Sửa quy định về tổng đại lý xăng dầu
01:50 SA @ Thứ Tư - 09 Tháng Giêng, 2013

Quy định mới dự kiến sẽ siết chặt điều kiện cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp đầu mối xăng dầu.Ảnh:TL

Ngoài việc giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu cho các đầu mối, tổng đại lý kinh doanh năm 2013, sắp tới Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ sửa đổi một số quy định về đầu mối, tổng đại lý xăng dầu.

Hiện cả nước có 13 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh nhập khẩu xăng dầu, 300 tổng đại lý, 4.500 đại lý và hơn 10.000 cửa hàng bán lẻ khác. Để đáp ứng nhu cầu đảm bảo nguồn cung cho năm 2013, Bộ Công Thương đã giao hạn mức nhập khẩu tối thiểu cho 13 doanh nghiệp với tổng hạn mức tối thiểu phải nhập là 9 triệu m3/tấn các loại.

Trong số này, doanh nghiệp chiếm thị phần 50% là Petrolimex phải nhập 5,18 triệu m3/tấn các loại. Sau đó hạn mứcgiảm dần cho Tổng công ty dầu Việt Nam, Saigon Petro, Công ty thương mại dầu khí Đồng Tháp…

Tuy hạn mức nhập khẩu tối thiểu hàng năm đều được quy định rõ từ đầu năm để các doanh nghiệp đầu mối có kế hoạch chuẩn bị cung ứng hàng hóa, tránh khan hiếm nguồn cung nhưng nếu ở thời điểm giá xăng dầu thế giới cao hơn giá trong nước thì việc này không phải được thực hiện nghiêm túc vì các đầu mối nhập khẩu sợ lỗ.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương trong văn bản mới đây trình Chínhphủ sửa Nghị định 84, bộ cho biết, năm 2012 ước tiêu thụ gần 16 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, năm 2011 tiêu thụ 15,6 triệu m3/tấn các loại.

Song cách đây 2 năm (2011), hoạt động nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu có nguy cơ không đảm bảo đủ nguồn cung cho nhu cầu trong nước do các đầu mối không được đáp ứng đủ ngoại tệ để nhập khẩu, lại bị lỗ lớn nên giảm giá hoa hồng cho các đại lý xuống thấp, không đủ bù chi phí hoặc các ngân hàng cũng không muốn cho doanh nghiệp vay vì lỗ triền miên.

Tại thời điểm đó, hầu hết các đầu mối đã giảm nhập khẩu, dẫn đến liên bộ Công Thương- Tài chính phải xử lý các khó khăn, vừa yêu cầu các đầu mối nhập đủ xăng dầu và liên tiếp theo dõi việc đảm bảo nguồn cung từ đó đến nay.Tuy nhiên, ở thời điểm đầu năm 2012, một số doanh nghiệp cũng chưa nhập đủ hạn mức tối thiếu.

Để siết chặt hơn việc quản lý các đầu mối nhập khẩu xăng dầu, khi sửa Nghị định 84 về quy chế kinh doanh xăng dầu sắp tới, Bộ Công Thương đề nghị quy định thương nhân khi bắt đầu gia nhập thị trường vẫn được phép thuê lại cơ sở hạ tầng (cầu cảng, phương tiện, kho bãi, phương tiện vận tải…) của các thương nhân kinh doanh dịch vụ xăng dầu tương ứng (không thuê lại của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác chủng loại) để tránh tình trạng thiếu minh bạch về số lượng nhập khẩu, dễ lợi dụng mỗi lần điều chỉnh giá, kiểm tra nguồn cung.

Quy định mới cũng sẽ đề ra lộ trình bắt buộc cho các thương nhân đầu mối phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mà không được phép đi thuê/cho thuê hệ thống hạ tầng phục vụ nhập khẩu, kinh doanh.

Theo TBKTSG