Tỉ giá biến động mạnh: Doanh nghiệp lo lỗ quý III
02:30 SA @ Thứ Sáu - 04 Tháng Chín, 2015

Bộ phận phân tích CTCP chứng khoán Bảo Việt (BVSC) mới đây đã đưa ra những đánh giá chi tiết về tác động của tỉ giá đối với các doanh nghiệp niêm yết có các khoản vay nợ lớn bằng ngoại tệ.

Sau động thái điều chỉnh tỉ giá của NHNN, đến nay VND đã mất giá khoảng 3-4% so với các đồng tiền lớn như USD, EUR, JPY. Nếu tiếp tục duy trì đến cuối kỳ, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của những doanh nghiệp vay nợ ngoại tệ do phải hạch toán các khoản lỗ chênh lệch tỉ giá.

Ít tổn thất nhất có thể kể đến đó chính là nhóm ngành ximăng. Với giả định tỉ giá cuối quý III (30.9) sẽ duy trì như hiện nay, đối với ngành ximăng, trên sàn chứng khoán hiện có 3 doanh nghiệp ximăng đang có các khoản vay ngoại tệ lớn (chủ yếu là đồng EUR) bao gồm HT1, BCC và BTS. Với diễn biến tỉ giá hiện tại, các doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ phải ghi nhận lỗ tỉ giá trong quý III/2015. Tuy nhiên, nếu xét cả năm, các doanh nghiệp sẽ vẫn có lãi từ chênh lệch tỉ giá do đồng EUR ở thời điểm đầu năm vẫn ở mức cao.

Trong khi doanh nghiệp xi măng vay nợ chủ yếu bằng đồng EUR thì các doanh nghiệp vận tải biển hầu hết vay nợ bằng USD để tài trợ cho đầu tư đội tàu. Kể từ đầu năm 2015, VND đã mất giá khoảng 5% so với USD. Trong bối cảnh ngành vận tải biển đang hết sức khó khăn phải chịu thêm cú hích tỉ giá khiến cho bức tranh chung của ngành chưa được tươi sáng. Có thể đơn cử nhắc đến trường hợp Vosco (VOS), đây có lẽ là trường hợp tiêu cực nhất cho ngành vận tải biển. VOS vừa thoát án hủy niêm yết sau 2 năm thua lỗ liên tiếp, vẫn chưa có cơ hội tái cơ cấu hoạt động kinh doanh chính khi lại tiếp tục chứng khiến thua lỗ ở những quý đầu năm 2015. Với việc phá giá VND, lỗ tỉ giá của VOS trong quý III sẽ là 53 tỉ đồng, cả năm 2015 sẽ là 102 tỉ đồng.

Đối với doanh nghiệp ngành điện, theo đánh giá của BVS, PPC và NT2 sẽ chịu ảnh hưởng khá lớn khi tỉ giá tăng. Nhiệt điện Phả Lại (PPC) hiện đang vay nợ 24,14 tỉ yen. Từ đầu quý III tới nay, đồng JPY đã tăng 4,8%. BVS ước tính PPC sẽ phải ghi nhận 213,8 tỉ VND lỗ tỉ giá, trong đó 205,6 tỉ VND do đánh giá lại khoản vay có gốc ngoại tệ và 8,2 tỉ do lỗ tỉ giá thực hiện.

Còn đối với CTCP điện lực dầu khí Nhơn Trạch (mã NT2 - HoSE), tỉ giá EUR giảm mạnh trong vòng 2 năm trở lại đây đã giúp NT2 hưởng lợi khá nhiều khi ghi nhận khoản lãi lớn từ chênh lệch tỉ giá. Tuy nhiên, ngược lại trong quý III năm nay, NT2 có thể phải ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỉ giá khá lớn. Theo giả định tỉ giá EUR và USD ngày 27.8.2015 giữ nguyên đến cuối quý III/2015 của BVS, NT2 có thể sẽ phải ghi nhận khoản lỗ do chênh lệch tỉ giá lên đến 224 tỉ VND.

Ngành phân bón cũng có nhiều doanh nghiệp niêm yết vay nợ bằng ngoại tệ. Trong đó, CTCP phân bón dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã DCM-HOSE) là doanh nghiệp có nợ vay bằng ngoại tệ lớn nhất. Trong nửa đầu năm 2015, DCM đã ghi nhận 171 tỉ VND chi phí lỗ tỉ giá do VND mất giá so với USD.

Trong quý III, việc phá giá VND sẽ khiến DCM tiếp tục ghi nhận lỗ tỉ giá. Nếu tỉ giá vẫn duy trì ở mức hiện tại, DCM sẽ ghi nhận lỗ tỉ giá 217 tỉ đồng trong quý này, trong đó 213 tỉ đồng do lỗ tỉ giá khi đánh giá lại nợ vay ngoại tệ và 4,4 tỉ đồng lỗ tỉ giá thực hiện.

Nguồn: