Dầu khí trông chờ các siêu dự án
04:16 SA @ Thứ Hai - 18 Tháng Hai, 2019

Công ty CP Chứng khoán KIS vừa phát hành báo cáo phân tích về ngành dầu khí với dự báo sản lượng dầu và khí của Việt Nam sẽ tiếp tục suy giảm trong bối cảnh giá dầu chịu áp lực đi xuống. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2020-2022, tình hình sẽ cải thiện nhờ sự dẫn dắt của các siêu dự án lớn.

dau khi trong cho cac sieu du an

Giá dầu thấp khiến ngành dầu khí Việt Nam gặp nhiều thách thức để phát triển mỏ dầu mới . Ảnh: ST

Suy giảm sản lượng

Theo báo cáo của KIS, trong 5 năm qua, sản lượng dầu thô của Việt Nam suy giảm ở mức 5,3%/năm. Bạch Hổ - mỏ dầu lớn nhất Việt Nam, chiếm 60% sản lượng - dự kiến sẽ hoàn toàn cạn kiệt trong 4-5 năm tới. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ước tính sản lượng dầu thô sẽ tiếp tục giảm 10%/năm cho đến năm 2025 do suy giảm sản lượng tự nhiên, thiếu hụt đầu tư và tình trạng ngập nước ngày càng trầm trọng của các mỏ hiện hữu.

Hiện nay, với giá dầu thô từ 50-60 USD/thùng, rất khó để phát triển mỏ dầu mới tại Việt Nam. Các kế hoạch thăm dò và phát triển mỏ đều bị trì hoãn hoặc chậm tiến độ do hiệu quả kinh tế thấp. Cụ thể, trước năm 2015, nghiên cứu khả thi cho phát triển mỏ dầu tính toán với giả định giá dầu trên 100 USD/thùng. Tuy nhiên, với bối cảnh hiện nay, hầu hết các dự án mỏ dầu mới có chi phí hòa vốn với giá dầu phải trên 54 USD/thùng.

Bên cạnh đó, khó khăn về tài chính khiến Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí Việt Nam (PVEP) và Vietsovpetro khó đầu tư thêm vốn vào hoạt động thăm dò và khai thác. Lợi nhuận của nhà thầu dầu khí bị ảnh hưởng nặng do lợi nhuận dựa trên sản lượng và giá dầu Brent.

Hiện tại, một số mỏ dầu quy mô nhỏ đang được triển khai như Mèo Trắng Đông - 1X, Lạc Đà Vàng, Kình Ngư Trắng. Tuy nhiên, khối lượng bổ sung không đủ để bù đắp sản lượng giảm tự nhiên của các mỏ dầu hiện hữu.

Tuy nhiên, các dự án khí đang tăng tốc tiến độ nhằm đáp ứng nhu cầu cao về phát điện. Theo đó, sản lượng khí tự nhiên sẽ tăng mạnh kể từ cuối năm 2020 nhờ các mỏ khí mới bao gồm Sao Vàng - Đại Nguyệt, Lô B, Cá Voi Xanh được được vào khai thác.

Chờ đợi nhiều dự án mới

Trước năm 2015, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chi đầu tư hàng năm hơn 2 tỷ USD/năm để khoan 30 - 40 giếng khai thác, bổ sung trữ lượng dầu 30 - 40 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, giá dầu giảm mạnh trong năm 2015 khiến nguồn chi thăm dò giảm mạnh 80% chỉ còn 400 triệu USD/năm. Năm 2017 là năm khó khăn nhất trong lịch sử Tập đoàn khi sản lượng thăm dò mới giảm tới 10 lần so với giai đoạn trước. Hoạt động thăm dò khai thác yếu trong giai đoạn 2016 – 2018 sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn cung dầukhí mới và nhu cầu các hoạt động ngoài khơi yếu kém trong những năm tiếp theo.

Năm 2019, các nhà thầu dầu khí bao gồm Rosneft, PVPC, PVEP POC, Thăng Long, Cửu Long, Hoàng Long - Hoàn Vũ JOC… tiếp tục duy trì kế hoạch khoan chỉ với 10 - 15 giếng khai thác. Hầu hết các nhà thầu đang hoạt động ở mức tối thiểu, dẫn đến nhu cầu thấp đối với dịch vụ tàu dầu khí và căn cứ cảng. Giá khoan của các giàn tự nâng vẫn dưới 60.000 USD/ngày do tình trạng dư cung nặng khu vực Đông Nam Á. Nhìn chung, các hoạt động dầu khí vẫn chưa phục hồi về giá cả và khối lượng công việc trong năm 2019.

Tuy nhiên, các hoạt động đấu thầu và khởi công xây dựng sẽ làm nóng toàn ngành vào năm 2020 - 2022. Lô B và Cá Voi Xanh sẽ mang lại đơn hàng khổng lồ trị giá 20 tỷ USD cho các nhà thầu thiết kế. Do đó, khối lượng công việc và giá dịch vụ cho các dịch vụ ngoài khơi liên quan như căn cứ cảng và tàu dịch vụ ngoài khơi cũng sẽ phục hồi.

Trong khi đó, ở trung nguồn, dự án tuyến ống Nam Côn Sơn 2 - Giai đoạn 2 sẽ chính thức khởi công xây dựng vào nửa cuối 2019, đường ống Lô B - Ô Môn cũng được kỳ vọng sẽ chính thức khởi công vào đầu năm 2020, chậm 1 năm so với kế hoạch của PVGas.

Còn ở hạ nguồn, vào tháng 12/2018, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chính thức đi vào hoạt động sau 5 năm xây dựng. Nguồn cung trong nước đáp ứng 60% sản lượng xăng, dầu cho thương nhân đầu mối xăng dầu trong nước, giúp giảm được chi phí vận chuyển và rủi ro giá so với nguồn nhập khẩu.

Cùng với đó, nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất dự kiến sẽ tiếp tục hoạt động với tỷ lệ huy động cao (106%) vào năm 2019. Tuy nhiên, dự án mở rộng và nâng cấp nhà máy lọc dầu Dung Quất có thể bị hoãn thêm 1 năm do khó khăn trong tài trợ vốn.

Việc Mỹ tăng sản lượng dầu đá phiến sẽ triệt tiêu hoàn toàn thỏa thuận cắt giảm của OPEC+ trong năm 2019. Bên cạnh đó, nhu cầu dầu thô được dự báo tăng trưởng kém do những lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại. Cả phía cung và cầu đều gây áp lực giảm lên giá dầu. Theo dự phóng của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), giá dầu Brent bình quân của năm 2019 sẽ ở mức 61 USD/thùng (giảm 16% so với năm 2018). Với mức giá dầu này, ngành dầu khí Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức để phát triển mỏ dầu mới do chi phí sản xuất cao, khó khăn về tài chính và thiếu hụt hoạt động thăm dò trong giai đoạn trước.
Nguồn: