Nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất để tăng tính cạnh tranh
02:14 SA @ Thứ Tư - 07 Tháng Mười, 2015

Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) vừa ký hợp đồng tư vấn thiết kế tổng thể (FEED) Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất với Công ty Amec Foster Wheeler Energy Limited (Anh), đánh dấu bước ngoặt quan trọng của NMLD Dung Quất trong quá trình phát triển. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ được nâng công suất hiện tại từ 6,5 triệu tấn/năm lên 8,5 triệu tấn/năm, đồng nghĩa với tổng vốn đầu tư của cả hai giai đoạn của NMLD Dung Quất lên gần 5 tỷ USD. Chúng tôi trao đổi với ông Nguyễn Hoài Giang-Chủ tịch Hội đồng thành viên BSR xung quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Hoài Giang

P.V:Xin ông cho biết tính cấp bách phải nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất?

Ông Nguyễn Hoài Giang: Ở giai đoạn 1, khi thiết kế và xây dựng NMLD Dung Quất do kinh phí đầu tư hạn hẹp nên chỉ ưu tiên xử lý nguồn dầu Bạch Hổ nhẹ, ngọt, ít lưu huỳnh. Tương lai gần, nguồn dầu Bạch Hổ sẽ cạn kiệt, để tăng hiệu quả, hiệu suất đột biến, tăng tính cạnh tranh hiện nay với các NMLD khác, phải xác định được nguồn dầu thô và công nghệ phù hợp để thay thế hoàn toàn nguồn dầu Bạch Hổ.

Theo tính toán, tổng chi phí vận hành NMLD Dung Quất khoảng 96-97%, các chi phí còn lại chỉ 3 đến 4%. Vì vậy, buộc phải nâng cấp nhà máy để có nguồn dầu vào rẻ hơn, từ Trung Đông, Tây Phi và Nga. Đây là những chủng loại dầu chua, nặng hơn, nhiều tạp chất hơn dầu Bạch Hổ. Đồng thời, sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn EURO V và đáp ứng nhu cầu các sản phẩm lọc – hóa dầu trong nước. Điều này sẽ nâng cao hiệu quả cho NMLD Dung Quất và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và khu vực Trung Trung Bộ nói riêng.

P.V:Tình hình vốn đầu tư hiện nay, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoài Giang: Trong tình hình giá dầu thô thấp như hiện nay, việc thu xếp tài chính không đơn giản. Tuy nhiên, lộ trình thu xếp tài chính đã được Chính phủ, các Bộ, Ban ngành và Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) xác định rõ ràng. Trong tổng vốn hơn 1,8 tỷ USD, khoảng 30% vốn (11.500 tỷ đồng) là vốn tự có của Tập đoàn dầu khí và BSR, 70% còn lại sẽ đi vay từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước. Tiến độ vay đang được gấp rút chuẩn bị để có nguồn vốn với lãi suất thấp nhất, an toàn nhất, sớm nhất để nâng cấp, mở rộng nhà máy.

P.V:Việc nâng cấp, mở rộng NMLD Dung Quất liệu có tăng tính cạnh tranh, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoài Giang: Việc mở rộng nhà máy là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo nhà máy hoạt động hiệu quả hơn. Đây là việc không phải riêng NMLD Dung Quất làm mà tất cả NMLD trên thế giới từng làm cách đây vài chục năm, kể cả ở Nga, Mỹ, Nhật Bản. Sau khi xây dựng xong nhà máy, khoảng 5-10 năm sau họ bắt buộc phải nâng cấp, mở rộng nhà máy để tối ưu hơn. Bước 1 luôn là xây một nhà máy cơ sở, sau đó vận hành sẽ đánh giá từ đó có bước 2, nâng cấp, mở rộng. Bên cạnh đó, trên cơ sở tình hình các NMLD, các mỏ dầu, việc tiêu thụ và giá xăng dầu đã thay đổi nên chúng ta phải tính toán lại, nâng cấp, tối ưu hóa để nâng cao hiệu quả. NMLD Dung Quất đến thời điểm này tạm thời là nhà máy lọc dầu số 1.

Nhưng sẽ không thể mãi là NMLD số 1 theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng nếu chúng ta không đảm bảo tính cạnh tranh sòng phẳng. Vì các NMLD số 2, số 3 của các nhà đầu tư nước ngoài, các liên doanh trong và ngoài nước chắc chắn sẽ được xây dựng và sẽ có tính cạnh tranh rất cao, đặc biệt về công nghệ kỹ thuật. Như vậy, làm sao để NMLD Dung Quất không phải là số 1 cho những năm đầu tiên mà kể cả khi xuất hiện các NMLD mới, vẫn khẳng định là số 1 - về năng lực cạnh tranh, hình mẫu một NMLD tiên tiến, hiệu quả, hiệu suất cao nhất.

P.V: Nâng cấp, mở rộng sẽ đi kèm với đảm bảo nguồn nhân lực để đảm bảo vận hành trong tương lai, thưa ông?

Ông Nguyễn Hoài Giang: Về nhân lực không có vấn đề gì. Bình Sơn có kinh nghiệm nhiều trong việc đào tạo đội ngũ của chính mình cũng như các dự án khác của Tập đoàn dầu khí trong tương lai. Hiện NMLD có gần 1.500 người vận hành NMLD Dung Quất, trong quá trình vận hành, bảo dưỡng luôn tuyển dụng đào tạo thêm cho Dung Quất và NMLD Nghi Sơn, Long Sơn. Hiện BSR đang hợp tác đào tạo 600 người cho NMLD Nghi Sơn (Thanh Hóa), nhân lực được đào tạo lý thuyết và thực hành ngay trên công trường sẽ nắm bắt thực tế và trưởng thành nhanh chóng để phục vụ cho ngành công nghiệp lọc hóa dầu của đất nước trong tương lai.

P.V: Cảm ơn ông!

Nguồn: