Kỳ 1. Lào: Cơ chế điều hành xăng dầu linh hoạt
01:57 SA @ Thứ Tư - 19 Tháng Mười Hai, 2012
Kỳ 1. Lào: Cơ chế điều hành xăng dầu linh hoạt
Cửa hàng xăng dầu của Petrotrade Lào









Cơ chế quản lý, điều hành kinh doanh xăng dầu Lào tương đối giống Việt Nam, nhưng linh hoạt và diễn biến nhanh hơn, tạo điều kiện cho thị trường ổn định trong 5 năm trở lại đây. Nhờ đó, nhiều DN kinh doanh xăng dầu trên đất Lào (gồm cả Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam- Petrolimex) đã hòa nhập nhanh, ngày một lớn mạnh...

CôngThương- Tốc độ phát triển nhanh


Ông Thong Thammalat- Trưởng phòng marketting Công ty Xăng dầu Lào- cho biết: thị trường xăng dầu nước này phát triển mạnh trong 5 năm trở lại đây. Điều này thể hiện trước hết qua số DN đầu mối kinh doanh xăng dầu. Ban đầu chỉ có 4 DN nhưng đến nay số DN đầu mối đã gấp hơn 5 lần với 22 DN: 16 DN đã đi vào hoạt động, 6 DN còn lại đang tiến hành các thủ tục để kinh doanh. Trong 3 DN đầu tư nước ngoài 100% vốn thì Việt Nam có 2 DN (PV Oil, Petrolimex), 1 DN của Thái Lan (PTT); 13 DN của Lào. Thị trường xăng dầu Lào được dẫn dắt bởi 3 DN lớn, chiếm trên 50% thị phần là Công ty xăng dầu Lào (của nhà nước chiếm 34% thị phần); PV Oil ( 15%); PTT của Thái Lan (13%). Còn lại là Petrolimex (9 %), ML (7%), Star oil (6%)… và một số DN tư nhân.

Tại Lào, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, 100% xăng dầu đang được bán tại Lào được nhập khẩu từ nước ngoài (80% nhập từ Thái Lan, 20% từ Việt Nam). Lượng hàng tiêu thụ tăng từ 8 - 13%/năm. Dự kiến năm 2012, sản lượng tiêu thụ khoảng 800.000 m3. Hàng năm, Bộ Công Thương Lào phân bổ hạn ngạch cho DN đủ điều kiện nhập khẩu xăng dầu. Hạn ngạch dựa trên đề xuất của chính DN.



Ông Thong Thammalat, Trưởng phòng marketting Công ty Xăng dầu Lào- công ty xăng dầu lớn nhất tại Lào



Cửa hàng Petrolimex- là một trong những cửa hàng có sản lượng bán cao tại Lào


Ông Phan Văn Minh- Giám đốc Công ty và ông Vũ Ngọc Tú- Giám đốc tài chính Công ty Xăng dầu Petrolimex Lào

Hệ thống bán lẻ trên thị trường Lào được chia làm 3 loại: Thứ nhất là cửa hàng trực thuộc DN đầu mối, chịu sự quản lý hoàn toàn của DN. Thứ hai, cửa hàng do DN đầu mối đầu tư rồi cho tổ chức, cá nhân thuê để tiêu thụ hàng của mình. Cuối cùng là những cửa hàng mua xăng dầu theo hình thức “mua đứt, bán đoạn”. Đối với những cửa hàng thứ 3, mà ở Việt Nam gọi là đại lý mua buôn, sau khi hàng được mua, đại lý phải chịu trách nhiệm về chất lượng, số lượng xăng dầu bán ra. Ngoài ra, Chính phủ Lào quy định mức thù lao tối thiểu là 150 kíp (400 đồng)/lít cho đại lý. Về mức thù lao này, anh Phan Văn Minh- Giám đốc Petrolimex Lào- cho biết, đây là nét mới trong điều hành xăng dầu Việt Nam chưa thực hiện.

Trong sử dụng thương hiệu, tương tự như Việt Nam, Chính phủ Lào quản chặt việc sử dụng thương hiệu, một đại lý chỉ ký duy nhất 1 DN đầu mối và mang thương hiệu của DN đó. Nếu cửa hàng nào vi phạm DN đầu mối gửi văn bản lên cơ quan quản lý sẽ bị phạt rất nặng 5.000 USD/lần. Vì thế, kinh doanh xăng dầu ở Lào rất ít có trường hợp xâm phạm thương hiệu.

 Mặt hàng xăng dầu Lào cũng được Chính phủ kiểm soát chặt chẽ thông qua hóa đơn xuất - nhập hàng hóa. Ông Thong Thammalat cho biết, thêm, tại cửa hàng, nếu hóa đơn nhập vào 80 m3/tháng nhưng thực tế đồng hồ đo bán ra 100m3 thì chứng tỏ cửa hàng đã nhập ngoài 20 m3. Dựa trên căn cứ này, các cơ quan chức năng sẽ đưa ra mức phạt.

Doanh nghiệp lớn dẫn dắt thị trường


Cơ chế tính giá xăng dầu tại Lào tương ứng như ở Việt Nam, nghĩa là cũng có giá cơ sở, căn cứ vào giá mof Thái Lan (vì hầu hết nhập xăng dầu từ Thái Lan); thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT và phí cầu đường. Các loại thuế này là thuế cố định bởi vì dựa trên giá tính thuế cố định, rất ít khi thay đổi.

Chính phủ điều hành giá thông qua Hiệp hội Xăng dầu Lào. Các công ty trong hiệp hội có quyền trình văn bản lên hiệp hội đề nghị điều chỉnh giá xăng dầu nếu thấy lỗ hoặc lãi. Nếu thấy cần thiết, Chủ tịch hiệp hội trình văn bản lên Bộ Tài chính và Bộ Công Thương yêu cầu điều chỉnh giá. Cuối cùng Bộ Công Thương là người công bố điều chỉnh giá.



Một đại lý xăng dầu Công ty Petrotrade Lào- cửa hàng rất rộng và sạch đẹp

Đáng chú ý, vai trò dẫn dắt thị trường của DN lớn trong việc điều chỉnh giá được khẳng định rõ rệt. 3 DN chiếm thị phần lớn nhất của Lào: Công ty Xăng dầu Lào, Công ty PVOil và Công ty Xăng dầu PTT (Thái Lan) - chiếm khoảng trên 50% thị phần nếu đồng thuận tăng hoặc giảm giá thì hiệp hội sẽ trình Chính phủ tăng, giảm giá. Trong trường hợp 3 DN dẫn dắt không trình văn bản lên Chính phủ đề nghị điều chỉnh giá nhưng có hơn 50% số DN đề nghị hiệp hội điều chỉnh giá thì hiệp hội phải tổ chức họp để thống nhất trình văn bản lên Chính phủ. Ở Lào, Chính phủ không quy định ngày tăng, giảm giá mà điều này hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường. Vì thế, thời gian điều chỉnh giá xăng dầu diễn ra khá nhanh. Nếu giá thế giới diễn biến quá nhanh thì có thể lấy giá trung bình để làm căn cứ điều chỉnh.

Về phía Nhà nước, Chính phủ giám sát giá xăng dầu thông qua các báo cáo của hiệp hội; Nếu giá xăng dầu thế giới giám mạnh mà hiệp hội không trình điều chỉnh giảm thì Tổ điều hành giá gửi công văn cho hiệp hội yêu cầu trình văn bản đề nghị giảm giá.



Người dân Lào đều trả lời không quan tâm đến giá xăng dầu tăng hay giảm, mà chỉ quan tâm đến chất lượng và số lượng


Ông Chanhone - Phó giám đốc Công ty Xăng dầu Viêng Chăn- cho biết: bán kính quá 60km phải cộng thêm cước vận tải


Cửa hàng xăng dầu của Petrolimex ở Viêng Chăn

Trước cơ chế điều hành linh hoạt và nhanh như vậy, giá xăng dầu trong 1 tháng tại Lào có thể tăng giảm đến 4-5 lần. Mỗi lần tăng giảm giá với mức độ ít thì khoảng 100 kip/lít (260 đồng), nhiều thì khoảng 900 kip/lít (2.340 đồng)- tuy nhiên việc tăng 900 kip là rất hãn hữu. Điều này khiến việc tăng, giảm giá xăng dầu đã trở thành bình thường với người dân Lào. Người tiêu dùng cũng hiểu rằng, cơ chế giá được điều chỉnh linh hoạt theo giá thế giới và không có gì phải lo lắng về giá. Đặc biệt, gần như không có chuyện giá hàng thực phẩm, cước vận tải tăng theo giá xăng dầu bởi giá được điều chỉnh liên tục. Thậm chí, nếu có DN kinh doanh nào lợi dụng việc tăng giá xăng dầu để tăng giá bán, hàng hóa sẽ bị người tiêu dùng tẩy chay ngay.

Tại Cửa hàng Xăng dầu Tân (Coro- đại lý thuê lại cửa hàng), chị Choi -  khách hàng thường xuyên khẳng định: Tôi ít quan tâm đến giá bởi giá xăng dầu tăng giảm phụ thuộc vào giá thế giới. Khách hàng như chúng tôi ít quan tâm tới giá mà chủ yếu quan tâm đến chất lượng mà thôi.

Ông Chanhone - Phó GĐ Công ty Xăng dầu Viêng Chăn (vốn là Công ty Xăng dầu Quân đội của Lào) cho biết: Đối với việc kinh doanh mặt hàng xăng dầu tại vùng sâu, vùng xa, giá được tính theo kiểu cộng tiến vùng. Trong vòng bán kính 60km, giá xăng dầu được giữ nguyên. Vượt quá bán kính này, giá xăng dầu sẽ được tăng thêm 100 kip (260 đồng), cứ thế cộng tiến. Thậm chí, tại những vùng cao, đi lại khó khăn, Chính phủ Lào còn hỗ trợ thêm cho giá xăng dầu.

“Tại một số cửa hàng vùng Bắc Lào như ở tỉnh Luôngphabăng, do địa hình quá xa, ngoài việc cộng tiến giá, Chính phủ hỗ trợ cước vận tải thêm 100 kip/lít xăng dầu. Điều này tạo điều kiện cho DN yên tâm kinh doanh ở vùng sâu vùng xa mà không lo bị lỗ”- bà Chăn Seo Mẩy, tổng đại lý xăng dầu của Petrolimex Lào tại Viêng Chăn- cho biết.

Thanh Hương - Nguyễn Hải (baocongthuong)