Bộ Tài chính: 'Tăng thuế xăng dầu là căn cứ vào chiến lược tăng trưởng xanh'
02:20 SA @ Thứ Ba - 03 Tháng Tư, 2018

Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, việc tăng thuế đối với xăng và các sản phẩm là căn cứ vào chiến lược thuế, chiến lược tăng trưởng xanh để hạn chế những sản phẩm gây ô nhiễm cho môi trường.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 2/4, đại diện Bộ Tài chính đã trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến việc Bộ này vừa có báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân về dự án Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường, trong đó có đề xuất tăng kịch khung thuế môi trường với xăng lên 4.000 đồng/lít.

Bo Tai chinh:'Tang thue xang dau la can cu vao chien luoc tang truong xanh' hinh anh 1

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai: "Việc tăng thuế đối với xăng và các sản phẩm cũng là căn cứ vào chiến lược thuế, căn cứ vào chiến lược tăng trưởng xanh, để hạn chế những sản phẩm gây ô nhiễm cho môi trường".

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng: “Việc tăng thuế đối với xăng và các sản phẩm cũng là căn cứ vào chiến lược thuế, căn cứ vào chiến lược tăng trưởng xanh, để hạn chế những sản phẩm gây ô nhiễm cho môi trường; đồng thời cũng căn cứ vào nội dung trong Luật Thuế bảo vệ môi trường.

Đối với thuế bảo vệ môi trường tác động đến chỉ số giá cả như thế nào, Bộ Tài chính cũng có những phân tích tác động cũng như đánh giá những tác động khi điều chỉnh mức thuế này”.

“Theo chúng tôi phân tích, đánh giá những tác động, với phương án điều chỉnh mức Thuế bảo vệ môi trường như dự thảo đã nêu và xin ý kiến, nếu như có hiệu lực từ 1/7/2018 thì việc điều chỉnh này sẽ tác động lên chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2018 so với tháng 6/2018 là khoảng 0,27-0,29% và sẽ tác động CPI bình quân của năm 2018 khoảng 0,11-0,15%”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nói.

Theo bà Mai, nghị quyết Thuế bảo vệ môi trường đã được lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, địa phương. Đến nay, Bộ Tài chính cũng đã tổng hợp ý kiến và xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Theo chương trình sẽ trình Chính phủ Nghị quyết này.

“Trong các phương án dự thảo Nghị quyết Thuế bảo vệ môi trường cũng đã điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường. Ví dụ, đối với xăng từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng/lít; đối với một số loại như dầu, than cũng điều chỉnh tăng lên. Việc điều chỉnh tăng này xuất phát trên cơ sở Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị, đó là cơ cấu lại ngân sách Nhà nước theo hướng đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết.

Trước đó, Bộ Tài chính đã có báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức, cá nhân về dự án Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường, trong đó có đề xuất tăng kịch khung thuế môi trường với xăng lên 4.000 đồng/lít.

Theo đó, sau một thời gian lấy ý kiến đã nhận được 60 ý kiến tham gia, trong đó 14 ý kiến tham gia của các Bộ, ngành; 42 ý kiến tham gia của các địa phương; 4 ý kiến tham gia của các hiệp hội, doanh nghiệp và tổ chức khác.

Tại dự thảo Nghị quyết gửi lấy ý kiến đề nghị điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 3.000 đồng/lít lên mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít...

Theo giải thích của Bộ Tài chính, việc đề xuất điều chỉnh mức thuế đối với từng hàng hóa chịu thuế tại dự thảo Nghị quyết, trong đó có mặt hàng xăng dầu (điều chỉnh tăng 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít, tăng 1.000 đồng/lít đối với xăng) là đảm bảo trong khung mức thuế bảo vệ môi trường và phù hợp với các nguyên tắc quy định mức thuế bảo vệ môi trường.