Buôn lậu xăng dầu trên biển còn phức tạp
02:53 SA @ Thứ Tư - 01 Tháng Tám, 2018

Hoạt động buôn lậu xăng dầu xuất hiện các đầu nậu là người Việt Nam móc nối với các đối tượng người nước ngoài, thỏa thuận về giá cả, thời gian, địa điểm giao hàng, phương thức thanh toán, sau đó nhận dầu trực tiếp trên biển.


Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) Trần Văn Nam thông tin tới phóng viên báo, đài. Ảnh: Q.H

Đó là những thông tin do Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) Trần Văn Nam thông tin tới các phóng viên báo, đài tại buổi Họp báo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia diễn ra sáng nay 31/7.

Theo Cục trưởng Trần Văn Nam, tình hình tội phạm trên biển diễn ra phức tạp. Trong đó, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên nhiều lĩnh vực, ngành hàng khác nhau, với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, nhằm trốn tránh sự tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Riêng các vi phạm liên quan đến mặt hàng xăng dầu có chiều hướng gia tăng cả về quy mô, số lượng hàng hóa. Nhiều vụ việc do lực lượng Cảnh sát biển phát hiện có trị giá xăng dầu rất lớn và có yếu tố nước ngoài. Hoạt động này diễn ra chủ yếu ở các vùng biển như: Đông Bắc, Bắc miền Trung và Nam bộ.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng Cảnh sát biển thực hiện hàng trăm chuyến tàu tuần tra, kiểm soát trên các vùng biển trọng điểm. Kết quả lực lượng đã tiến hành kiểm tra 179 lượt tàu, thuyền các loại, xử phạt vi phạm hành chính hơn 700 triệu đồng.

Trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện, xử lý 37 tàu/138 đối tượng; thu giữ 7,5 triệu lít xăng dầu, 25.000 lít dầu FO; 64 tấn đam U rê; 728 tấn quặng sắt; 8.000 tấn than; 1.500 tấn Clanke…. Bán phát mại số tang vật bị tịch thu, thu nộp vào ngân sách hơn 91 tỷ đồng; bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý 7 vụ/6 tàu+1 xuồng; thu giữ 99 kg pháo nổ; 26.450 bao thuốc lá ngoại nhập lậu; 33.000 con chim bồ cầu…

Trong đó, lực lượng Cảnh sát biển phát hiện, xử lý 20 tàu/107 đối tượng trong đó có 20 đối tượng người nước ngoài liên quan đến mua bán xăng dầu; xử phạt 1,4 tỷ đồng; tịch thu 7,5 triệu lít xăng dầu; bán phát mại, thu nộp vào ngân sách trên 90 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Nam lý giải: Những tháng đầu năm 2018, số lượng tàu thuyền hoạt động trên biển tăng, nhất là các tàu cá của ngư dân nên nhu cầu sử dụng xăng dầu trong khai thác hải sản trên biển rất lớn. Trong khi đó, giá xăng dầu trong nước có sự chênh lệch so với giá xăng dầu bán trên biển (do một phần xăng dầu lậu không chịu thuế, phí-PV). Bên cạnh đó, dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển chưa đáp ứng được nhu cầu của ngư dân, nhân dân về cả số lượng và giá cả.

Đơn cử như ở vùng biển Tây Nam, hoạt động buôn lậu xăng dầu xuất hiện các đầu nậu là người Việt Nam móc nối với các đối tượng người nước ngoài, thỏa thuận về giá cả, thời gian, địa điểm giao hàng, phương thức thanh toán, sau đó nhận dầu trực tiếp trên biển.

Một số tàu dịch vụ hậu cần nghề cá nhận dầu từ trong đất liền, sau khi cung cấp hết số dầu hiện có, tiếp tục mua dầu trôi nổi của tàu nước ngoài, bán lại cho ngư dân (chi phí thấp, lợi nhuận cao-PV).

Ở vùng biển miền Bắc và miền Trung, các đối tượng lợi dụng chính sách vùng đặc quyền kinh tế đối với các nước theo Công ước Luật biển năm 1982 để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng xăng dầu. Bởi, Công ước Luật biển năm 1982 không điều chỉnh lĩnh vực về vấn đề thương mại nên các tàu nước ngoài lợi dụng để hoạt động ở các vùng biển vùng đặc quyền kinh tế.

Bên cạnh đó, hoạt động này có hiện tượng lợi dụng vận đơn quốc tế quay vòng của cùng một công ty nhằm đối phó cơ quan chức năng khi bị kiểm tra, bắt giữ hoặc sử dụng tàu không số hiệu, số hiệu giả để giao dịch mua bán gây khó khăn cho quá trình điều tra.

Nguồn: