Những quy định bị bỏ quên về thị trường xăng dầu
03:23 SA @ Thứ Ba - 28 Tháng Năm, 2013


                      Ảnh: Internet
Không cần hiểu gì về thị trường xăng dầu và cách vận hành của nó, bất cứ ai cũng đều cảm nhận được có gì đó bất thường khi chuyện găm hàng, đóng cửa thỉnh thoảng lại rộ lên.

Những quy định... cho có

Qua khảo sát, Hiệp hội Xăng dầu (Vinpa) cho biết: Quy định về việc mỗi tổng đại lý (hoặc đại lý) chỉ được phép ký hợp đồng với một thương nhân đầu mối có từ rất lâu nhưng gần như không bên nào tuân thủ. Lý do, theo Vinpa là vì quy định này chưa hợp lý. “Về bản chất, hợp đồng tổng đại lý, hoặc đại lý là hợp đồng mua đứt bán đoạn, mà ở đó tổng đại lý phải chịu rất nhiều yếu tố rủi ro. Mặt khác, toàn bộ chi phí xây dựng cửa hàng xăng dầu đều do tổng đại lý, đại lý đảm nhận, không có sự hỗ trợ nào của thương nhân đầu mối. Vì thế quy định chỉ được ký với một đầu mối là thiếu công bằng” - Vinpa lý giải. 

Ông Nguyễn Văn Tiu, đại diện một Tổng đại lý của Petrolimex tại Hà Nội cũng thừa nhận hầu hết các đại lý đều ký với từ 2 đầu mối trở lên. Như vậy mới đảm bảo được nguồn hàng, đảm bảo được lợi nhuận. Vào cùng một thời điểm, nhưng có đầu mối chiết khấu 900, 1.000 đồng/lít; có đầu mối chỉ 700, 800 đồng. Các tổng đại lý vì vậy cũng “liệu cơm gắp mắm”, bên nào trích cao thì nhập hàng bên đó. Ngoài ra, ông Tiu còn chỉ ra rằng, có những đầu mối lúc khan hàng, lỗ quá không nhập, nên các tổng đại lý cũng vì thế mà không có hàng cấp cho đại lý. “Chúng tôi cũng rất muốn ký với một đầu mối, vừa dễ quản lý, vừa đảm bảo nguồn cung, thuận tiện phục vụ cho các đại lý, nhưng nhiều lúc bất tiện” - ông Nguyễn Văn Tiu bày tỏ. 

Không riêng gì quy định này, một quy định khác cũng chỉ để “cho có” là tổng đại lý phải sở hữu hoặc đồng sở hữu hay thuê sử dụng từ 5 năm trở lên kho chứa 5.000 m3 để đảm bảo cung ứng ổn định cho hệ thống phân phối của mình. Vinpa cho rằng, để có được một kho chứa xăng dầu như vậy, đại lý cần có diện tích trên 1 ha, kinh phí đầu tư không dưới 30 tỷ đồng và thời gian thực hiện không dưới 3 năm. Điều kiện này đối với tổng đại lý trở nên “bất khả thi” và để có được giấy phép, họ buộc phải “hợp thức hóa” điều kiện này bằng một hợp đồng thuê với chính thương nhân đầu mối. Đầu mối vì muốn mở rộng thị phần nên cũng sẵn sàng ký hợp đồng cho tổng đại lý thuê. Cuối cùng, quy định chỉ còn là hình thức. Hầu như trên dưới 300 tổng đại lý xăng dầu trên toàn quốc đều không ai đầu tư kho chứa theo quy định. Vì các lý do trên, Vinpa kiến nghị nên bỏ quy định về kho chứa với tổng đại lý và quy định về việc chỉ được ký hợp đồng với một đầu mối.

Nên nới lỏng hay thắt chặt?

Đáng nói hơn, đó là dự trữ lưu thông xăng dầu. Quy định dự trữ lưu thông vốn để phòng trừ những trường hợp bất thường, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, tuy nhiên “không phải tất cả các đầu mối đều dự trữ” - lãnh đạo một đầu mối tiết lộ. 

Thực tế này không mới. Petrolimex đã nhiều lần kêu ca về tình trạng tiêu thụ trong hệ thống của họ tăng vọt khi thị trường khó khăn. Lãnh đạo các đầu mối biết, tổng đại lý cũng biết, mà thậm chí các cơ quan quản lý nhà nước cũng biết. Tuy nhiên, từ trước tới nay, duy nhất có Công ty Xăng dầu Hàng hải bị truất quyền nhập khẩu xăng dầu (nhưng sau đó lại được cấp phép trở lại). 

Quay trở lại vấn đề gây tranh cãi giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là nên tăng hay hạ chuẩn đối với tổng đại lý? Theo lý luận của DN, tổng đại lý chỉ như “cánh tay nối dài” của đầu mối, giúp lan tỏa hệ thống phân phối, vận chuyển xăng dầu đến những nơi khó khăn mà đầu mối không tới được, bởi vậy không nên ép chuẩn. Tuy nhiên, Bộ Công thương lại vẫn muốn “làm chặt” quy định này. Trên thực tế, sau nhiều năm áp dụng các quy định bắt buộc, hệ thống phân phối xăng dầu của chúng ta không hề lớn mạnh lên, cơ sở vật chất không được đầu tư mới. Với trọng trách của mình, lẽ dễ hiểu là Bộ Công thương muốn “ít người” và “nhiều tóc”, bởi không ai thấm thía hơn họ về tình trạng lộn xộn của thị trường mỗi khi giá xăng dầu leo thang. Nhiều cửa hàng đóng cửa, đại lý kêu thiếu hàng, tổng đại lý cũng kêu thiếu hàng trong khi đầu mối lúc nào cũng khẳng định đủ. Kiểm tra hồ sơ thì... đủ thật. 

Có lẽ đây là câu trả lời vì sao thị trường xăng dầu Việt Nam lộn xộn, cả cơ quan quản lý, người tham gia thị trường và người dân đều... khổ. Quy định thì chặt chẽ, thậm chí rất chặt chẽ, nhưng không ai tuân thủ. Và dù ai cũng lén lút vi phạm, ai cũng biết có người vi phạm, nhưng lại không chỉ ra được (hoặc không chỉ ra) đó là ai (!).

Theo GTVT