Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong công tác điều hành giá
02:54 SA @ Thứ Tư - 20 Tháng Hai, 2019

Đó là yêu cầu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Ban Chỉ đạo điều hành giá yêu cầu Bộ Tài chính và các bộ, ngành trong công tác điều hành giá quý I/2019, vì đây là quý nhu cầu tiêu dùng thường tăng cao đột biến.

Bộ Tà i chính phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngà nh trong công tác điều hà nh giá

Đối với mặt hàng xăng dầu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước theo quy định, trích lập và sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp giúp kiểm soát mặt bằng giá chung, có kịch bản ứng phó phù hợp nếu giá xăng dầu tăng cao, nhất là trong các thời điểm cận lễ, Tết để tránh ảnh hưởng đến kỳ vọng về lạm phát.

Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản xuất, chế biến xăng sinh học E5 để khuyến khích tiêu dùng. Nghiên cứu, rà soát sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để có chính sách, mức thuế bảo vệ môi trường phù hợp với xăng sinh học (E5, E10, B5, B10,...) nhằm khuyến khích tiêu dùng xăng sinh học.

Đối với mặt hàng điện, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan xây dựng các kịch bản chi tiết điều hành giá điện bảo đảm đồng bộ với việc điều chỉnh giá khí trong bao tiêu tại thời điểm phù hợp, hạn chế đến mức thấp nhất tác động bất lợi đến sản xuất và đời sống; đồng thời, tăng cường công tác công khai, minh bạch chi phí đầu vào, thanh tra, kiểm tra và công khai kết quả sản xuất kinh doanh điện theo quy định.

Đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng cục Thống kê chủ động đề xuất phương án, lộ trình giá dịch vụ khám chữa bệnh phù hợp với thực tế diễn biến chỉ số giá và khả năng cân đối quỹ BHYT trong đó cập nhật các biến động chi phí tiền lương và kết cấu chi phí quản lý vào trong giá.

Rà soát, đánh giá, đề xuất sửa đổi danh mục dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo hướng giảm bớt số lượng dịch vụ; rà soát lại các định mức kinh tế-kỹ thuật để có hướng điều chỉnh hợp lý phù hợp quy định pháp luật và tình hình thực tế và đặc thù dịch vụ. Bộ Y tế báo cáo Phó Thủ tướng -Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá về đề xuất sửa đổi danh mục dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và định mức kinh tế kỹ thuật.

Đối với Thuốc chữa bệnh cho người, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục triển khai và mở rộng danh sách đấu thầu tập trung quốc gia đối với thuốc, vật tư y tế, đẩy nhanh đấu thầu và đàm phán giá thuốc nhằm hạ giá thuốc, bảo đảm cung cấp đầy đủ thuốc có chất lượng. Đánh giá những kết quả đạt được và những hạn chế của công tác đấu thầu tập trung thuốc trong thời gian vừa qua và đề xuất giải pháp khắc phục.

Đối với Lương thực, thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng nông sản, phối hợp với Bộ Công Thương cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu đặc biệt là lúa gạo, thực phẩm nhằm bình ổn thị trường nhất là trong các thời điểm lễ, Tết. Riêng đối với các mặt hàng thịt lợn,có hướng dẫn chỉ đạo ngành chăn nuôi tăng cường công tác kiểm soát dịch bệnh, chỉ đạo việc tái đàn gắn với chọn lọc con giống chất lượng cao, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi để nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường; chú trọng công tác truyền thông về nguồn cung, giá cả để hạn chế yếu tố tăng giá do tâm lý hoặc yếu tố đầu cơ.

Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác kiểm tra, quản lý thị trường, giám sát hoạt động của thương lái, kết nối các doanh nghiệp chăn nuôi lợn thịt quy mô lớn với các đơn vị phân phối lớn thịt lợn để giảm chi phí trong lưu thông và khâu phân phối bán lẻ; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát vấn đề nhập lậu, gian lận thương mại.

Đối với dịch vụ đường bộ các dự án đầu tư xây dựng để kinh doanh (BOT): Bộ Giao thông vận tải phối hợp với cơ quan liên quan cơ bản giữ ổn định giá dịch vụ BOT; kịp thời xử lý các vấn đề vướng mắc; triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn quốc phương án trạm thu phí không dừng; minh bạch, công khai trong thu giá dịch vụ.

Đối với các dịch vụ chuyển từ phí sang giá, các bộ, ngành có trách nhiệm ban hành đầy đủ định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở xác định giá, báo cáo tác động của việc điều chỉnh giá đến chỉ số giá CPI, đời sống nhân dân; tăng thu, nâng cao sự chủ động cho đơn vị sự nghiệp công và giảm chi NSNN; phối hợp với các cơ quan liên quan tính toán, lựa chọn thời điểm điều chỉnh giá phù hợp.

Đối với dịch vụ giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với các địa phương đánh giá tình hình thực hiện mức giá hiện hành so với lộ trình giá thị trường tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP để có kiến nghị sửa đổi trong phạm vi quản lý. Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan nắm bắt, đánh giá việc điều chỉnh học phí và tình hình thực tế tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để có định hướng điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị trong năm 2019.

Đối với sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, giám sát việc điều chỉnh giá sách giáo khoa trong năm học 2019-2020 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam theo phương án đã được Bộ phê duyệt chủ trương; đồng thời chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chủ động làm việc với các cơ quan báo chí để làm tốt công tác truyền thông tới xã hội, tạo đồng thuận với chủ trương điều chỉnh này. Bộ Tài chính thực hiện tiếp nhận kê khai giá sách giáo khoa theo quy định.

Đối với các mặt hàng thuộc thẩm quyền định giá của địa phương: Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chú trọng rà soát các yếu tố chi phí, đánh giá kỹ tác động lên mặt bằng giá tại địa phương nói riêng và mặt bằng giá cả nước nói chung, tránh điều chỉnh tăng giá khi chưa có đủ các điều kiện phù hợp. Đẩy mạnh kiểm soát việc thực hiện công tác niêm yết giá, kê khai giá và kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về giá tại địa bàn, nhất là các tháng trước, trong và sau Tết.

Nguồn: