Tăng sức cạnh tranh trên thị trường xăng dầu
03:04 SA @ Thứ Ba - 18 Tháng Mười Một, 2014

Ngày 14-11, tại Hà Nội, Bộ Công thương đã tổ chức hội nghị phổ biến Nghị định 83/2014/NĐ-CP, Thông tư số 38/2014/TT-BCT, Thông tư Liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC về kinh doanh xăng dầu.

Ảnh: Báo Công Thương

Theo ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), Nghị định 83 sau khi triển khai sẽ từng bước tạo lập thị trường xăng dầu cạnh tranh. Điều này thể hiện ở việc lựa chọn nhà đầu tư có khả năng cạnh tranh.

Cụ thể: Nghị định 83 quy định ngoài việc thiết lập hệ thống phân phối xăng dầu theo phương thức đại lý như Nghị định 84, tức là chỉ có một loại hình duy nhất phân phối xăng dầu theo hệ thống chuỗi từ tổng đại lý xuống đại lý, thì nay cho phép mở thêm hai đối tượng kinh doanh xăng dầu mới là thương nhân phân phối xăng dầu hoạt động theo hình thức mua đứt bán đoạn và thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu hoạt động theo pháp luật về nhượng quyền thương mại. Với việc có nhiều đối tượng thương nhân cùng tham gia hoạt động kinh doanh xăng dầu, tính cạnh tranh trên thị trường xăng dầu sẽ được nâng cao hơn.

Liên quan đến giá xăng dầu, Nghị định 83 cũng quy định giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Nghị định mới của Chính phủ đã tăng quyền tự chủ cho doanh nghiệp. Theo đó, thương nhân đầu mối được quyết định giá bán buôn. Thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu được điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo nguyên tắc, trình tự quy định. Thương nhân đầu mối có trách nhiệm tham gia bình ổn giá theo quy định của pháp luật hiện hành và được nhà nước bù đắp lại những chi phí hợp lý khi tham gia bình ổn giá. Thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá xăng dầu liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá.

Nghị định 83 cũng quy định về điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu. Cụ thể, trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi 3% so với giá cơ sở liền kề trước đó, thương nhân đầu mối được tăng giá bán lẻ tương ứng giá cơ sở tại thời điểm thương nhân điều chỉnh giá; đồng thời gửi văn bản kê khai giá, quyết định điều chỉnh giá đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (liên Bộ Công thương - Tài chính) và chịu trách nhiệm trước pháp luật về mức giá được điều chỉnh. Trường hợp các yếu tố cấu thành làm cho giá cơ sở tăng vượt 3% đến 7% so với giá cơ sở liền kề trước đó, thương nhân đầu mối gửi văn bản kê khai giá, dự kiến mức điều chỉnh giá tới cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (liên Bộ Công thương - Tài chính).

Tại hội nghị, ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng Nghị định 83 có nhiều điểm mới, tiến bộ hơn và khắc phục những hạn chế của Nghị định 84. Việc thêm hai thành phần kinh doanh là thương nhân phân phối và thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu sẽ nâng cao tính cạnh tranh của thị trường bởi thương nhân phân phối chỉ khác thương nhân đầu mối một điểm duy nhất là không được nhập khẩu. Theo ông Ruệ, việc có nhiều thành phần tham gia thị trường xăng dầu là khởi đầu cho sự cạnh tranh.

Nguồn: