Bộ Tài chính lý giải đề xuất thu phí môi trường với khí thải
01:47 SA @ Thứ Hai - 24 Tháng Mười Hai, 2018

Bộ Tài chính cho hay, công văn gửi các bộ ngành mới chỉ là bước đề nghị nghiên cứu, xây dựng phương án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.

Đề xuất thu phí môi trường với khí thải xuất phát từ kiến nghị của cử tri

Bộ Tài chính khẳng định: Việc đề nghị các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất thu phí BVMT đối với khí thải của bộ ngày 26/11 vừa qua xuất phát từ kiến nghị của cử tri tỉnh Lào Cai (do Ban dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến Bộ Tài chính tại Văn bản số 251/BDN ngày 15/6/2018) và đề nghị của UBND TP.Hà Nội (tại Công văn số 3977/UBND-ĐT ngày 28/8/2018) đề nghị trình cấp có thẩm quyền quy định phí BVMT đối với khí thải.

Theo đó, Công văn số 14648/BTC-CST gửi các bộ ngành mới chỉ là bước đề nghị nghiên cứu, xây dựng phương án thu phí BVMT đối với khí thải để thực hiện kiến nghị của UBTVQH, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, đồng thời, phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Phí và lệ phí, Luật BVMT.

phi-bvmt-copy.JPG
Ô tô, xe máy có thể chịu thêm phí mới là phí bảo vệ môi trường đối với khí thải. Ảnh enternews.vn

Theo báo cáo của Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, sự gia tăng ô nhiễm không khí của phương tiện giao thông đã ở mức báo động, tình hình ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn Hà Nội có xu hướng tăng, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường sống của nhân dân trên địa bàn Hà Nội.

Do đó, UBND TP.Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng về việc lập Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn Thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”.

Đề án này nhằm mục tiêu thực hiện các giải pháp vừa lâu dài, vừa cấp bách, cụ thể để tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại và nâng cao chất lượng sống của nhân dân trên địa bàn TP. Hà Nội với tầm nhìn dài hạn đến năm 2030.

Đã tăng thuế môi trường, còn thu thêm phí khí thải?

Mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo, Bộ Tài chính nghiên cứu kiến nghị của UBND TP Hà Nội, chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu kiến nghị của UBND TP.Hà Nội, chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định về phí bảo vệ môi trường khí thải.

Tiếp đến ngày 25/10/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) có Báo cáo số 340/BC-UBTVQH14 về kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV. Tại điểm 6 Báo cáo số 340/BC-UBTVQH14 có nội dung: “Chính phủ xem xét ban hành Nghị định quy định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải (theo kiến nghị của cử tri Lào Cai)”.

Trước yêu cầu của UBTVQH, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, căn cứ Điều 148 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và Luật phí và lệ phí (Tại điểm 1.2 mục IX phần A Danh mục phí ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ), ngày 26/11/2018, Bộ Tài chính có Công văn số 14648/BTC-CST gửi các bộ, ngành liên quan đề nghị các Bộ chỉ đạo đơn vị chức năng khẩn trương đề xuất phương án thu phí BVMT đối với khí thải gửi về Bộ Tài chính để nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định thu phí theo thẩm quyền.

tien_phong_khi_thai_ydmb.jpg

Trên cơ sở góp ý của các bộ, ngành về phương án thu phí đối với khí thải, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, hoàn thiện phương án thu phí theo nguyên tắc: Mức thu phí phải phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, bình đẳng.

Ngoài ra, trước khi phụ thu khí thải ô nhiễm môi trường, cần làm rõ khí thải phương tiện tác động như thế nào đến môi trường của Hà Nội. TP cần so sánh tác động khí thải phương tiện giao thông lên môi trường với tác động từ vấn đề đô thị hóa, phát triển công nghiệp, xây dựng lên môi trường… Đồng thời, khi ô nhiễm môi trường tăng, tại sao nhiều khu vực cây xanh Hà Nội lại bị thay thế?

Khi đã đạt được các tiêu chí trên, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp các ý kiến khả thi để tiếp tục lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, bao gồm cả việc đăng thông tin trên trang thông tin điện tử của Chính phủ, của Bộ Tài chính để xin ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân liên quan.

Gần đây nhất, Sở GTVT TP.HCM cũng đã có văn bản đề xuất UBND TP. HCM xây dựng đề án kiểm soát khí thải đối với mô-tô, xe gắn máy, đồng thời triển khai thu phí ô nhiễm môi trường các phương tiện tham gia giao thông.

Tuy nhiên, hiện nay, chủ phương tiện giao thông đã phải đóng 3.000 đồng tiền thuế bảo vệ môi trường/mỗi lít xăng, từ 1/1/2019 tăng lên 4.000 đồng. Như vậy, việc phụ thu khí thải ô nhiễm môi trường với phương tiện là phí chồng phí.

Các chuyên gia nói gì?

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy lo ngại: “Ðời sống người dân còn rất khó khăn, việc phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải của phương tiện cần xem lại bởi trong giá xăng đã bao gồm thuế bảo vệ môi trường. Nếu thu thuế bảo vệ môi trường từ xăng dầu, sau đó thu tiếp phí môi trường trên phương tiện giao thông thì có nghĩa là thu phí hai lần”.

Theo PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), xăng dầu đang chịu các loại thuế xuất nhập khẩu, thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt. “Từ ngày 1/1/2019, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tăng kịch trần. Khi sử dụng xăng dầu, người dân đã đóng thuế bảo vệ môi trường để xử lý khí thải đó. Do vậy, cần phải cân nhắc kỹ bởi lẽ, khi thu nhập của người dân chưa cao mà có quá nhiều loại thuế, phí sẽ vắt kiệt sức dân”, TS Ngô Trí Long bày tỏ.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội: Việc thu phí phương tiện vào nội đô là cần thiết. "Mục tiêu đề án thu phí phương tiện vào nội đô nhằm giảm ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường cho các khu vực có nguy cơ" cũng rất đúng chủ trương. Đây được xem như một cách để giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, vấn đề là thu thế nào, có thu được không, bảo đảm công bằng giữa các phương tiện giao thông hay không, khoản tiền thu đó sẽ được sử dụng làm gì". Ông Liên chia sẻ.

PGS.TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, Đại học Bách khoa TP.HCM cho rằng đối với vấn đề BVMT trên khí thải, nên tập trung đánh thuế, phí các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất nhiệt điện, than… vì đây mới là đối tượng thải khí nhiều, gây tác hại lớn. Các phương tiện giao thông cơ giới hiện đã phải đóng thuế BVMT trong giá nhiên liệu, tiếp tục thu thêm sẽ gây trùng lắp, phí chồng phí.

Cũng theo TS Mai, thực tế lượng khí thải của xe máy chiếm tới 80 - 90% tổng lượng khí thải, ô tô chỉ thải ra 10 - 20%. Hiện ô tô cũng đã được áp dụng kiểm soát khí thải theo tiêu chuẩn Euro4, đạt tiêu chuẩn an toàn đối với môi trường. Nếu nhắm tới đối tượng xe máy thì việc đầu tiên phải làm là thông qua đề án kiểm định khí thải đối với xe máy. Khi đó sẽ dẫn tới 2 trường hợp: Đối với số xe cũ, không đủ tiêu chuẩn khí thải nhưng vẫn có thể tiếp tục sử dụng, chủ phương tiện có thể điều chỉnh kỹ thuật một cách dễ dàng, không quá tốn kém. Trong trường hợp xe quá cũ, sử dụng trên 20 năm, đã được xếp vào loại “xe nghĩa địa” thì bắt buộc phải loại bỏ.
“Như vậy xe máy cũ sau khi kiểm định cũng đã đạt tiêu chuẩn an toàn với môi trường, cần gì phải thu thêm phí BVMT?” - vị này phân tích.

Nguồn: