Tập đoàn Tín Thành muốn thâu tóm 55% lọc hóa dầu Bình Sơn
03:17 SA @ Thứ Ba - 07 Tháng Mười Một, 2017

Tín Thành là tập đoàn hoạt động đa ngành, đầu tư ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác. Nhưng với vốn điều lệ 200 tỷ đồng, vì sao Tín Thành có tham vọng mua 55% cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn?

Theo thông tin từ Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) – đơn vị quản lý và vận hành Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất, ngày 26/10/2017, Tập đoàn Tín Thành đã đến thăm và làm việc tại NMLD Dung Quất để tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư trong quá trình cổ phần tại BSR.

Chi tiết hơn, Tập đoàn Tín Thành sẽ xem xét mua cổ phần của BSR đến 5% (khoảng 2.000 tỷ đồng) trong năm 2017. Trong vòng 12 tháng sau khi IPO, Tín Thành đề xuất BSR trình Thủ tướng Chính phủ phương án trở thành cổ đông chiến lược và được mua đến 55% cổ phần của BSR.

BSR hiện đang được định giá 72.880 tỷ đồng, nghĩa là muốn sở hữu 55% cổ phần BSR, Tập đoàn Tín Thành sẽ phải bỏ ra tới 40.000 tỷ đồng. Đây là số tiền cực lớn không chỉ đối với doanh nghiệp Việt mà còn đối với cả các tập đoàn lớn nước ngoài.

Độ "khủng" của Lọc hóa dầu Bình Sơn vốn được được nhiều nhà đầu tư biết đến thời gian qua, điều khiến người ta tò mò ở đây là Tín Thành Group có có thực lực và thế mạnh gì để cạnh tranh với các đơn vị khác?

Tín Thành Group có trụ sở chính tại 71 Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TPHCM. Người đại diện theo pháp luật là ông Trần Đình Quyền (1960), đồng thời là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc.

Tập đoàn đổi tên thành Công ty TNHH Tập đoàn Tín Thành vào ngày 08/09/2017; trước đây Công ty có tên cũ là Công ty TNHH Điện Hơi Công Nghiệp Tín Thành.

Theo số liệu của Cục đăng ký doanh nghiệp Bộ Kế hoạch đầu tư, vào ngày 03/01/2017, Tập đoàn đã tăng vốn điều lệ từ 108 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng. Trong đó, ông Trần Đình Quyền nắm giữ 80% vốn (160 tỷ) và bà Nguyễn Thị Thanh Hiền chiếm 20% vốn (40 tỷ).

Cho nên, một doanh nghiệp vốn điều lệ 200 tỷ có tham vọng mua 55% cổ phần của Bình Sơn khiến giới đầu tư không khỏi đặt dấu hỏi về năng lực tài chính của Tập đoàn này.

Trước đó, ngày 29 tháng 6 năm 2017, Đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với đại diện PVN, BSR, PVOil, BSR-BF và một số đơn vị liên quan xem xét tình hình thực tế tại Nhà máy và đã có Công văn chỉ đạo PVN khẩn trương xem xét, xây dựng phương án tái khởi Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất và Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước để có thể cung cấp sản phẩm ethanol (E100) ra thị trường từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.

Có 2 đối tác mong muốn tham gia hợp tác vận hành lại Nhà máy là Công ty Tùng Lâm và Công ty TNHH Điện hơi công nghiệp Tín Thành (nay là Tập đoàn Tín Thành). PVN đang chỉ đạo các cổ đông (BSR, PVOil) và BSR-BF lập đầu bài mời nhà đầu tư tham gia hợp tác sản xuất kinh doanh.

Tín Thành Group hoạt động hơn 25 năm trong lĩnh vực Môi trường, Năng lượng và Nông nghiệp Công nghệ cao. Tập đoàn có các công ty thành viên là Công ty TNHH NL&NL TT Thuận Phát; Công ty TNHH Global Greentech; Công ty TNHH TM DV XNK Trung Tín và Công ty CP ĐHCN Tín Thành (tại Hoa Kỳ).

Hiện Tín Thành đang cung cấp năng lượng từ nhiên liệu tái tạo cho hơn 30 Nhà máy lớn và cơ sở Công nghiệp tại Việt Nam. Tại Hoa Kỳ, Tín Thành đã trúng thầu để cung cấp năng lượng tái tạo thay thế năng lượng dùng nhiên liệu hóa thạch cho 21 nhà máy sản xuất Ethanol tại tiểu bang Minnesota.

Tín Thành Group cũng đang sở hữu Ngân hàng Tín Thành Oakwook Bank Corp và Nhà máy Sản xuất, lắp ráp ôtô FIAT Chrysler Automobiles, có trụ sở đặt tại tiểu bang Florida, Hoa Kỳ. Ngoài ra, Tín Thành Group cũng đang triển khai thực hiện một số dự án về Năng lượng, Nhiên liệu và Nông nghiệp Công nghệ cao tại nước Cộng Hòa Cuba và hàng loạt các dự án khác tại Hoa Kỳ.

Nguồn: