Tập đoàn lỗ khủng: Trăm sự tại khách quan?
02:03 SA @ Thứ Hai - 26 Tháng Mười Một, 2012
Lý giải cho những khoản lỗ, nợ kếch xù, nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đổ lỗi cho khách quan như tăng tỷ giá, không được tăng giá, thực hiện nhiệm vụ công ích hơn là vì sa lầy đầu tư ngành ngoài hay nhận năng lực quản trị yếu kém.

Lỗ do không được tăng giá

Trong 2 năm qua, không ít lần các lãnh đạo các ngành điện và xăng dầu than phiền cú sốc tỷ giá hay là chuyện bị "ép" phải bán dưới giá thành gây ra thua lỗ.

Trao đổi với VietNamNet, ông Vương Đình Dung, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Quân đội nói: "Xăng dầu không do ai sản xuất được và phải mua từ bên ngoài. Nhưng cơ chế điều hành vừa qua đòi hỏi ngành này mua 10 bán 9. Vậy thì, có anh nào khẳng định là không lỗ?"

"Vì nền kinh tế và người dân chưa chịu được nhiệt thay đổi của giá thế giới. Doanh nghiệp xăng dầu phải bình ổn, vì kiềm chế lạm phát, ủng hộ ngành khác chứ chưa theo thị trường", ông Dung nói.

Những lập luận này cũng giống như câu chuyện trần tình mới đây của ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex về cái "tiếng" lỗ nặng mà lương cao. Ông khẳng định: "Vì sao Petrolimex lỗ thì tại báo cáo Kiểm toán Nhà nước cũng đã nêu 3 nguyên nhân chủ yếu rồi. Đó là bình ổn giá để kiềm chế lạm phát, điều chỉnh tăng tỷ ngày 11/02/2011 và chi phí kinh doanh định mức không phù hợp với thực tế nhưng chưa được điều chỉnh kịp thời".

Ông Năm dẫn chứng: "năm 2008, Nhà nước đã chấm dứt cơ chế cấp bù lỗ đối với mặt hàng xăng. Nhưng đúng năm này, giá thế giới tăng cao, việc điều hành giá bán trong nước vẫn phải đảm bảo nhiều mục tiêu vĩ mô nên đến 21/7/2008, Petrolimex chịu lỗ lũy kế của mặt hàng xăng là 1.812 tỷ đồng. Thực tế, các đầu mối khác cũng phát sinh lỗ vì lý do này."



Giải thích về con số nợ phải trả còn cao, tới 44.000/57.000 tỷ, ông Năm cho hay, chính vì kinh doanh lỗ, vốn chủ sở hữu về cơ bản không có nguồn bổ sung thêm nên phải vay vốn để kinh doanh.

Kiểm toán Nhà nước đưa ra kết luận cho thấy, ngay sau cú sốc tăng 9,3% tỷ giá, đánh giá lại các số dư vay và nợ phải trả bằng ngoại tệ ngày 11/2/2011 thì lỗ chênh lệch tỷ giá của Petrolimex đối với kinh doanh xăng dầu đã lên tới 1.853 tỷ đồng.

Tập đoàn EVN cũng "đồng cảnh ngộ" với Petrolimex. Ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc EVN đã từng không ngần ngại nói thẳng: "Trong khi các DNNN khác như PetroVietnam, Vinaconex, Lilama cũng phải chịu ảnh hưởng tỷ giá nhưng họ theo thị trường. Nếu Petrovietnam mua vào 100 USD, sẽ bán giá 100USD. Nhưng EVN thì khác. Chính phủ bảo kinh tế khó khăn, không được tăng giá điện, chênh lệch tỷ giá phải để lại hết thì EVN phải chịu, không tăng giá".

Tính đến tháng 7 năm nay, số dư vay của EVN lên tới 7,4 tỷ USD và hầu hết là vay cho dự án điện. Nhiều dự án 100% vốn đều là đi vay như nhiệt điện Duyên Hải 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 3. Trong đó, 85% vay nước ngoài, 15% vay ngân hàng thương mại trong nước.

Vậy nên, EVN mới có khoản lỗ lũy kế thê thảm, kinh doanh điện âm 11.437 tỷ đồng và chênh lệch tỷ giá âm 26.667 tỷ đồng.

Cũng vào khoảng thời gian này của năm ngoái, trước khi được tăng giá điện 5%, ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN còn ấm ức giãi bày: "Vì không hạch toán đầy đủ lỗ của sản xuất kinh doanh điện và chênh lệch tỷ giá năm 2010 nên mỗi một kWh bán ra năm 2011, EVN đã lỗ 300 đồng. Cứ một hộ tiêu thụ điện 1 triệu đồng thì EVN lỗ 300.000 đồng".

"Hay như năm 2009, EVN mất 6 tỷ kWh thủy điện do hạn hán. Tập đoàn phải chi ra 4.000 tỷ đồng mới chạy được 1 tỷ kWh phát từ dầu diesel. Cứ mỗi 1kWh dầu thì lỗ 3.000 đồng, phát 1 tỷ kWh bằng dầu thì lỗ 3.000 tỷ đồng.
"Ai đứng ra để chịu lỗ này? EVN và Bộ Công Thương chấp nhận lỗ hơn 10.000 tỷ đề giữ mặt bằng giá điện 2011", ông Thanh bức xúc.

Bỏ qua quản trị yếu kém?

Không chỉ vì bị kiềm giá, các Tập đoàn kinh tế phải gánh thêm nhiệm vụ công ích nên rõ ràng, hiệu quả kinh doanh kém. Đây cũng là một lý do phổ biến nhất mà nhiều đơn vị "giải trình" lỗ, nợ.


Ví dụ như theo Kiểm toán Nhà nước, Petrolimex phải chịu trách nhiệm lớn về cung ứng xăng dầu ở vùng sâu, vùng xa. Ở những nơi mà điều kiện giao thông khó khăn, vận chuyển giá cước cao như Điện Biên, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Tây Nguyên, gần như Petrolimex cung ứng toàn bộ, từ 90-100% thị phần. Bên cạnh đó, Tập đoàn này còn phải lo cung cấp nhu cầu xăng dầu cho các công trình trọng điểm vùng sâu, xa như thủy điện Sơn La, Lai Châu...,

Trong khi đó, những thành phố lớn, giao thông thuận tiện thì đơn vị này bị giảm sút thị phần do bị cạnh tranh với các DN khác. Chính vì thế, khi bị kiềm giá thì "đại gia" này càng bán nhiều, càng lỗ!

Cũng như vậy, EVN chịu trách nhiệm lớn trong đầu tư điện. Trong khi kinh doanh hiện tại lỗ, không có vốn tích lũy nên EVN phụ thuộc chủ yếu vốn vay là tất yếu. Khi vốn vay lớn thì cũng đồng nghĩa, EVN có số nợ phải trả và nợ quá hạn lớn nhất, tới hơn 10.149 tỷ.

Trong bức tranh lỗ, nợ của các Tập đoàn, Tổng công ty, còn có một lý do khách quan khác được kể đến là hậu Vinashin.

Theo Chính phủ báo cáo, Tập đoàn Dầu khí quốc gia nợ quá hạn tới 1.731 tỷ đồng mà nguyên nhân chính cũng là "dính nợ" của Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất, nhận bàn giao từ Vinashin.

Tuy nhiên, nợ vì yếu tố quản trị kém, người đứng đầu có nhiều sai phạm lại ít được nhắc tới. Cho đến nay, cơ quan chức năng mới "phanh phui" được lý do này ở 3 đơn vị là Vinashin, Tổng công ty Hàng hải và Tập đoàn EVN.

Các lãnh đạo Vinashin, Vinalines đã phải rơi vào vòng lao lý vì những sai phạm trong quản lý, gây thiệt hại lớn. Với EVN, sau vụ thua lỗ hơn 1.000 tỷ trong đầu tư ngành ngoài, lấn sân sang viễn thông, ông Đào Văn Hưng đã bị thôi chức vụ chủ tịch HĐQT.

Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước thực hiện đan xen nhiệm vụ công ích và nhiệm vụ kinh doanh. Cũng chính vì thế, mỗi khi các khoản lỗ, nợ bị phơi bày, các "ông lớn" thường đổ cho lý do công ích, nhiệm vụ chính trị thay vì tự nhìn nhận năng lực bản thân.

Các kỳ báo cáo của Chính phủ về tài chính Tập đoàn, Tổng công ty lại không tách bạch khoản lỗ nào, nợ nào là do khách quan và đâu là do chủ quan, yếu kém của ban điều hành, HĐQT, HĐTV. Mặc dù con số lỗ, nợ công bố lên rất "xấu xí" nhưng quy chế về quản lý tài chính DNNN đến nay vẫn chưa được ban hành.

Vì lẽ đó, hồi tuần trước, Văn phòng Chính phủ đã phải có công văn gửi Bộ Tài chính - đơn vị thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về thực tranh kinh doanh vốn Nhà nước tại các Tập đoàn - yêu cầu phải làm rõ thêm lý do lỗ, nợ quá hạn do nguyên nhân khách quan.
Nguồn: