Hà Nội bác phương án tăng cước vận tải ăn theo giá xăng
03:01 SA @ Thứ Năm - 07 Tháng Chín, 2017

Trong bối cảnh giá xăng tiếp tục tăng sau quyết định của liên Bộ Tài chính - Công thương chiều 5/9, cơ quan quản lý đã có những động thái để kiểm soát nguy cơ tăng giá cước vận tải.

Bác phương án tăng giá cước

Xác nhận đã nắm được phương án tăng giá xăng thời gian qua, một lãnh đạo phòng Kế hoạch – tài chính (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) cho biết cơ quan quản lý luôn có phương án để kiểm soát việc "ăn theo" tăng giá cước vận tải.

Theo đó, Thông tư 233-2016 của Bộ Tài chính đã quy định rõ nếu doanh nghiệp tăng giá trong phạm vi 5% thì họ có quyền chủ động tăng nhưng phải gửi kê khai giá lên sở Giao thông - Vận tải là nơi doanh nghiệp đăng ký đăng ký kinh doanh.

Trong trường hợp tăng giá trên 5%, trước khi tăng doanh nghiệp buộc phải gửi bản kê khai lên sở, sở sẽ tiếp nhận phương án đó và quyết định có đồng ý cho tăng hay không.

Hà Nội bác phương án tăng cước vận tải ăn theo giá xăng - Ảnh 1.

Việc xăng tăng giá sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của nhiều hãng taxi tại Hà Nội.. (Ảnh: Danh Trọng)

Cũng theo vị này, nguyên tắc kê khai giá là phải tính đúng tính đủ và các phương án hợp lý.

Do vậy, doanh nghiệp phải trung thực trong việc kê khai, nêu cụ thể các chỉ tiêu và thành phần về việc tăng, yếu tố tác động tăng...

"Đối với những đơn vị nào gửi phương án giá hợp lý và có kê khai thì bên sở đều có tổng hợp. Đơn vị nào có phương án giá không phù hợp thì sở đều có văn bản trả lời và đăng tải công khai trên website của sở", vị này nói.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) cho hay, doanh nghiệp muốn tăng giá cước vận tải phải làm đề xuất lên sở, sau đó phòng ban chuyên môn của sở phê duyệt phương án. Khi chấp thuận thông qua thì mới được phép tăng giá.

Ông Long cho hay thời gian qua đã có một số doanh nghiệp đề xuất tăng giá cước vận tải nhưng sở đã bác đề xuất, không đồng ý vì cho rằng mức tăng giá cao hoặc các lý do giải trình đi kèm phương án tăng không chính đáng, hợp lý.

Doanh nghiệp tự quyết định

Lãnh đạo một hãng taxi tại Hà Nội cho hay nhiều doanh nghiệp căng thẳng trước việc xăng tăng giá liên tiếp.

"Nếu chúng tôi không tăng giá cước thì doanh thu của hãng chắc chắn sẽ giảm vì chi phí đầu vào tăng cao. Bản thân các lái xe cũng giảm thu nhập", ông nói.

Tuy nhiên, cũng theo vị đại diện doanh nghiệp, việc tăng cước bao nhiêu, khi nào áp dụng doanh nghiệp phải tính toán kỹ và "ngó nghiêng" xung quanh, bởi nếu không cẩn trọng sẽ đánh mất thị phần khách hàng về hãng khác.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Ôtô Việt Nam, nói rằng "giá xăng dầu tăng là điều không tốt, tuy nhiên cần phải xem là... việc bình thường".

Theo ông Thanh, việc giá xăng nhẹ là điều khó tránh khỏi bởi các đơn vị kinh doanh xăng dầu có hạch toán riêng để đảm bảo công việc kinh doanh của họ.

Về ứng phó của các doanh nghiệp vận tải, ông Thanh nói hoàn toàn do doanh nghiệp tự quyết định.

"Họ thấy cần tăng thì tăng, chưa cần thì chưa tăng. Điều này tùy thuộc vào khách hàng và quy luật thị trường còn hiệp hội không can thiệp", ông Thanh nói.

Trước đó, chiều 5/9, liên Bộ Tài chính - Công thương đã quyết định tăng giá xăng đồng loạt. Cụ thể, xăng RON 92 thêm 306 đồng/lít; xăng E5 tăng 285 đồng/lít; dầu diesel 0.05S tăng 155 đồng/lít; dầu hỏa tăng 149 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S tăng 43 đồng/kg.

Đây là lần thứ 4 liên tiếp giá xăng tăng với tổng mức tăng 1.777 đồng/lít (tương đương tăng 10,8%).

Như vậy, tính từ đầu năm 2017, với 7 lần tăng giá (thêm 2.934 đồng/lít) và 7 lần giảm (bớt được 2.682 đồng/lít), 3 kỳ điều chỉnh giữ nguyên giá, giá xăng đã tăng thêm 261 đồng/lít.

Nguồn: