Sẽ có nhà máy lọc dầu 27 tỉ đô la ở Bình Định
04:23 SA @ Thứ Hai - 07 Tháng Giêng, 2013

Dự kiến vào tuần tới, lãnh đạo tỉnh Bình Định cùng đại diện nhà đầu tư sẽ báo cáo với Bộ Công thương về Dự án tổ hợp lọc hóa dầu tại Khu kinh tế Nhơn Hội, Bình Định có vốn đầu tư gần 27 tỉ đô la Mỹ này.

Tại Diễn đàn Thách thức và Vận hội cho doanh nghiệp năm 2013 được tổ chức tại TPHCM vào ngày 5-1, ông Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết theo kế hoạch vào ngày 10-1 tới ông sẽ cùng nhà đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) sẽ gặp Bộ Công Thương để báo cáo về dự án.

Ông Dũng cho biết, dự án này được tỉnh Bình Định và PTT tìm hiểu, đàm phán với nhau đã 3 năm; lúc đầu, tập đoàn PTT có kế hoạch đầu tư ở miền Nam Thái Lan, nhưng do những bất ổn ở đất nước này nên nhà đầu tư quyết định đầu tư sang một nước ASEAN, có thể là Malaysia, Myanmar hoặc Việt Nam. Sau quá trình tìm hiểu, nhà đầu tư quyết định chọn Khu kinh tế Nhơn Hội tỉnh Bình Định vì có vị trí chiến lược, sẵn sàng đất đai và có cảng nước sâu tốt.

Theo ông Dũng, do dự án có vốn đầu tư quá lớn, gần 27 tỉ đô la Mỹ, nên nhiều người nghi ngờ tính khả thi, nhưng đây là tập đoàn dầu khí lớn nhất Thái Lan và họ cam kết đủ sức để thực hiện. Ngoài ra, trong dự án này, bên cạnh PTT còn có Công ty Dầu khí Quốc gia Thái Lan cùng hợp tác với các đối tác Việt Nam khác.

Sau một thời gian dài nghiên cứu, khảo sát và lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, cuối tháng 11 qua, PTT – đại diện cho các nhà đầu tư đã trực tiếp báo cáo đề xuất các nội dung liên quan về dự án lọc - hóa dầu nói trên. Và ngày 25-12 qua, tỉnh Bình Định đã có văn bản gửi báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét cho chủ trương đầu tư dự án này. 

Theo đề xuất của nhà đầu tư, Nhà máy lọc hóa dầu sẽ được xây dựng trên diện tích 2.000 héc ta, công suất 660.000 thùng dầu thô/ngày (khoảng 30 triệu tấn/năm) với tổng vốn đầu tư khoảng 26,9 tỉ đô la Mỹ. Nguồn dầu thô của nhà máy sẽ được nhập khẩu từ Trung Đông (45%), châu Phi (25%) và 35% còn lại từ Nam Trung Mỹ. Nhà máy sẽ sản xuất khoảng 11 sản phẩm lọc dầu (LPG,  xăng 92, 95, Jet A1, dầu DO,…) và 10 sản phẩm hóa dầu khác gồm LLDPE, Poly-propylene, DEG…Thị trường tiêu thụ sẽ là Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc và một số nước khác trong khu vực.

Theo đề án nếu được thông qua, toàn bộ công tác chuẩn bị, tổ chức đấu thầu, phê duyệt và các thủ tục liên quan khác hình thành để khởi xây dựng nhà máy vào quí 1-2016. Thời gian xây dựng khoảng 3,5 năm và dự kiến đi vào hoạt động 2019. 

Theo ông Dũng, Bình Định có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư như hạ tầng giao thông, cảng biển, nguồn nhân lực… tuy nhiên việc thu hút đầu tư vào tỉnh chưa nhiều và các dự án cũng chưa phát huy hiện quả cao. Bình Định xem dự án đầu tư lọc hóa dầu nói trên sẽ là một trong những dự án trọng tâm để làm động lực phát triển kinh tế của tỉnh, thu hút đầu tư hơn nữa vào khu kinh tế Nhơn Hội.

"Phía PTT đã thể hiện quyết tâm rất cao, do đó chúng tôi tin rằng họ có thể thực hiện được dự án", ông Dũng nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online.

Dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn sẽ hoạt động sau 4 năm nữa

Nếu dự án Nhà máy lọc dầu ở Nhơn Hội được thực hiện thì đây là dự án hóa dầu thứ hai có nhà đầu tư Thái Lan tham gia ở Việt Nam.

Trước đó, các nhà đầu tư Thái Lan đã ký kết hợp đồng liên doanh cam kết tham gia dự án tổ hợp hóa dầu Long Sơn do Tập đoàn SCG (Thái Lan), Tập đoàn QPI (Qatar), Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng công ty hóa chất Việt Nam (Vinachem) cùng triển khai, với giá trị dự án 4,5 tỉ đô la Mỹ. Dựa trên hợp đồng liên doanh và các thỏa thuận về tài chính được ký kết ngày 9-2 vừa qua tại Bangkok (Thái Lan), các bên cam kết dự kiến sẽ đưa tổ hợp hóa dầu Long Sơn vào hoạt động trong vòng 4 năm tới.

Cũng theo hợp đồng liên doanh, SCG sẽ nắm giữ 28% cổ phần của dự án, phần còn lại thuộc về QPI, PetroVietnam và Vinachem. Dự án có khả năng sản xuất 1,4 triệu tấn olefin với công nghệ nghiền linh hoạt từ các nguyên liệu như ê-than, prô-ban, napta.

Dự án cũng bao gồm các công trình phụ trợ khác như cảng, cầu tầu, các kho chứa hàng, nhà máy điện...

Ngoài ra, với công nghệ nghiền tích hợp, nhà máy còn có thể sản xuất thêm các sản phẩm đa dạng như polyethylene (PE), polypropylene (PP) và vinyl chloride monomer (VCM). Các sản phẩm này chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước. Dự án tổ hợp hóa dầu Long Sơn đặt tại khu công nghiệp dầu khí Long Sơn, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Hiện Việt Nam mới có một nhà máy lọc hóa dầu duy nhất là Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi.


Theo TBKTSG Online