Buôn lậu xăng dầu trên biển diễn biến phức tạp
09:00 SA @ Thứ Tư - 04 Tháng Năm, 2016

Liên tiếp từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện hàng triệu lít xăng, dầu các loại được vận chuyển trái phép bằng đường biển với thủ đoạn ngày càng tinh vi từ nhập lậu tới nhập khẩu chính ngạch.

Trước diễn biến phức tạp của hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép, gian lận thương mại đối với mặt hàng xăng, dầu Tổng cục Hải quan đã yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan cửa khẩu tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với hoạt động xuất khẩu (XK), nhập khẩu (NK), tạm nhập-tái xuất (TN-TX) xăng dầu tại cửa khẩu, đồng thời kiến nghị các cấp sửa đổi, bổ sung các điều khoản để việc quản lý mặt hàng này được chặt chẽ.

Theo số liệu sơ bộ, riêng trong tháng 3-2016, các lực lượng chức năng gồm: Cảnh sát biển, Hải quan, Bộ đội Biên phòng và Công an đã phối hợp đấu tranh phát hiện, bắt giữ trên 287 ngàn lít xăng và gần 4,9 triệu lít dầu các loại.

Trong đó có vụ việc doanh nghiệp (DN) núp dưới chiêu bài NK xăng, dầu chính ngạch nhưng mỗi lần NK đều cố tình khai báo số lượng hàng rất ít (chỉ bằng 1/3 – 1/5 số lượng thực tế) để gian lận trốn thuế đối với hàng chục triệu lít xăng, dầu trong thời gian dài.

Trong đó, có vụ gian lận gần 7.500 tấn xăng do Công ty CP Dương Đông Hòa Phú thực hiện trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, bị các lực lượng chức năng phát hiện cuối tháng 1-2016. Công ty Dương Đông Hòa Phú đã lợi dụng việc NK xăng dầu chính ngạch để buôn lậu, với thủ đoạn khai báo hải quan số lượng hàng thấp hơn lượng hàng thực tế NK về.

Cũng trong tháng 1, tại khu vực biển giáp ranh Quảng Ninh – Hải Phòng, Cụm trinh sát số 1 kiểm tra tàu Sao Xanh 1, trên tàu có 4 người do ông Bùi Huy Thuyết, 44 tuổi, quê Hà An, Yên Hưng, Quảng Ninh làm thuyền trưởng.

Lực lượng Hải quan giám sát xăng dầu nhập khẩu. (Ảnh: CTV)

Tại thời điểm kiểm tra, tàu Sao Xanh 1 vận chuyển khoảng 100.000 lít dầu DO (theo lời khai của ông Phạm Xuân Trường, đại diện hàng của Công ty TNHH Minh Phú, địa chỉ Hải Long, Hạ Long, Quảng Ninh) không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của số dầu trên.

Ngày 8-1, tại vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và Malaysia, lực lượng Cảnh sát biển đã kiểm tra và bắt giữ tàu cá Hồng Thu đang vận chuyển khoảng 28.000 lít dầu DO không có hóa đơn chứng từ nguồn gốc hợp pháp. Tàu Hồng Thu là tàu đánh cá nhưng đã được cải hoán trái phép để vận chuyển dầu.

Gần đây nhất, vào lúc 10h40’ ngày 13-4, tàu tuần tra BP 181301 của Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng phát hiện 1 tàu cá mang BKS BV 5491TS do Huỳnh Văn Phương, 46 tuổi, thường trú ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng làm thuyền trưởng, trên tàu chở 100.000 lít dầu D.O nhưng chủ tàu không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa và các thuyền viên không có tên trong sổ danh bạ của thuyền viên đi biển.

Theo nhận định của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, mặt hàng xăng dầu do lợi nhuận cao, nên các đối tượng vi phạm thường liều lĩnh, tinh vi khó lường. Nổi lên trên vùng biển Đông Bắc, Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nam có dấu hiệu gia tăng cả về số vụ và số đối tượng.

Có vụ việc các đối tượng hình thành một đường dây buôn lậu xăng dầu có quy mô lớn và có sự câu kết chặt chẽ của các đối tượng trong nước với các chủ hàng và hãng tàu vận chuyển hàng hóa ở nước ngoài.

Tinh vi hơn, các đầu nậu trong nước lập nhiều tổ chức có tư cách pháp nhân kinh doanh xăng, dầu ở các địa phương, lợi dụng việc mua bán, vận chuyển giữa các công ty để hợp pháp hóa số dầu lậu mua từ nước ngoài về tiêu thụ trong nội địa.

Mỗi khi tàu chở xăng, dầu lậu về đến vùng biển Việt Nam, lập tức thông báo cho các tàu nhỏ hơn ra địa điểm quy ước trước để sang mạn, chia nhỏ đưa vào đất liền, tàu ra nhận hàng mang theo hợp đồng, chứng từ mua bán khống giữa các công ty trong cùng hệ thống, sau khi nhận dầu, các đối tượng hoàn thiện hợp đồng, chứng từ phù hợp với lượng hàng vừa nhận để chuyển về kho hoặc mang đi tiêu thụ.

Trước thực tế trên, ông Nguyễn Nhất Kha - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, nhằm đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả việc buôn lậu, vận chuỵển trái phép mặt hàng xăng dầu, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Chi cục Hải quan cửa khẩu tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với hoạt động XK, NK, TN-TX xăng dầu tại cửa khẩu.

Đồng thời, các đơn vị tăng cường công tác kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại và quản lý rủi ro. Đối với tàu trọng điểm cần giám sát trực tiếp phải có hai công chức hải quan giám sát.

Đội Kiểm soát hải quan chủ động truy cập hệ thống một cửa quốc gia về cảng biển để lập kế hoạch tuần tra kiểm soát đối với những lô hạng, vụ việc cần tham gia. Tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị, nắm chắc diễn biến tình hình về hoạt động kinh doanh xăng dầu, kịp thời cảnh báo phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại để xây dựng kế hoạch đấu tranh, ngăn chặn.

Tổng cục Hải quan đã báo cáo Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư 139/2013/TT-BTC quy định thủ tục hải quan đối với xăng dầu XK, NK, TN-TX, chuyển khẩu; nguyên liệu NK để sản xuất và pha chế xăng dầu; nguyên liệu NK để gia công XK xăng dầu theo hướng các DN kinh doanh xăng dầu phải có hệ thống kết nối dữ liệu với cơ quan Hải quan để kiểm soát lượng xăng dầu NK và tiêu thụ; đồng thời báo cáo Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu để quản lý chặt chẽ lượng xăng dầu xuất, nhập, bán và có kết nối dữ liệu với các cơ quan quản lý để phục vụ quản lý.

Nguồn: