Tính thuế theo tờ khai mới với xăng dầu tạm nhập chuyển tiêu thụ nội địa
03:38 SA @ Thứ Năm - 26 Tháng Năm, 2016

Tổng cục Hải quan vừa có công văn trả lời Cục Hải quan Quảng Ninh về những vướng mắc trong việc tính thuế đối với mặt hàng xăng dầu tạm nhập chuyển tiêu thụ nội địa.

Thời điểm tính thuế đối với xăng dầu tạm nhập chuyển tiêu thụ nội địa là ngày đăng ký tờ khai hải quan mới. Ảnh: T.Trang.

Theo đó, Tổng cục cho biết, thời điểm tính thuế đối với xăng dầu tạm nhập chuyển tiêu thụ nội địa thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Thông tư 38/2015/TT-BTC thì, thời điểm tính thuế đối với xăng dầu đã làm thủ tục tái xuất cho tàu biển đã xuất cảnh nhưng vì lý do khách quan tàu biển không xuất cảnh để chạy tuyến quốc tế hoặc đã làm thủ tục xuất cảnh nhưng thay đổi lịch trình (có thêm chặng nội địa) là ngày đăng ký tờ khai hải quan mới.

Tính tiền chậm nộp đối với xăng dầu tạm nhập chuyển tiêu thụ nội địa, Tổng cục Hải quan cho biết, trường hợp hàng hóa kinh doanh TN-TX, đã được áp dụng thời hạn nộp thuế theo thời hạn bảo lãnh nhưng chuyển tiêu thụ nội địa thì phải nộp đủ các loại thuế theo quy định của pháp luật trước khi hoàn thành thủ tục chuyển tiêu thụ nội địa. Thủ tục khai báo chuyển tiêu thụ nội địa, đăng ký tờ khai mới và tính thuế thực hiện theo quy định tại Điều 21, Điều 40 Thông tư 38/2015/TT-BTC.

Thủ tục điều chỉnh thuế của tờ khai tạm nhập đối với lượng hàng chuyển tiêu thụ nội địa, căn cứ khoản 3 Điều 21 Thông tư 38/2015/TT-BTC thì hàng hóa XK, NK chuyển tiêu thụ nội địa hoặc thay đổi mục đích sử dụng thì phải thực hiện thủ tục hải quan theo loại hình XK, NK tương ứng và thực hiện điều chỉnh tiền thuế của tờ khai hải quan cũ tương ứng với số hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa đã được kê khai trên tờ khai hải quan mới.

Riêng về tính tiền chậm nộp đối với các khoản phải cộng trong trị giá tính thuế, Tổng cục Hải quan cho biết, theo quy định tại khoản 7 Điều 42 Thông tư 38 thì: “Trường hợp số tiền thuế tạm nộp hoặc số tiền thuế được bảo lãnh trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng nhỏ hơn số tiền thuế phải nộp khi có giá chính thức thì người nộp thuế phải nộp số tiền thuế chênh lệch giữa tiền thuế phải nộp khi có giá chính thức với giá tạm tính (nếu có) tại thời điểm chốt giá chính thức, không phải nộp tiền chậm nộp trên số tiền thuế chênh lệch phải nộp.”

Theo đó, các khoản điều chỉnh là yếu tố cấu thành trị giá hải quan của hàng hóa NK. Trường hợp số tiền thuế phải nộp (có các khoản điều chỉnh khi có giá chính thức) lớn hơn số tiền thuế tạm nộp (có các khoản điều chỉnh đã được khai báo trong giá tạm tính) thì không phải nộp tiền chậm nộp trên số tiền thuế chênh lệch.

Nguồn: