Sau nhiều trắc trở, tương lai nào chờ đón dự án Nhà máy Hóa dầu Long Sơn?
02:07 SA @ Thứ Tư - 23 Tháng Tám, 2017

Sau nhiều bùng nhùng về việc tham gia và chuyển nhượng vốn của các đối tác và trễ tiến độ, Tập đoàn đa ngành SCG vẫn quyết cùng PVN xây dựng nhà máy hóa dầu Long Sơn. Nhưng liệu dự án có suôn sẻ khi chỉ còn 2 cổ đông?

Sau nhiều trắc trở, tương lai nào chờ đón dự án Nhà máy Hóa dầu Long Sơn?
Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Tổ hợp Hóa dầu miền Nam. Ảnh: nangluongvietnam.vn

Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) của Thái Lan vừa thông báo tập đoàn này và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) ngày 17/8 đã ký kết Biên bản ghi nhớ tại Văn phòng Chính phủ Thái Lan nhằm khẳng định “quan hệ đối tác chặt chẽ” trong việc đầu tư vào Công ty TNHH Hoá dầu Long Sơn, chủ đầu tư dự án Nhà máy Hóa dầu Long Sơn tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Đại diện cho lãnh đạo cao nhất của hai bên, ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn SCG và ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc PVN, ký biên bản ghi nhớ trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha.

Ngoài ra, Công ty Hóa dầu SCG (SCG Chemicals), công ty con của SCG, và các công ty thành viên của PVN cũng ký biên bản ghi nhờ “nhằm bày tỏ sự đồng thuận cùng nhau tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực hoá dầu trong tương lai”, thông cáo của SCG cho biết thêm.

Dự án Hoá dầu Long Sơn có tổng vốn đầu tư xấp xỉ 5,4 tỷ USD, tương đương 122.580 tỷ đồng, và có công suất chế biến olefins đạt 1,6 triệu tấn/năm, cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp nhựa ở Việt Nam. Đây là tổ hợp hóa dầu thứ ba tại Việt Nam, sau các nhà máy Dung Quất (Quảng Ngãi) và Nghi Sơn (Thanh Hóa).

Kể từ khi được cấp phép tháng 7/2008, dự án này đã gặp nhiều trắc trở về đối tác đầu tư. Ban đầu dự án có tổng vốn đầu tư 3,77 tỷ USD và có 4 công ty cùng góp vốn, bao gồm Công ty TNHH Vina SCG (53%), Công ty Nhựa và Hóa chất Thái Lan (18%), PVN (18%) và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem với 11%).

Theo kế hoạch ban đầu, dự án được khởi công từ quý III/2008, đến cuối năm 2016 sẽ hoàn tất, trong đó dự kiến hạ tầng cơ sở chung hoàn thành vào năm 2011.

Năm 2012, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Qatar – thông qua Công ty QPI Việt Nam – mua lại 25% cổ phần từ SCG để tham gia vào dự án.

Cuối năm 2012, khi vốn đầu tư của dự án được điều chỉnh tăng lên 4,5 tỷ USD, Vinachem cho biết muốn chuyển nhượng toàn bộ 11% vốn góp và rút khỏi dự án này để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính là các sản phẩm phi dầu khí và phân bón.

Phải đến 2 năm sau, tháng 11/2014, PVN và Vinachem mới ký hợp đồng chuyển nhượng vốn, theo đó PVN nâng tỷ lệ sở hữu tại dự án này lên 29%. Lúc này mốc hoàn thành của dự án được lùi sang quý II/2019.

Tuy nhiên, tháng 2/2017, Báo Đầu tư đưa tin Vinachem vẫn chưa nhận được hết số tiền đã bỏ ra cho dự án này, dù thủ tục về giấy tờ đã xong.

Lãnh đạo PVN và SCG ký biên bản ghi nhớ trước sự chứng kiến của thủ tướng hai nước. Ảnh: SCG

Vào năm 2015 khi giá dầu lao dốc, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Qatar chính thức xin rút vốn khỏi dự án này. Điều này khiến nhiều chuyên gia lo ngại dự án này sẽ tiếp tục gặp khó sau gần 8 năm trì hoãn, do Qatar không chỉ là nhà đầu tư góp vốn mà còn là đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp nguyên liệu cho dự án.

Khi đó, SCG vẫn thể hiện quyết tâm theo đuổi dự án tổ hợp này bằng cách tìm kiếm đối tác mới thay thế đối tác Qatar nhằm sớm tái khởi động dự án. Khi không có đơn vị nước ngoài mới nào thay thế, đầu năm nay chính SCG bỏ ra 36,1 triệu USD để mua lại phần vốn góp của Qatar, qua đó nâng cổ phần tại dự án từ 46% lên 71%.

Như vậy, sau gần 1 thập kỷ được cấp phép, hiện chỉ còn 2 nhà đầu tư tại dự án này gồm SCG và PVN và mới đây có tin tổng vốn đầu tư của dự án đã được tăng lên 5,4 tỷ USD. Tỷ lệ góp vốn Việt Nam – Thái Lan quay lại mốc ban đầu là 29%-71%. Tuy nhiên, trắc trở chưa dừng lại ở đây.

Trong cuộc họp với Tổ công tác của Chính phủ giữa tháng 7, Tổng giám đốc PVN cho biết công tác giải phóng mặt bằng cho dự án đã được hoàn tất và các cổ đông đã chọn được nhà thầu EPC.

PVN và SCG dự kiến vay vốn ngân hàng 3,2 tỷ USD trong tổng số 5,4 tỷ USD cho dự án này và sẽ góp phần còn lại từ vốn tự có. Thế kẹt là PVN không thể bảo lãnh khoản vay tương ứng với tỷ lệ 29% vốn góp do mắc vấn đề pháp lý và Chính phủ không bảo lãnh vốn vay cho dự án này do lo ngại nợ công tăng.Cuối tháng trước, ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của SCG, tái khẳng định tập đoàn này sẽ khởi công xây dựng nhà máy vào năm sau và vận hành thương mại vào năm 2022.

Đầu tháng này, Công ty Xây dựng Hyundai (HEC) của Hàn Quốc cho biết đã trúng thầu xây dựng các công trình tại tổ hợp này. Giá trị của gói thầu lên đến 320 triệu USD.

Với tiềm lực tài chính mạnh và chiến lược mở rộng hoạt động đa ngành tại Việt Nam, SCG quyết tâm xây dựng Nhà máy hóa dầu Long Sơn. Tuy vậy, chưa rõ PVN đến nay đã giải quyết các vướng mắc về tài chính đến đâu và liệu dự án có thể khởi công trong năm sau hay không để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu nhựa ở trong nước ngày càng tăng khi giá dầu thô vẫn lình xình quanh mức 50 USD/thùng?

Nguồn: