án khác.

Do đó Chính phủ đã giao Bộ Công Thương có phương án trình Thủ tướng và Chính phủ để giải quyết vụ việc trên. Bộ Công Thương đã hoàn thành phương án, báo cáo Bộ Chính trị vào ngày 27/10. Hiện, Bộ Công Thương đang chờ ý kiến Bộ Chính trị quyết đáp về việc xử lý.