Petrolimex kiến nghị nới room ngoại lên 49%, lùi thời điểm thoái vốn Nhà nước
02:40 SA @ Thứ Ba - 14 Tháng Tám, 2018

Petrolimex tiếp tục kiến nghị Chính phủ mở room ngoại cho tập đoàn này lên 49%. Đồng thời đề xuất lùi thời điểm thực hiện việc thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước xuống còn 51% sang giai đoạn 2019 – 2020, thay vì năm 2018 như lộ trình.

Petrolimex kiến nghị nới room ngoại lên 49%, lùi thời điểm thoái vốn Nhà nước

Petrolimex tiếp tục kiến nghị nới room ngoại lên 49%

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương về phương án thoái vốn Nhà nước tại Petrolimex.

Petrolimex cho hay, liên quan đến tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại), tập đoàn này đã có văn bản đề nghị nâng tỷ lệ này lên tối đa 49%. Tuy nhiên, sau đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo tạm thời duy trì room ngoại tại Petrolimex không quá 20% vốn điều lệ.

Theo tính toán của Petrolimex, tỷ lệ còn lại dành cho nhà đầu tư nước ngoài hiện chỉ còn hơn 9%, tương đương 116 triệu cổ phiếu.

“Trên cơ sở tham vấn của Tập đoàn qua các buổi làm việc với các tư vấn tài chính quốc tế và trong nước hàng đầu trên thị trường (Citi Bank, BNP Paribas, SSI…) và đánh giá tình hình thực tế, Tập đoàn thấy rằng có thể đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sở hữu, thoái vốn Nhà nước tại Tập đoàn xuống 51% thì tỷ lệ 9% hiện tại này là không đủ hấp dẫn và khó thu hút được dòng vốn ngoại đầu tư mua cổ phiếu của Petrolimex”, nhóm đại diện vốn Nhà nước tại Petrolimex nêu rõ.

Theo phương án đã được phê duyệt, để giúp Petrolimex có thêm nguồn vốn đầu tư vào các dự án phát triển mảng tính chiến lược giai đoạn 5 năm tới và thoái một phần vốn Nhà nước xuống còn 51% thì tổng lượng cổ phiếu cần chào bán ra thị trường là khoảng 509.200.000 cổ phiếu.

Nếu giả định tính theo giá thị trường của cổ phiếu PLX là 60.000 đồng/cổ phiếu thì tổng số tiền để mua hết lượng cổ phiếu này sẽ vào khoảng 30.500 tỷ đồng (tương đương 1,3 tỷ USD).

“Như vậy, để có thể hấp thụ được toàn bộ lượng cổ phiếu lớn này cần phải huy động được nguồn lực rất lớn, mà chủ yếu sẽ là từ dòng vốn ngoại”, phía Petrolimex cho hay.

Thêm vào đó, Petrolimex cũng dẫn chứng thêm rằng, đối với lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, Chính phủ đang mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia trực tiếp và gián tiếp vào thị trường xăng dầu để nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước.

Ví dụ như trường hợp của Công ty Idemitsu Q8 là công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài đã cấp phép kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam và rất nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đã mua cổ phần của các công ty kinh doanh xăng dầu đang niêm yết như Petrolimex, Comeco, Timexco, Công ty Thương nghiệp Cà Mau…

Gần đây nhất, Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án cổ phần hóa cho PV Oil, trong đó cho phép nhà đầu tư nước ngoài được tham gia mua cổ phần tại PV Oil với room ngoại 49%.

Từ những phân tích nêu trên, Petrolimex tiếp tục kiến nghị Chính phủ mở room ngoại cho tập đoàn này lên 49%.

Cùng với đó, Petrolimex cũng đề xuất lùi thời điểm thực hiện việc thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước sang giai đoạn 2019 – 2020, do diễn biến thị trường năm 2018 không thuận lợi.

Nguồn: