Kỳ 2. Campuchia: Thị trường xăng dầu “mở” sớm
02:09 SA @ Thứ Tư - 19 Tháng Mười Hai, 2012
Kỳ 2. Campuchia: Thị trường xăng dầu “mở” sớm
Giá xăng dầu của ngày 7/12 của Sokimex.






Khác với Lào hay Việt Nam, thị trường hàng hóa nói chung và xăng dầu nói riêng ở Campuchia hoàn toàn “mở” theo cơ chế thị trường. Nhà nước không can thiệp vào kinh doanh mà chỉ điều hành bằng “đường biên” là những quy định pháp luật, thuế và phí.

CôngThương - Giá xăng lên xuống: chuyện thường ngày

Sau hai năm đặt chân tới Phnompenh, dường như cuộc sống, thị trường ở đây sôi động hẳn. Đặc biệt, mật độ các cửa hàng xăng dầu (cây xăng) dày đặc hơn. Ngay trên một con phố nhỏ, bên này là cửa hàng xăng dầu treo biển hiệu của Sokimex thì đối diện bên kia lại treo biển Total.

Anh Đàm Tá Nho- Trưởng Văn phòng đại diện Petrolimex tại Campuchia- cho biết: Hệ thống bán lẻ ở Campuchia phát triển khá tự do vì Chính phủ không có quy hoạch mạng lưới xăng dầu. Mấy năm gần đây, Campuchia “bùng nổ” với hơn 1.000 cửa hàng xăng dầu phân bố trên 24 tỉnh, thành. Riêng tại thủ đô Phnôm Pênh diện tích chỉ có 374km2 nhưng có hơn 240 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, nghĩa là trung bình cứ 0,6 km2 có một cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Ấn tượng với chúng tôi là ở Phnompenh có rất nhiều cây xăng đạt “chuẩn quốc tế”, to, thoáng và rộng, gấp 3-4 lần diện tích những cây xăng lớn ở Việt Nam. Ngày 7/12 chúng tôi thấy giá xăng RON92 là 5.300 riel/lít (khoảng gần 27.000 đồng/lít, cao hơn giá xăng Việt Nam khoảng 4.000 đồng/lít); RON 90 là 5.100 riel/lít (khoảng trên 26.000 đồng/lít) thì ngay hôm sau (8/12) đồng loạt các cây xăng tại Phnompenh đều giảm 100 riel/lít xăng dầu, hôm sau nữa lại thấy tăng giá…

Cửa hàng xăng dầu của Sokimex- công ty xăng dầu chiếm thị phần lớn thứ 2 Campuchia



Cửa hàng xăng dầu của Công ty Mittapheap to, rộng và có cả siêu thị mini


Các biển niêm yết giá to, cao, từ xa đã nhìn rõ

Uch Sophal, người phụ trách nhập khẩu xăng dầu của Công ty xăng dầu Mittapheap, giải thích: ở Campuchia Nhà nước không quy định giá bán lẻ xăng dầu. Thường doanh nghiệp (DN) tăng, giảm giá rất nhanh, trong 1 ngày có thể thay đổi 2 mức giá bán khác nhau, tương ứng theo “nhịp đập” giá thế giới.

Dù theo kinh tế thị trường, nhưng hầu hết các cây xăng mang biển hiệu khác nhau như Caltex, Sokimex, PTT, Tela... ở Phnompênh đều niêm yết giá bán giống nhau. “Thường các công ty xăng dầu nhìn nhau để bán giá xêm xêm như nhau, vì nếu bán cao cũng không được, bán thấp thì họ cho là cửa hàng đó gian lận chất lượng, số lượng. Như Công ty Mittapheap nơi tôi làm việc thường căn cứ vào giá của Caltex vì Caltex là thương hiệu lớn, mà người Campuchia lại rất chuộng các thương hiệu lớn”- Sophal giải đáp thắc mắc của chúng tôi.

Mặc dù hệ thống bán lẻ phát triển mạnh nhưng trong nhiều năm nay Campuchia chỉ khống chế có 12 DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu. Ngoài 9 DN trong nước hoàn toàn là tư nhân còn có 3 đầu mối 100% vốn nước ngoài là Chevron với nhãn hiệu Caltex, Total (Pháp), PTT (Thái Lan).

Thuế xăng dầu: 10 năm thay đổi 1 lần

Theo biểu thuế nhập khẩu hiện hành do Tổng cục Hải quan và Thuế Campuchia ban hành thì xăng dầu nhập khẩu phải chịu các khoản thuế: thuế NK (xăng: 15%; diezel, dầu hỏa và mazut là những mặt hàng dùng cho sản xuất bằng 0%), thuế TTĐB (10%), thuế VAT (10%), phụ thu (0,02 USD/lít) và phí giao thông. Tuy nhiên, Chính phủ ấn định giá tính thuế cố định đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu, như giá tính thuế đối với xăng là 785 USD/tấn; diezel và dầu hỏa: 580 USD/tấn… nên thuế xăng dầu được coi là cố định, rất ít khi thay đổi. Từ tháng 1/2004 đến nay Campuchia mới thay đổi 1 lần giá tính thuế. Ông Suthon Choothian- Giám đốc điều hành PTT- giải thích: Ở Campuchia ngân khố nhà nước chủ yếu thu từ nguồn thuế xăng dầu, nên việc cố định thuế, phí giúp cho Chính phủ chủ động kế hoạch thu ngân sách, đồng thời các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động tính toán giá bán theo biến động giá nhập khẩu.



Ông Suthon Choothian- Giám đốc điều hành PTT- cho biết: Thuế xăng dầu ở Campuchia là thuế cố định


Ông Chan Ang- Giám đốc điều hành Sokimex- cho biết: công ty chỉ kiểm soát 65 cửa hàng trực thuộc mình

Mặc dù điều hành thoáng như vậy song luật pháp của Campuchia cũng có những quy định khắt khe để tránh gian lận về thương mại. Như các DN đầu mối nhập khẩu phải có kho chứa, phương tiện dự trữ tại Shihanouk Ville hoặc Phnom Penh. Tại các kho đầu mối thường xuyên có 1 người của hải quan túc trực giám sát lượng xăng dầu nhập vào và xuất ra. Theo quy định, mỗi đại lý chỉ được ký với một đầu mối cung cấp xăng dầu. Vì thế, mỗi xe téc vận chuyển phải sơn logo 1 DN đầu mối, xe téc phải đi đúng vào kho của đầu mối đó lấy hàng và vận chuyển đến đúng các cửa hàng treo biển hiệu, logo giống như trên xe của mình.



Mỗi xe téc sơn 1 logo của công ty đầu mối


Sophal (áo xanh) cho biết: đại lý xăng dầu tổng hợp này có 5 xe tec sơn 5 logo khác nhau


Đại lý gian lận bằng cách vận chuyển xăng dầu nhập lậu bằng can để tránh kiểm soát

Việc gian lận thương hiệu của đầu mối khác ở Campuchia rất hiếm thấy, vì nếu phát hiện xâm phạm biển hiệu, logo của đầu mối cung cấp xăng dầu khác sẽ chịu phạt 5.000 USD.

Trao đổi với chúng tôi về trách nhiệm của DN đầu mối nhập khẩu đối với hệ thống bán lẻ của mình, ông Chan Ang- Tổng giám đốc Công ty Xăng dầu Sokimex (công ty chiếm gần 24% thị phần)- cho biết: Công ty chỉ có trách nhiệm kiểm soát giá cả, chất lượng, đo lường tại 65 cửa hàng trực thuộc mình, còn 200 cửa hàng đại lý công ty không kiểm soát mà đại lý phải chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước pháp luật. Tuy nhiên, để bảo vệ hình ảnh của mình, các thương hiệu lớn như Caltex, PTT hay Total giám sát kỹ cả đại lý của mình, chính vì thế mà mạng lưới của họ cũng phát triển hạn chế, chỉ trên dưới 10 đại lý.

Còn đối với quy định dự trữ lưu thông, Sophal cho biết: Bộ Thương mại quy định dự trữ lưu thông bằng 30 ngày lượng hàng bán hàng của từng DN đầu mối. “Dù Nhà nước không quy định, các công ty vẫn thực hiện vì phải chuẩn bị hàng hóa, nhưng thực tế chỉ dự trữ được 15 ngày”- Sophal nói.

Không té nước… theo xăng dầu

Seng Dy- Trưởng phòng xuất nhập khẩu của Sokimex, Dara- Giám đốc phụ trách xuất nhập của Limlong và Sophal- phụ trách nhập khẩu của Mittapheap Perta là những nhân vật chủ chốt trong các công ty xăng dầu, cũng là nhóm bạn thân. Tối nay họ tụ tập, trong câu chuyện bàn tới giá xăng dầu thế giới lên hay xuống, họ đều đồng tình phải giảm giá, nhưng sáng mai mỗi người lại có những quyết định rất khác nhau. Kinh doanh xăng dầu ở Campuchia có sự cạnh tranh gay gắt, mặc dù là bạn nhưng họ cũng là đối thủ của nhau.

Còn hỏi người dân ở đây có quan tâm đến giá xăng dầu hay không, họ đều lắc đầu, vì giá xăng dầu ở Campuchia lên xuống là chuyện thường ngày. “Chắc là họ tăng giảm giá cũng hợp lý, do giá xăng nhập khẩu thay đổi thì họ theo thôi, mà tăng cao thì không bán được”- một người đổ xăng tại cửa hàng của PTT trả lời đơn giản như vậy.



Ông Vũ Thịnh Cường- Tham tán thương mại tại Campuchia: Theo cơ chế thị trường nhưng GDP năm 2012 của Campuchia dự đoán tăng 6,5%, lạm phát chỉ 2-3%.

Đồ rằng giá xăng dầu Campuchia tăng giảm liên tục chắc sẽ ảnh hưởng đến tăng lạm phát, nhưng không, chúng tôi thực sự sốc khi biết GDP năm 2012 của Campuchia dự tính tăng khoảng 6,5%, trong khi lạm phát chỉ khoảng 2-3%, thấp hơn rất nhiều so với Việt Nam. Trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, anh bạn Dara giải thích: Khi giá xăng dầu tăng không có chuyện giá hàng hóa, cước vận chuyển tăng theo, vì người giàu thì đi xe đắt tiền chỉ quan tâm chất lượng xăng, còn người nghèo thường đi xe máy và tuk tuk. Nếu đi xe tuk tuk khách thường trả giá như mọi lần mà người lái xe cũng không kêu ca gì. Thỉnh thoảng vì lỗ quá nên những người lái xe tuk tuk và Nghiệp đoàn người lao động tự do tập trung đưa ra kiến nghị chính phủ giảm phí cầu đường. Chính phủ lại kêu gọi DN giảm giá, thường là 100- 200 riel/lít, mà DN nào không giảm cũng chẳng sao.

Có đi mới biết, Lào và Campuchia điều hành thị trường xăng dầu nhẹ tênh chứ không quá phức tạp. Trong khi ở Việt Nam giá xăng dầu giảm cũng bức xúc, tăng cũng bức xúc. Nếu tư duy như thế, biết tới bao giờ người dân mình quen với 3 từ “giá thị trường”?

Thanh Hương - Nguyễn Hải (baocongthuong)