Doanh nghiệp xăng dầu muốn tăng chi phí định mức
07:04 SA @ Thứ Hai - 25 Tháng Tám, 2014

Giá bán lẻ hiện này tính sẵn một khoản 860 đồng mỗi lít xăng để doanh nghiệp trang trải chi phí bán hàng, tuy nhiên họ cho rằng cần tăng thêm 250-300 đồng mới đủ bù đắp.

Đề xuất tăng chi phí định mức một lần nữa lại được các doanh nghiệp đặt ra khi cơ quan chức năng sửa đổi Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu. Giá bán lẻ được các doanh nghiệp xây dựng căn cứ trên bảng giá cơ sở, trong đó quy đổi giá thế giới nhập về cảng theo tỷ giá ngân hàng, tính đầy đủ các loại thuế và dành ra 2 khoản cho doanh nghiệp, bao gồm chi phí định mức (860 đồng mỗi lít xăng) và lợi nhuận định mức (300 đồng mỗi lít xăng). Theo tính toán tại ngày 18/8 của Hiệp hội Xăng dầu, cả hai khoản này tương đương 4,79% giá cơ sở (24.172 đồng). Sau đợt giảm giá vừa qua, doanh nghiệp không được bù đắp từ nguồn Quỹ Bình ổn giá.

Trao đổi với VnExpress, một lãnh đạo Hiệp hội Xăng dầu cho hay chi phí định mức đối với doanh nghiệp chỉ ở mức 860 đồng mỗi lít là quá thấp so với thực tế. Theo ông, con số này phải tăng 250-300 đồng mới có thể bù đắp chi phí. Nếu tính tiền khấu hao thiết bị, điện nước, đồng phục, mức hao hụt thì một cửa hàng bán lẻ xăng dầu mỗi tháng phải chi khoảng 700 đồng cho mỗi lít xăng bán ra. “Nếu tính cả công vận chuyển, doanh nghiệp mất khoảng 120-160 đồng mỗi lít cho 100km. Bởi vậy, nếu đường vận chuyển dài, họ sẽ lỗ”, vị này cho hay.

Tỷ giá đôla Mỹ tăng từ giữa tháng 6, cước vận tải cũng tăng, vì thế việc quy định cứng chi phí định mức 860 đồng lâu nay khiến doanh nghiệp chịu nhiều thiệt thòi và cần điều chỉnh lên mức 1.100 đến 1.150 đồng mới đủ đảm bảo hiệu quả kinh doanh. “Doanh nghiệp xăng dầu hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, bởi vậy phải có mức lãi nhất định”, ông nhận định.

xang-123-7335-1408707565.jpg

Doanh nghiệp xăng dầu xin tăng chi phí định mức

Tại cuộc họp báo tuần trước, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng đề nghị tăng chi phí kinh doanh định mức. Tuy vậy, Phó tổng giám đốc Trần Ngọc Năm cho biết doanh nghiệp sẽ chỉ công bố con số thực tế sau khi được Bộ Tài chính thẩm định.

Theo lãnh đạo Petrolimex, không được tính đủ lợi nhuận định mức vào giá cơ sở đã ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh thực tế của doanh nghiệp. Đơn cử, tỷ giá được điều chỉnh lên 1% vào tháng 6 đã khiến chi phí của Petrolimex tăng thêm khoảng 140 tỷ đồng. Doanh nghiệp đầu mối này đề nghị Bộ Tài chính xem xét bổ sung một số yếu tố như chi phí hao hụt khâu nhập khẩu, chi phí tài chính phát sinh do phải vay vốn, chênh lệch tỷ giá vào chi phí định mức hiện hành.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, chi phí là nhân tố cấu thành giá. Do đó, nếu khoản chi phí định mức kinh doanh như vận chuyển, nhân công, hoa hồng cho đại lý... tăng thì giá xăng tăng là điểu hiển nhiên. Tuy nhiên, ông cho rằng cần phải xem xét dưới 3 góc độ là Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp. “Nếu doanh nghiệp thực chất không đủ bù đắp thì doanh nghiệp lỗ, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, Nhà nước không thu được thuế. Còn nếu cho tăng quá mức thì ảnh hưởng đến người tiêu dùng”, ông nhận định.

Vị chuyên gia này cho rằng, khi tính toán đến chi phí định mức, cơ quan quản lý cần phải cân nhắc đến yếu tố vùng miền bởi mỗi vùng khác nhau, chi phí kinh doanh sẽ khác nhau. Do đó, theo ông, không nên cào bằng tất cả để tránh tình trạng doanh nghiệp chỉ tập trung vào vùng thành thị, còn thiệt thòi cho những đơn vị kinh doanh ở những vùng khó khăn. “Điều quan trọng nhất là cơ quan chức năng phải đi khảo sát mới biết mức nào là hợp lý để đảm bảo công bằng, tránh gây thiệt thòi cho doanh nghiệp và làm người tiêu dùng bức xúc”, ông nhận định.

Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết đã nhận được báo cáo thực tế chi phí kinh doanh định mức của các doanh nghiệp đầu mối. Cơ quan quản lý sẽ tiến hành rà soát, tính toán với từng mặt hàng và cân nhắc có cho tăng hay không và tăng bao nhiêu là phù hợp.

Nguồn: