Khó trục lợi qua tạm nhập tái xuất!
08:17 SA @ Thứ Hai - 24 Tháng Chín, 2012

Doanh nghiệp có dễ dàng lợi dụng kẽ hở pháp luật,sự quản lý trong tạm nhập tái xuất để buôn lậu, trốn thuế, trục lợi… hay không? Để thông tin tới bạn đọc, phóng viên Báo Công Thương đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú xung quanh hoạt động này.

CôngThương - Thưa Thứ trưởng, có ý kiến cho rằng, hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất (TNTX) gần đây diễn biến phức tạp do cơ chế, chính sách và quản lý đối với hàng kinh doanh TNTX quá thông thoáng, trong đó có cả trách nhiệm của Bộ Công Thương?

Trong lĩnh vực TNTX, Bộ Công Thương chỉ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, Bộ Công Thương chỉ cấp giấy phép cho những mặt hàng cấm nhập khẩu, cấm xuất khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu. Còn các mặt hàng thông thường khác Bộ Công Thương không cấp giấy phép mà các DN đăng ký, làm thủ tục tạm nhập và tái xuất với hải quan, sau đó cũng thanh khoản với hải quan. Trong các mặt hàng thông thường Bộ Công Thương không cấp phép bao gồm cả xăng dầu, hàng đông lạnh, nông sản. Ba loại hàng hóa này chiếm tới 90% hàng TNTX. Như vậy, việc quản lý TNTX phần lớn là do Bộ Tài chính.

Đối với đề xuất cần hạn chế, thậm chí phải cấm hoạt động kinh doanh TNTX để hạn chế buôn lậu, trốn thuế… Thứ trưởng nhận xét thế nào?

TNTX là loại hình kinh doanh không riêng ở Việt Nam mà phổ biến ở các nước trên toàn thế giới. Dù kinh doanh TNTX không thu được thuế trực tiếp nhưng lại thu thuế thông qua doanh nghiệp (DN). TNTX làm đa dạng hóa kinh doanh của DN, giúp cho DN đứng vững, kinh doanh tốt thì nguồn thu tăng thêm. Hoạt động này cũng làm sôi động quan hệ thương mại, nhất là quan hệ thương mại biên giới, giúp cho cả hai bên cùng có lợi, đóng góp phát triển hạ tầng, phát triển DN, phát triển quan hệ thương mại, từ đó lan tỏa.

Còn đối với ý kiến hạn chế hay cấm loại hình kinh doanh này, theo tôi, chúng ta đã hội nhập thì không thể “một mình một chợ”. Vì đây là loại hình phổ biến mà các nước đều có, nhất là đối với những nền kinh tế mở. Tuy nhiên, chúng ta phải quản lý chặt 4 nhóm mặt hàng sau:

Thứ nhất là nhóm mặt hàng cấm nhập, cấm xuất hoặc dừng nhập, dừng xuất,vì là những mặt hàng cấm nên có thể bị lợi dụng tuồn hàng lậu vào. Tôi nhấn mạnh, quản lý chặt không có nghĩa là cấm, quản lý chặt bao gồm cả cấm nhưng không nhất thiết phải cấm.

Thứ hai là nhóm gây ô nhiễm môi trường, gây dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng.

Thứ ba, nhóm hàng có thuế cao,vì đây là những mặt hàng dễ dẫn đến buôn lậu, trốn thuế, đồng thời là những mặt hàng có hạn ngạch thuế quan nhập, hạn ngạch thuế quan xuất. Những mặt hàng có hạn ngạch thuế quan tức là phải hạn chế, như mặt hàng đường chẳng hạn, nhưng theo cam kết WTO bắt buộc ta phải nhập. Nếu không quản lý chặt những mặt hàng này thì hàng lậu vào sẽ phá vỡ chính sách ổn định các mặt hàng đó.

Thứ tư là nhóm hàng phải bình ổn giá. Nhóm hàng này trong nước thông thường có thể thiếu nguồn, khi thiếu nguồn giá “đội”lên làm thiệt hại cho toàn xã hội.

Trước đây ta quản lý chặt bằng cách, mỗi một lô hàng vào đều có hải quan áp tải từ cửa khẩu tạm nhập đến cửa khẩu tái xuất thì không xảy ra chuyện. Nhưng nay hàng TNTX chúng ta để DN tự quản lý, tự vận chuyển thì mới xảy ra chuyện.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú

Tuy nhiên, hiện nay quản lý vẫn có kẽ hở để DN lợi dụng. Thứ trưởng đánh giá thế nào về khả năng trục lợi qua hình thức này?

Đúng! DN có thể lợi dụng kẽ hở. Trước hết, do hiện nay ta quản lý bằng việc phân loại hàng hóa theo “luồng xanh”, “luồng đỏ”(kiểm soát trực tiếp). Mà trong đó hàng TNTX hầu hết được đi qua “luồng xanh”. Vì đi qua “luồng xanh” nên hàng TNTX, kể cả những mặt hàng rủi ro cao cũng không kiểm soát trực tiếp, do đó có trường hợp khai gian, hàng hóa này khai là hàng hóa khác. Vì thế, đối với những mặt hàng nguy cơ cao chúng ta phải kiểm tra, kể cả hàng hóa nguy cơ không cao cũng phải kiểm tra để tránh việc khai gian tên hàng hóa.

Sơ hở nữa là trước đây chúng ta tạm nhập lô hàng nào thì tái xuất nguyên trạng lô hàng ấy, không được chia nhỏ ra. Nhưng bây giờ chúng ta cho phép một lô hàng khi xuất được chia nhỏ ra.

Trước hàng TNTX phải có áp tải hải quan nhưng gần đây lại quy định DN tự quản lý, tự vận chuyển hàng hóa tạm nhập, hải quan chỉ có thanh khoản giấy tờ.

Ngoài ra, trước đây quy định thời gian lưu hàng TNTX ngắn nhưng bây giờ cho phép lưu dài ngày hơn.

Những sơ hở đó dẫn đến việc lợi dụng. Vì thế, chúng ta tập trung giải quyết những vấn đề này sẽ hạn chế được kẽ hở trong quản lý. Tôi cho rằng, chúng ta đừng đổ lỗi cho hoạt động này mà chính là do chúng ta quản lý như thế nào. Như các nước, nếu quản lý chặt hoạt động này thì không xảy ra chuyện.

Gần đây, dư luận cho rằng, DN đầu mối kinh doanh xăng dầu lợi dụng TNTX để buôn lậu, trốn thuế. Xin Thứ trưởng thông tin thêm về sự việc này?

Như tôi đã nói, nếu chúng ta không tập trung giải quyết những kẽ hở thì vẫn có tình trạng buôn lậu, trong đó có hàng cấm mà khai là hàng hóa khác để tuồn vào nội địa. Thứ hai là trốn thuế, hàng thuế cao khai thành hàng thuế thấp. Thứ ba là lưu kho lâu gây ô nhiễm…

Còn đối với TNTX xăng dầu, nếu cho rằng DN lợi dụng để trốn thuế thì tôi cho rằng không phải!

Tôi xin phân tích về khả năng DN đoán được là sẽ tăng thuế, nhập sớm với thuế thấp và khi thuế cao thì chuyển sang kinh doanh nội địa để hưởng lợi. Theo tôi, suy đoán này có 3 điều không đúng với thực tiễn: Thứ nhất, đối với xăng dầu thì không thể nào đoán được lúc nào thuế tăng hay giảm, đến tôi là quản lý mà cũng chẳng đoán ra, vì thuế nay tăng, mai giảm bất ngờ, thì nói gì đến DN. Nói DN đoán được thuế thì lý thuyết là có nhưng thực tế thì không thể.

Thứ hai, xăng dầu không phải là rau, không mua ngay bán ngay được. Nếu có mua ngay bán ngay thì cũng phải đặt mua trước hàng tháng, còn thông thường phải ký đặt mua trước nửa năm, thậm chí phải ký hợp đồng ngay từ đầu năm. Còn nếu DN mua ngay (hợp đồng Spot) phải chấp nhận giá cao hơn, với giá này khi mua đã bị thiệt rồi nên nếu có lợi dụng chênh lệch thuế cũng chẳng có lợi, vì thế hình dung như thế cũng không đúng.

Thứ ba, lúc thuế nhập khẩu tăng chính là lúc giá thế giới giảm, mà giá thế giới giảm thì trước hết DN cũng phải giảm giá, nếu vậy cũng không có lợi.

Như thế với 3 nguy cơ DN gian lận thuế lý thuyết là có nhưng thực tế khó có thể xảy ra. Đó là chưa kể nếu TNTX thì cần có thời gian mới chuyển sang loại hình kinh doanh nên cũng không được lợi gì.

Hơn nữa, vào thời điểm DN có một lô hàng nhập vào, DN chọn nhập để kinh doanh hay TNTX thì bản chất cũng không có gì thay đổi. Vì nếu khai là nhập kinh doanh thì cũng nộp ngần ấy thuế, còn nếu khai là TNTX thì vẫn nộp ngần ấy thuế. Chỉ khác nhau là nếu là hàng kinh doanh thì phải nộp thuế ngay, còn nếu là hàng TNTX thì có thể hoãn nộp thuế một thời gian. Tức là thuế thì không thay đổi, chỉ có thời gian nộp là thay đổi. Nếu nói người ta lợi dụng điều này để trốn thuế thì cũng không phải, vì thuế tính từ ngay khi mở tờ khai đầu vào, dù thời gian lâu thế nào cũng không thay đổi, và khi chuyển từ hàng TNTX sang kinh doanh còn bị phạt chậm nộp thuế.

Có lợi chăng chỉ ở chỗ, DN bán hàng khai là TNTX chiếm dụng thuế sử dụng một thời gian. Trong khi đó, nếu khai là hàng kinh doanh thì phải nộp thuế ngay, nhưng do khai là TNTX thì nộp sau, đến ngày chuyển loại hình nhập mới phải nộp. Tức là, lẽ ra anh rút tiền túi ra nộp thuế ngay thì anh chưa nộp vội, anh chiếm dụng thuế đó. Nhưng nói lợi hay không lợi thì chưa chắc.Vì nếu nhập kinh doanh thì DNcó quyền bán hàng ngay, thu tiền ngay, còn nếu khai là TNTX thì DN không được quyền bán số hàng đó mà phải cho vào kho giữ, mà lưu kho là phát sinh chi phí, hao hụt, mà xăng dầu bốc hơi nhanh, vì thế so với việc chiếm dụng vốn thì chưa chắc đã có lợi.

Có chăng là nếu khai là hàng TNTX thì linh động hơn trong kinh doanh, bán trong nước cũng được mà tái xuất cũng được, nếu thuận tiện thì tái xuất, nếu không thì chuyển kinh doanh. Còn nếu khai là kinh doanh thì DN chỉ được phép bán trong nước.

Thưa Thứ trưởng, có đề xuất là đối với TNTX xăng dầu nên quản lý bằng việc tạm nhập thế nào thì khi tái xuất cũng phải giữ nguyên đai, nguyên kiện, nguyên lô hàng?

Riêng đối với xăng dầu là hàng đồng nhất về chủng loại, chất lượng, các nước trên thế giới đều quản lý mặt hàng này như ở ta. Chẳng ai có thể kẹp chì cả một tàu chở xăng dầu. Chẳng lẽ lại bảo quản, rồi bê nguyên cái tàu đó để chạy ra ra tái xuất. Do đo ý kiến đó là lý thuyết mà tách rời thực tế. Một tàu dầu nhập chở đến 20 ngàn tấn thì kẹp làm sao nguyên đai, nguyên kiện mà chở. Một container lòng gà có thể kẹp chứ một tàu dầu 20 ngàn tấn thì kẹp làm sao. Đối với mặt hàng gạo, mỳ cũng vậy, đây là hàng đồng nhất chủng loại. Quan trọng là khi tạm nhập vào 10 ngàn tấn thì phải xuất ra 10 ngàn tấn, điều đó phải kiểm tra. Đối với hàng đồng nhất thì chỉ kiểm tra bằng số lượng, hàng bán xô, bán lô thì nước nào cũng quản lý như vậy chứ không riêng gì Việt Nam.

Còn câu chuyện lượng tạm nhập nhiều nhưng tái xuất ít, chuyển sang loại hình kinh doanh nội địa nhiều, thưa Thứ trưởng?

Theo số liệu Tổng cục Hải quan thống kê so với số liệu Bộ Công Thương không chênh lệch nhau nhiều, có sự chênh lệch là vì hải quan chưa cập nhật hết. Cơ quan hải quan cập nhập trên cơ sở thủ tục giấy tờ, còn Bộ Công Thương quản lý trên cơ sở thực xuất, thực nhập do DN báo cáo thật. Tôi lấy ví dụ, một năm tạm nhập 5 tỷ mà lượng tái xuất chỉ chênh lệch so với tạm nhập 544,9 ngàn tấn thì theo tôi, trong số chênh lệch không phải hoàn toàn là hàng chuyển sang kinh doanh, mà trong đó còn hàng tạm nhập rồi nhưng chưa tái xuất được, vẫn đang chờ tái xuất tiếp cho năm sau. Hơn nữa con số 544 ngàn nếu tính tỉ lệ chỉ khoảng 2%.

Xin Thứ trưởng cho biết những giải pháp mà Bộ Công Thương đã làm thời gian qua đối với việc quản lý TNTX?

Ngày 11/9/2010, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 33/2010/TT-BCT về việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu phủ tạng gia súc, phủ tạng gia cầm. Ngày 20/5/2011, Bộ Công Thương tiếp tụcban hành Thông tư số 21/2011/TT-BCT quy định về quản lý hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất thực phẩm đông lạnh, trong đó quy định, chỉ những thương nhân nào được Bộ Công Thương cấp mã số kinh doanh TNTX thực phẩm đông lạnh thì mới được kinh doanh mặt hàng này. Thông tư này ban hành đã có kết quả ngay, đang từ 200 DN kinh doanh mặt hàng này rút xuống còn 60 DN.

Đối với TNTX xăng dầu, Bộ Công Thương đã có văn bản tạm ngừng TNTX xăng dầu qua đường biển từ 15/8/2012, trừ các trường hợp TNTX sang Lào, Campuchia, tạm nhập để bán cho máy bay từ Việt Nam bay nước ngoài và từ nước ngoài đến Việt Nam, cho tàu biển từ Việt Nam đi nước ngoài và từ nước ngoài đến Việt Nam và TNTX thông qua DN tại khu chế xuất tại Việt Nam.

Bộ Công Thương cũng đã soạn chỉ thị về tăng cường quản lý TNTX mà dự thảo chỉ thị này đã được gửi lên Thủ tướng Chính phủ, chắc sẽ ban hành nay mai.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Nguồn: