Đa dạng hóa nguồn nguyên liệu sản xuất Ethanol cho xăng E5
02:50 SA @ Thứ Ba - 19 Tháng Mười Hai, 2017

Thời gian tới, sắn, mía và Jatropha sẽ là 3 cây trồng chủ lực cần được nghiên cứu nghiêm túc với các giải pháp phù hợp mới có thể đáp ứng được mục tiêu phát triển nhiên liệu sinh học.

Việc thay thế hoàn toàn xăng RON92 bằng xăng sinh học E5 không những thúc đẩy ngành công nghiệp nhiên liệu sinh học phát triển mà còn tái cơ cấu nông nghiệp góp phần tạo thu nhập bền vững cho khu vực nông nghiệp.

Thời điểm chuyển đổi sang xăng E5 đã cận kề. Để đảm bảo đầu vào cho sản xuất ethanol, các chuyên gia cho rằng, việc đa dạng hóa các nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất là cần thiết.

Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để sản xuất nhiên liệu sinh học

Ethanol ở Việt Nam chủ yếu được sản xuất từ sắn thái lát. Theo tính toán, mỗi nhà máy ethanol khi đi vào sản xuất sẽ thu mua ổn định cho khoảng 15.000 hộ trồng sắn tại các xã vùng cao của các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Đông Nam bộ.

Các nhà máy sẽ hỗ trợ nông dân về giống cũng như kỹ thuật canh tác mới và thu mua sắn để sản xuất ethanol không chỉ giúp xóa đói, giảm nghèo, mà còn giúp cải thiện cuộc sống với nguồn thu nhập ổn định cho phần lớn nông dân ở các vùng sâu, vùng xa.

Ông Lưu Quang Thái - Chủ tịch Hiệp hội nhiên liệu sinh học Việt Nam cho biết, hiện mỗi năm sản lượng sắn củ tươi trong nước đạt khoảng 11 triệu tấn, sắn khô đạt từ 1,5-2 triệu tấn. Lượng này có thể sử dụng để sản xuất hàng triệu tấn ethanol.

Bên cạnh đó, giá nguyên liệu sắn hiện cũng chiếm hơn 70% giá thành sản phẩm. Vì vậy, ổn định nguồn cung sắn với giá thành hợp lý là yếu tố quyết định giá nhiên liệu sinh học của Việt Nam có thể cạnh tranh được với giá nhiên liệu sinh học nhập khẩu.

Theo quy hoạch, diện tích vùng trồng sắn nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học đến năm 2020 đạt 159 nghìn ha, chiếm 35,45% diện tích sắn toàn quốc; năng suất sắn trong vùng nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học đạt gần 300 tạ/ha, sản lượng đạt 4,8 triệu tấn. Đáp ứng đủ cho 10 nhà máy sản xuất NLSH của Việt Nam hoạt động hết công suất.

Giai đoạn 2021 - 2030, diện tích sắn ổn định 550 nghìn ha, tốc độ tăng trưởng về năng suất đạt bình quân 2,69%/năm, sản lượng đạt 16,5 triệu tấn, tốc độ tăng trưởng về sản lượng đạt 2,69%/năm. Trong đó dành cho các cơ sở chế biến tinh bột sắn đạt 5,35 triệu tấn, sản xuất ethanol đạt 5,4 triệu tấn và xuất khẩu đạt 4,93 triệu tấn.

Theo Cục Trồng trọt- Bộ NN&PTNT, Việt Nam được đánh giá có điều kiện thuận lợi để sản xuất nhiên liệu sinh học, tiềm năng của một số loài cây trồng cung cấp nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu như ngô, sắn và mía (sản xuất cồn) hay các cây dầu như lạc, đậu tương, vừng, dừa…(sản xuất diesel).

Sắn, mía và Jatropha sẽ là 3 cây trồng chủ lực để đáp ứng mục tiêu phát triển nhiên liệu sinh học

Về nguồn nguyên liệu phục vụ cho việc sản xuất E100, ông Nguyễn Như Hải, Trưởng phòng cây lương thực, cây thực phẩm, Cục Trồng trọt cho biết, thời gian tới, sắn, mía và Jatropha sẽ là 3 cây trồng chủ lực cần được nghiên cứu nghiêm túc với các giải pháp phù hợp mới có thể đáp ứng được mục tiêu phát triển nhiên liệu sinh học.

Về cây sắn, Việt Nam được đánh giá có thế mạnh lớn về sản xuất sắn, đây là cây lương thực quan trọng đứng hàng thứ ba sau lúa và ngô. Vai trò của cây sắn đã và đang chuyển đổi nhanh chóng từ chỗ là cây lương thực trở thành cây công nghiệp và cây nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học với tốc độ phát triển cao trong những năm qua.

Năm 2016, diện tích sắn cả nước đạt 570.000 ha (tăng 12.000 ha so với năm 2015); năng suất đạt 191,8 tạ/ha (tăng 2,7 tạ/ha so với năm 2007), sản lượng đạt trên 10,9 triệu tấn (tăng 191,9 nghìn tấn so với năm 2007).

Do cây sắn có lợi thế thấp so với cây trồng nông nghiệp khác, hiện nay và chủ yếu trồng ở vùng đất dốc, sói mòn đất cao, vì vậy định hướng không tăng diện tích sắn, chủ yếu tập trung đầu tư thâm canh năng suất, sản lượng đáp ứng nhu cầu nguyên liệu công nghiệp chế biến trong đó sản xuất cồn chiếm khoảng 10 đến 15% sản lượng sắn hàng năm.

Theo Quyết định 824 của Bộ Nông nghiệp phê duyệt Đề án phát triển ngành trồng trọt đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã xác định, ổn định diện tích 450 ngàn ha vào năm 2020; thâm canh sắn để đạt sản lượng khoảng 11 triệu tấn để làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và nhiên liệu sinh học.

Để đảm bảo diện tích, tăng sản lượng sắn theo kế hoạch, thời gian tới cần tập trung nghiên cứu chuyển giao giống mới năng suất, chất lượng tốt kết hợp đầu tư thâm canh tăng năng suất, đảm bảo đủ nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn và Ethanol.

Đối với cây mía, năm 2016,diện tích mía cả nước đạt 268 nghìn ha, năng suất đạt 65 tấn/ha, sản lượng đạt 17.420 tấn. Định hướng phát triển mía trong thời gian tới là giữ ổn định diện tích khoảng 300.000 ha. Tập trung đầu tư phát triển vùng nguyên liệu theo quy hoạch được duyệt. Tăng cường các giải pháp thâm canh và chuyển đổi giống mới trong thời gian tới ở các vùng Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ; đồng bằng sông Cửu Long.

Còn cây Jatropha, tháng 6/2008 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quyết định phê duyệt Đề án “Nghiên cứu, phát triển và sử dụng sản phẩm cây Cọc rào (jatropha curcas L.) ở Việt Nam giai đoạn 2008- 2015 và tầm nhìn đến 2025” với mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn 2008- 2010.

Bộ đã cho phép nhập khẩu một số giống Jatropha tốt có xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia về trồng khảo nghiệm tại vùng Tây Bắc, Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam Trung bộ để hoàn thiện quy trình gieo trồng.

Bộ Nông nghiệp cho biết, để sản xuất cây nhiên liệu phát triển một cách bền vững trong thời gian tới cần ổn định diện tích gieo trồng, khắc phục các tồn tại trong thời gian qua, đồng thời tập trung một số giải pháp như: rà soát quy hoạch các vùng sản xuất trên địa bàn, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định.

Nguồn: