Buôn lậu xăng dầu trên biển: Ngày càng tinh vi phức tạp
03:18 SA @ Thứ Hai - 06 Tháng Bảy, 2015

Liên tiếp trong những ngày gần đây, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ buôn lậu xăng dầu trên biển.

Liên tiếp trong những ngày gần đây, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ buôn lậu xăng dầu trên biển. Nếu như trước đây, xăng dầu chỉ được bán cho các phương tiện khai thác thủy sản trên biển, thì nay đối tượng buôn lậu đã vận chuyển vào nội địa tiêu thụ với nhiều thủ đoạn đối phó lực lượng chức năng ngày càng tinh vi, hoạt động một cách có tổ chức.

Theo thống kê của cơ quan chức năng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, 6 tháng đầu năm nay, tình hình buôn lậu xăng dầu trên các tuyến biên giới, vùng biển tiếp tục diễn biến phức tạp. Nhiều địa phương được xác định điểm nóng như: Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, TP.HCM, Kiên Giang. “Xăng dầu lậu được các đối tượng vận chuyển vào nội địa tiêu thụ phần lớn từ đường biển”.

Buôn lậu xăng dầu trên biển:Ngày càng tinh vi phức tạp

Lực lượng chức năng kiểm tra, niêm phong một vụ buôn lậu xăng dầu trên biển.

Mới đây, lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã phát hiện và tạm giữ tàu “SERVICE 01” số hiệu BV 0545 chở 32.000 lít dầu D.O không rõ nguồn gốc. Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu này có 5 thuyền viên, do ông Nguyễn Thế Mạo (60 tuổi, trú tại phường 5, Q.11, TP.HCM) làm thuyền trưởng. Tuy nhiên, thuyền trưởng Mạo không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của lượng dầu D.O trên. Lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 3 đã lập biên bản vi phạm, tạm giữ tàu để tiếp tục xác minh, xử lý vụ việc theo qui định của pháp luật.
Trước đó, tại khu vực biển giáp ranh giữa Hải phòng và Thái Bình, sau khi nhận được tin báo có 1 tàu của nước ngoài đang vận chuyển dầu D.O qua vùng biển Việt Nam, xung quanh có nhiều tàu thuyền lảng vảng bên cạnh, nhận thấy có nhiều nghi vấn. Lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam đã tổ chức họp nghiệp vụ, phân công 2 tổ công tác sẵn sàng làm nhiệm vụ. Theo đó, một tổ ngụy trang theo các tàu cá để nắm bắt tình hình, tổ còn lại mật phục trên biển, sẵn sàng tiếp cận đối tượng để tiến hành kiểm tra.

Sau khi nắm được thông tin, Tổ công tác cụm trinh sát số 1 Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển phát hiện tàu HP 90559 TS tại khu vực biển giáp ranh giữa Hải phòng và Thái Bình chở trên 20.000 lít dầu D.O không có giấy tờ hợp pháp. Qua đấu tranh, thuyền trưởng tàu khai nhận số dầu này được sang mạn từ một tàu vận tải khác không rõ số hiệu và đang trên đường hành trình vận chuyển về quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng để tiêu thụ.

Thực tế, theo cơ quan điều tra, các vùng biển vẫn xảy ra tình trạng buôn lậu xăng dầu, lý do xăng dầu buôn lậu trên biển diễn biến phức tạp là do giá xăng dầu trong nước thấp hơn nước ngoài, các đối tượng buôn lậu vận chuyển xăng dầu trong nước ra nước ngoài bán. Trong trường hợp ngược lại khi giá xăng dầu nước ngoài thấp hơn trong nước thì chúng lại vận chuyển từ nước ngoài vào trong nước bán.

Chỉ trong vài năm gần đây, ở vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng đã xảy ra hơn 10 vụ vận chuyển xăng dầu trái phép. Điều đáng lo ngại là phương thức thủ đoạn che giấu của những đối tượng vận chuyển xăng dầu ngày càng tinh vi, chúng sử dụng cả các tàu cá để vận chuyển, bơm trực tiếp vào các khoang tàu, bơm công suất lớn ngay trên biển và đặc biệt để tránh bị phát hiện, chúng thường hoạt động về đêm. Mặt khác khi lực lượng chức năng bắt giữ được tàu thuyền vận chuyển xăng dầu lậu thường chỉ bắt được các đối tượng vận chuyển, còn chủ của lô hàng thì không thể truy ra nên vấn đề xử lý gặp nhiều khó khăn.

Thiếu tá Phạm Mạnh Ngân, Phó trưởng phòng pháp luật, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 cho biết, công tác đấu tranh làm rõ cũng rất khó khăn vì các đối tượng dùng tất cả các thủ đoạn để nhằm che giấu các hành vi rồi nhằm trốn tránh của pháp luật. Nên trong xác minh điều tra yêu cầu phải làm hết sức khoa học khẩn trương và chính xác. Tuy nhiên, trong các vụ cảnh sát biển bắt giữ, những đối tượng thường không có giấy tờ, hoặc xuất trình giấy tờ giả nên trong công tác đấu tranh truy ra nguồn gốc xăng dầu lậu trên biển cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Xăng dầu trốn thuế, hay còn gọi là xăng dầu lậu nếu vận chuyển trót lọt đối tượng sẽ thu được nguồn lợi lớn. Từ vài tỷ cho đến hàng chục tỷ đồng. Nếu thực trạng này không được ngăn chặn kịp thời thì không chỉ gây thất thoát về ngân sách nhà nước mà nguy hiểm hơn nó còn gây ra sự xáo trộn đối với thị trường xăng dầu, một mặt hàng nhạy cảm của nền kinh tế. Chính vì thế, việc tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý các vụ buôn bán lậu xăng dầu là hết sức cấp thiết nhằm tránh gây thất thoát về ngân sách nhà nước, hạn chế sự xáo trộn đối với thị trường xăng dầu và điều quan trọng nhất là phải xử lý đến cùng, trong đó có các biện pháp mạnh như tịch thu phương tiện và hàng lậu nhằm răn đe loại tội phạm này.

Nguồn: