DN XNK xăng dầu được giãn thời gian vay ngoại tệ
02:16 SA @ Thứ Sáu - 19 Tháng Mười Hai, 2014

Việc cho vay ngoại tệ lại tiếp tục được giãn đến năm 2015 đối với một số lĩnh vực. Đây là thông tin chính thức vừa được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết chiều 18/12.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng. Ảnh:VGP/Huy Thắng

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nhập khẩu lo ngại ngày 31/12/2014 sẽ là hạn cuối được vay ngoại tệ cho các nhu cầu thanh toán đơn hàng nhập khẩu, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 29 năm 2013.
Cụ thể, Thông tư 29 quy định kể từ thời điểm trên, các ngân hàng thương mại phải chấm dứt cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp thực hiện phương án sản xuất kinh doanh xuất khẩu qua biên giới và doanh nghiệp thanh toán đơn hàng nhập khẩu xăng ngắn hạn. Trong lúc Ngân hàng Nhà nước chưa ban hành các quy định mới thay thế, kể từ ngày 1/1/2015, ngân hàng có thể chỉ được cho vay ngoại tệ với hai mục đích gồm cho vay để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; đầu tư ra nước ngoài với các dự án, công trình quan trọng được cấp phép. Khách hàng muốn vay phải chứng minh có đủ nguồn thu ngoại tệ để trả nợ.

Ngoài các lĩnh vực trên, tổ chức tín dụng cũng xem xét cho vay ngoại tệ với các nhu cầu vốn thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển sản xuất-kinh doanh nhưng phải thông qua sự phê chuẩn của Ngân hàng Nhà nước.

Các giao dịch, quan hệ ngoại tệ trên thị trường theo đó sẽ từng bước chuyển từ vay mượn sang mua bán. Hành động này của nhà điều hành nhằm mục tiêu tập trung chống và giảm đôla hóa trong nền kinh tế; giảm bớt sự lệ thuộc vào đồng USD và nâng vị thế đồng nội tệ Việt Nam

Về vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định khi trao đổi với báo chí là không có việc chấm dứt này khi hết năm 2014.

Trong tháng này, NHNN sẽ có văn bản hướng dẫn thay thế với điểm đáng chú ý là: NHNN sẽ tiếp tục cho các tổ chức tín dụng được tự quyết cho vay với 2 nhu cầu vay ngắn hạn nhập khẩu xăng dầu và phục vụ sản xuất kinh doanh hàng hóa xuất khẩu trong năm 2015. Đại diện NHNN cho rằng hiện nay việc kéo dài này là cần thiết trong bối cảnh doanh nghiệp còn khó khăn, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể vay được ngoại tệ, tiết giảm chi phí khi lãi suất tiền đồng cao hơn lãi suất cho vay ngoại tệ và tỷ giá đang ổn định.

Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng khẳng định: NHNN vẫn kiên định với mục tiêu chống "đôla hóa" trong nền kinh tế và có sự linh hoạt trong từng giai đoạn cụ thể. “Phải chuyển dần từ quan hệ cho vay ngoại tệ sang quan hệ mua bán. Thông tư 29 là một phần trong lộ trình, các tổ chức tín dụng chỉ được cho vay với các nhu cầu có ngoại tệ để trả nợ", Phó Thống đốc khẳng định.

Bà Hồng cho biết thêm, hiện nay dư nợ cho vay ngoại tệ đối với các doanh nghiệp thực hiện phương án sản xuất kinh doanh xuất khẩu qua biên giới và thanh toán đơn hàng nhập khẩu xăng ngắn hạn vào khoảng 30% tổng dư nợ cho vay ngoại tệ.

Thực tế, việc vay nhập khẩu xăng chiếm 6% và vay xuất khẩu chiếm 24% dư nợ cho vay.

Trước đó, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, ông Nguyễn Hoàng Minh cũng dự báo, dư nợ mảng ngoại tệ sẽ giảm xuống khá mạnh trong thời gian tới. Vì các ngân hàng cho vay ngoại tệ chủ yếu là với doanh nghiệp xuất khẩu - những đơn vị có thể cân đối được nguồn trả nợ.

Còn một số chuyên gia độc lập cũng cho rằng thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng và dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước khá dồi dào nên nhà quản lý có thể cân nhắc nới cho vay ngoại tệ thêm một thời gian nữa để hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu, trong bối cảnh lãi suất tiền đồng vẫn còn cao.

Nguồn: