Giải pháp thúc đẩy sản xuất ethanol nhiên liệu bền vững
02:24 SA @ Thứ Ba - 28 Tháng Mười, 2014

Tại TP. Quảng Ngãi, Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa phối hợp với Vụ Khoa học và công nghệ (Bộ Công thương) tổ chức hội nghị “Xây dựng giải pháp thúc đẩy sản xuất ethanol nhiên liệu bền vững”.

Nhà máy ethanol

Nhà máy ethanol

Bất hợp lý từ nguồn nguyên liệu

Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, hiện cả nước có trên 100 nhà máy sản xuất tinh bột sắn quy mô công nghiệp với sản lượng từ 1,6 - 2 triệu tấn/năm, trong đó 70% là xuất khẩu và 30% tiêu thụ trong nước. Các nhà máy được đầu tư công nghệ và thiết bị chế biến tinh bột sắn có hiệu suất thu hồi cao. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do dịch bệnh tăng cao tại nhiều vùng đã làm cho năng suất hiện chỉ đạt 17 tấn/ha. Trong khi các nhà máy sản xuất tinh bột sắn khá nhiều dẫn đến sự cạnh tranh về nguyên liệu ngày càng gay gắt. Nghịch lý hơn nữa, mặc dù nguyên liệu không đủ cho các nhà máy sản xuất, nhưng sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam lại chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc và các thị trường khác như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Đến sản xuất nhiên liệu sinh học Ethanol

Hiện, cả nước có 7 nhà máy sản xuất Ethanol nhiên liệu từ sắn với tổng công suất thiết kế 635 triệu lít/năm. Trong đó có 3 cơ sở sản xuất ethanol đạt tiêu chuẩn để pha chế xăng E5 với tổng năng lực sản xuất là 239.000 tấn/năm, đủ pha chế 4,78 triệu tấn khi các nhà máy này hoạt động đủ 100% công suất thiết kế. Cùng với việc các nhà máy đang được đầu tư xây dựng chuẩn bị đưa vào hoạt động, khả năng cung cấp ethanol để pha chế xăng E5 và E10 trong các năm tới là hoàn toàn khả thi.

Tuy vậy, hoạt động của các nhà máy sản xuất ethanol những năm qua gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn, thị trường tiêu thụ… Điển hình là Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất – công suất 100 triệu lít/năm là đơn vị tiêu thụ sắn lớn nhất trong cả nước (hơn 260.000 tấn củ/năm), nhưng 3 năm qua, tổng sản lượng sản xuất của công ty chỉ đạt 52.000 khối (khoảng 6% công suất thiết kế).

Theo các đại biểu, bất cập lớn nhất hiện nay là chưa có chính sách cụ thể cho vùng nguyên liệu nói riêng và xăng sinh học E5 nói chung để thúc đẩy sản xuất ethanol bền vững. Đặc biệt, chưa có sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Đó là chưa kể các nhà máy sản xuất tinh bột sắn gây ô nhiễm môi trường rất lớn.

Cần chính sách để sản xuất ethanol bền vững

Để nguồn nhiên liệu sinh học thực sự đi vào cuộc sống, Hiệp hội Sắn Việt Nam kiến nghị: Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nông dân trồng sắn; hạn chế xuất khẩu sắn lát khô, tạo điều kiện ưu tiên nguyên liệu cho sản xuất trong nước; đẩy mạnh nghiên cứu giống sắn năng suất cao phù hợp với từng vùng; tăng cường mối liên hệ chặt chẽ giữa các hiệp hội sản xuất và kinh doanh nhiên liệu sinh học… Ngoài sản xuất ethanol từ nguyên liệu sắn, cần nghiên cứu sản xuất từ mật rỉ đường để tận dụng hạ tầng sẵn có của các nhà máy và tiết kiệm chi phí vận chuyển.

Ông Nguyễn Phú Cường - Phó Vụ trưởng
Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công thương):

Các bên liên quan đang hoàn thiện văn bản đề nghị xây dựng chính sách hỗ trợ cho nông dân để giảm sức ép cạnh tranh nguyên liệu. Đề xuất Chính phủ xây dựng mô hình thí điểm chuỗi liên kết, tạo sự gắn kết hữu cơ giữa người dân và nhà máy sản xuất ethanol; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; xem xét lại các chính sách về thuế với xuất khẩu nông sản thô và nhập khẩu ethanol thành phẩm vào Việt Nam.

Nguồn: