Cần hơn 39.000 tỷ đồng vốn đầu tư, Petrolimex xin tăng vốn
03:15 SA @ Thứ Sáu - 13 Tháng Bảy, 2018

“Với nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh và đầu tư phát triển của Tập đoàn trong 3 năm tới khoảng 39.200 tỷ đồng, cùng với chính sách chia cổ tức thì nguồn vốn để đầu tư phát triển phải được huy động trên các kênh như phát hành tăng vốn điều lệ, vay vốn hoặc phát hành trái phiếu doanh nghiệp…”, Petrolimex cho biết.

Cần hơn 39.000 tỷ đồng vốn đầu tư, Petrolimex xin tăng vốn

Ảnh minh họa.

3 năm tới khoảng 39.200 tỷ đồng

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã PLX) mới đây đã có văn bản gửi Bộ Công Thương cho biết về nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh, đầu tư và phương án phát hành vốn tài trợ các dự án để giảm tỷ lệ vốn nhà nước xuống 51%.
Theo Petrolimex, nhu cầu vốn bổ sung cho hoạt động đầu tư từ 2018-2020 là 34.100 tỷ đồng trong đó đáng chú ý là dự án đầu tư vào Nhà máy lọc dầu của JXTG tại Nhật Bản có vốn đầu tư dự kiến lớn nhất lên đến 11.500 tỷ đồng. Tiếp sau đó là dự án đầu tư kho cảng LNG Tân Phước 6.300 tỷ đồng và dự án đầu tư kho trung chuyển LNG Vân Phong 5.200 tỷ đồng.

Petrolimex cho biết, tập đoàn này và đối tác chiến lược JX đã tiến hành xem xét và đánh giá tính khả thi đầu tư dài hạn dự án Tổ hợp Lọc hoá dầu Nam Vân Phong. Theo đánh giá của Petrolimex, trong điều kiện hiện nay, các dự án đầu tư mới nhà máy lọc hoá dầu rất khó có thể triển khai tại Việt Nam với nguyên nhân quan trọng là thiếu tính hiện thực cho các dự án mới được hưởng ưu đãi như các nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn và Dung Quất trước đây.

“Với dự báo nhu cầu tiêu thụ xăng dầu cả nước vào cuối giai đoạn tuy có tăng nhưng cũng chỉ khoảng 30 triệu tấn/năm, theo tính toán ban đầu, các nhà máy hiện tại (tính cả giai đoạn mở rộng) sẽ không cung ứng đủ cho nhu cầu cả nước và của Petrolimex”, Petrolimex đưa ra dự báo.

Do đó, Petrolimex đang nghiên cứu đề xuất của đối tác chiến lược JX về việc góp tài sản là một phần nhà máy lọc dầu của JX đang hoạt động tại Nhật Bản vào Petrolimex. Hiện 2 bên đang nghiên cứu, đánh giá tính khả thi của đề xuất này và trong giai đoạn cam kết bảo mật thông tin.

Một số thông tin cơ bản đươc Petrolimex tiết lộ là định giá ban đầu của tư vấn độc lập, giá trị nhà máy khoảng 1 tỷ USD, đối tác JX đề xuất đóng góp 50% giá trị nhà máy, công suất nhà máy 6,5 triệu tấn/năm.

2 dự án đầu tư phát triển vào lĩnh vực khí tự nhiên hoá lỏng với vốn đầu tư dự kiến 16.500 tỷ đồng, Petrolimex dự kiến nắm tối thiểu 65-70% cổ phần của dự án.

Với nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh và đầu tư phát triển của Tập đoàn trong 3 năm tới khoảng 39.200 tỷ đồng trong đó cho đầu tư phát triển 34.100 tỷ đồng, cùng với chính sách chia cổ tức thì nguồn vốn để đầu tư phát triển phải được huy động trên các kênh như phát hành tăng vốn điều lệ, vay vốn hoặc phát hành trái phiếu doanh nghiệp…

“Trong điều kiện hiện nay, Petrolimex là Tập đoàn kinh tế có doanh thu lớn nhất HOSE, vốn hoá trong top 10 nhưng vốn điều lệ hiện nay chỉ trên 12.000 tỷ đồng, chưa tương xứng vị thế của Tập đoàn kinh tế đầu ngành của nhà nước”, Petrolimex cho biết, chính vì vậy Petrolimex đã đề xuất việc phát hành tăng vốn điều lệ để tài trợ vốn cho các dự án chiến lược.

Phát hành vốn tài trợ các dự án, giảm tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước

Tại văn bản này Petrolimex cũng đưa ra phương án phát hành vốn tài trợ các dự án để giảm tỷ lệ vốn nhà nước xuống 51%.

Cụ thể, giá phát hành căn cứ vào giá trị thị trường tại thời điểm phát hành theo tiêu chí mức giá chào bán không thấp hơn giá định giá của tổ chức có chức năng cung cấp dịch vụ xác định giá trị doanh nghiệp và giá đóng cửa phiên giao dịch liền kề trên HOSE. Tỷ lệ 100% số lượng cổ phần dự tính phát hành được chào bán thành công.

Theo đó, giá phát hành dự kiến được tính toán là 60.000 đồng/cổ phần, tổng số cổ phần mà Petrolomex cần phát hành sẽ là 1.917 tỷ mệnh giá, tương đương 191.700.000 cổ phần và tổng tiền dự kiến thu về là 11.500 tỷ đồng.

Sau khi phát hành tăng vốn điều lệ cho các dự án trên thì vốn điều lệ mới dự kiến của Petrolimex là 16.772 tỷ đồng. Khi đó, tỷ lệ vốn nhà nước sẽ là 58,5%.

Tiếp đến, để đảm bảo tỷ lệ sở hữu của Nhà nước xuống 51%, Tập đoàn xây dựng phương án thoái vốn Nhà nước từ 58,5% xuống 51% (bán 7,5% vốn điều lệ mới). Dự kiến số tiền nhà nước thu về là 7.547 tỷ đồng.

Nguồn: