Hoãn IPO Lọc dầu Dung Quất sang năm 2018
04:08 SA @ Thứ Năm - 09 Tháng Mười Một, 2017

Lãnh đạo Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cho biết sẽ hoãn IPO sang năm 2018. Quy mô chào bán trong đợt IPO tới dự kiến sẽ lớn hơn mục tiêu 4% ban đầu.

Theo kế hoạch, công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), đơn vị vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ bán cổ phần lần đầu ra công chung vào 7/11.

Tuy nhiên, Reuters dẫn nguồn tin từ lãnh đạo công ty cho biết, việc cổ phần hóa BSR sẽ bị hoãn đến tháng 1/2018.

Hồi giữa năm, lãnh đạo công ty này cho biết, sẽ bán 4% cổ phần ra công chúng và hy vọng thu về 80 triệu USD. Đồng thời công ty kỳ vọng bán được 49% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, kế hoạch cổ phần hóa gần đây đã thay đổi, công ty có thể bán nhiều cổ phần hơn trong đợt chào bán ra công chúng.

IPO Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ hoãn sang tháng 1/2018

Tuần trước, trả lời Vnexpress, ông Trần Ngọc Nguyên, CEO của BSR nói hai tập đoàn nước ngoài kinh doanh trong lĩnh vực lọc hóa dầu muốn mua cổ phần của BSR, gồm World Petro (Mỹ) và MacronPetro Petroleum (châu Phi).

Mới đây, theo thông tin từ Thành viên HĐTV Tập đoàn Dầu khí (PVN) Phan Đình Đức, hiện có một số đối tác ngân hàng đang quan tâm đến IPO BSR.

Ngoài ra, một doanh nghiệp Việt khá lạ tên là Tập đoàn Tín Thành cũng bày tỏ quan tâm đến IPO Lọc dầu Dung Quất khi tuyên bố sẽ xem xét mua cổ phần của BSR đến 5% (khoảng 2.000 tỷ đồng) trong năm 2017. Trong vòng 12 tháng sau khi IPO, Tín Thành đề xuất BSR trình Thủ tướng Chính phủ phương án trở thành cổ đông chiến lược và được mua đến 55% cổ phần của BSR.

Những cải thiện gần đây về hiệu quả hoạt động của nhà máy Dung Quất đang là những yếu tố tích cực cho đợt IPO nhà máy lọc dầu lớn nhất Việt Nam. Nhà máy đã trải qua đợt bảo dưỡng lần thứ 3 vào tháng 7/2017 vừa qua.

Trong 6 tháng đầu năm BSR đạt doanh thu 38.652 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty đạt lợi nhuận sau thuế 3.832 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần nửa đầu năm 2016.

BSR là thành viên của tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, công ty có vốn điều lệ 35 nghìn tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu hiện chỉ còn gần 34 nghìn tỷ đồng do các khoản lỗ trong thời gian đầu đi vào hoạt động từ năm 2010.

BSR hiện đang được định giá 72.880 tỷ đồng, nghĩa là muốn sở hữu 55% cổ phần BSR, Tập đoàn Tín Thành sẽ phải bỏ ra tới 40.000 tỷ đồng. Đây là số tiền cực lớn không chỉ đối với doanh nghiệp Việt mà còn đối với cả các tập đoàn lớn nước ngoài. Đây là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất từ trước đến nay tiến hành cổ phần hóa.

Nguồn: