VNDS: HDBank được hưởng lợi khi sáp nhập PGBank
02:53 SA @ Thứ Tư - 09 Tháng Năm, 2018

Việc sáp nhập giúp HDB nhanh chóng mở rộng mạng lưới, giảm chi phí huy động vốn, có thể đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận cao trong những năm tới...

Phòng phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect (VNDS) vừa có báo cáo đánh giá ảnh hưởng của việc sáp nhập PGBank vào HDBank. Theo đó, thương vụ sẽ mang lại lợi ích dài hạn và việc sáp nhập sẽ có lợi cho HDBank.

Tóm tắt cấu trúc giao dịch

Theo đánh giá của VND, thương vụ sáp nhập này sẽ giúp cho HDB nhanh chóng mở rộng mạng lưới. Sau khi sáp nhập, mạng lưới của HDB sẽ tăng từ 240 lên 365 chi nhánh/phòng giao dịch. Đây là một cách mở rộng mạng lưới nhanh chóng và tiết kiệm chi phí, vì HDB có thể khai thác hệ thống chi nhánh sẵn có của PGBank thay vì mở chi nhánh mới. Việc sáp nhập này sẽ giúp HDB trở thành ngân hàng có mạng lưới lớn thứ 2 trong các ngân hàng tư nhân, từ vị trí thứ 5 hiện nay, vượt qua các ngân hàng bán lẻ lớn khác như ACB và Techcombank.

HDB sẽ được hưởng lợi từ mối quan hệ giữa PGBank với Petrolimex. Petrolimex hiện đang sở hữu 40% của PGBank nhưng cần thoái vốn khỏi PGBank theo quy định mới yêu cầu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Sau khi sáp nhập, sở hữu của Petrolimex tại HDBank sẽ giảm xuống còn 5,82%. Tuy nhiên, VND cho rằng Petrolimex sẽ duy trì mối quan hệ chặt chẽ với ngân hàng sau sáp nhập theo thỏa thuận hợp tác chiến lược được ký gần đây giữa Petrolimex và HDB.

HDB sẽ có lợi thế được tiếp cận mạng lưới rộng lớn với 2.500 điểm bán lẻ, 4.000 đại lý và 20 triệu khách hàng của Petrolimex. Là nhà phân phối xăng dầu lớn nhất cả nước, Petrolimex có mạng lưới, cơ sở khách hàng và số lượng nhân viên lớn. Thông qua việc sáp nhập, HDB có thể tiếp cận các khách hàng, đại lý, công ty liên kết và nhân viên của Petrolimex. Cơ sở khách hàng vô cùng tiềm năng này đặc biệt có giá trị đối với HDB khi ngân hàng đang tập trung vào mảng ngân hàng bán lẻ và SME.

Việc sáp nhập cũng sẽ giúp HDB giảm chi phí huy động vốn. Hiện nay, PGBank đang cung cấp dịch vụ quản lý dòng tiền và dịch vụ thu hộ tiền mặt cho Petrolimex và hơn 2.100 trạm xăng trên toàn quốc. Do đó, tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi) của PGBank khá cao theo tiêu chuẩn ngành. Tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ CASA của PGBank là 24,3%, trong khi CASA của HDB tương đối thấp ở mức 12,9%. Dựa trên kết quả kinh doanh năm 2017, việc sáp nhập có thể cải thiện CASA của HDB từ 12,9% lên 14,7%, do đó giảm chi phí huy động vốn của HDB.

Chất lượng tài sản của PGBank thấp hơn HDB. PGBank là một ngân hàng nhỏ với quy mô tổng tài sản nằm trong những ngân hàng nhỏ nhất trong ngành ngân hàng. PGBank gặp vấn đề về chất lượng tài sản trước đây với tỷ lệ nợ xấu tăng lên 8,4% trong năm 2012, và ROE chỉ đạt 8,3%.

Trong những năm qua, PGBank đã giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng và thay vào đó tập trung vào xử lý nợ xấu và trích lập dự phòng. Tỷ lệ nợ xấu đã giảm xuống còn 3,3% trong năm 2017 bằng cách xóa nợ và bán nợ cho VAMC, nhưng tỷ lệ tài sản có vấn đề vẫn ở mức cao với tổng nợ xấu và trái phiếu VAMC chiếm tới 13,7% tổng dư nợ. ROE giảm xuống còn 1,8% trong năm 2017 do gánh nặng trích lập dự phòng cho nợ xấu.

Việc sáp nhập sẽ làm tăng nợ xấu của HDB, nhưng nợ xấu vẫn ở trong giới hạn có thể xử lý được. PGBank tương đối nhỏ so với HDB và sau sáp nhập, PGBank sẽ đóng góp lần lượt 13,4%, 19,4% và 17,0% vào tổng tài sản, vốn chủ sở hữu và dư nợ của ngân hàng sau sáp nhập. Nợ xấu và trái phiếu VAMC của HDB chiếm 3,3% dư nợ của ngân hàng vào cuối năm 2017. Tỷ lệ này sẽ tăng lên 5,1% sau khi hai ngân hàng sáp nhập.

Tuy nhiên, cả hai ngân hàng đã trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC trong vài năm qua, do đó tỷ lệ nợ xấu và trái phiếu VAMC chưa được trích lập của ngân hàng hợp nhất sẽ là 3,7%. Đây là mức nợ xấu tương đối cao so với các ngân hàng niêm yết khác. Bản thân HDB cũng có nợ xấu cao do các khoản vay quá hạn phát sinh trong quá khứ (trái phiếu VAMC chiếm 54% tổng tài sản có vấn đề).

VND cho rằng nợ xấu tại ngân hàng sau sáp nhập sẽ ở mức có thể xử lý được và HDB có đủ tiềm lực tài chính để giải quyết nợ xấu, dựa trên triển vọng tăng trưởng thuận lợi của ngân hàng với cơ sở khách hàng mở rộng đáng kể sau sáp nhập.

Cần chú ý rủi ro khi nợ xấu đang tăng, và do đó, chi phí tín dụng của ngân hàng sáp nhập có thể sẽ cao hơn. Nợ xấu của PGBank đã tăng mạnh từ 2,5% tổng dư nợ năm 2016 lên 3,3% trong năm 2017 và khoản vay nhóm 2 cũng tăng từ 1,3% tổng dư nợ trong năm 2016 lên 2,4% trong năm 2017. Do nợ xấu tăng nhanh, tỷ lệ bao nợ xấu (LLR) tại PGBank chỉ đạt 31,9% tính đến cuối năm 2017.

Trong trường hợp sáp nhập, LLR của HDB sẽ giảm từ 73,3% tại thời điểm cuối năm 2017 xuống còn 60,4%. Với tỷ lệ nợ xấu đang tăng và nguồn dự phòng thấp tại PGBank, VND kỳ vọng chi phí tín dụng sẽ tăng lên sau sáp nhập nhằm cải thiện nguồn dự phòng và tạo điều kiện cho chính sách xóa nợ tích cực hơn.

VND tin rằng HDB có đủ nguồn lực tài chính để giải quyết khoản nợ xấu từ PGBank, sau sáp nhập. HDB đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 111% trong năm 2017 và có thể đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận cao trong những năm tới nhờ việc mở rộng mảng cho vay bán lẻ tại ngân hàng mẹ và sự tăng trưởng mạnh mẽ của công ty con về tài chính tiêu dùng.

Việc sáp nhập với PGBank sẽ cung cấp cho HDB một mạng lưới rộng lớn và cơ hội tiếp cận cơ sở khách hàng của Petrolimex mà hiện nay chưa được PGBank khai thác triệt để. Những lợi ích này sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh cho HDB trong cuộc đua ngân hàng bán lẻ và SME, khi mà sự cạnh tranh trong lĩnh vực này ngày càng gay gắt hơn.

HDB và PGBank đã thông qua sáp nhập. Theo đó cổ đông PGBank sẽ nhận được 0,621 cổ phiếu HDB cho mỗi cổ phiếu PGBank.

Để thực hiện hoán đổi cổ phần, HDB sẽ phát hành tổng cộng 300 triệu cổ phiếu mới, trong đó 186,3 triệu cổ phiếu sẽ được phân phối cho cổ đông PGBank theo tỷ lệ hoán đổi trên, và 113,7 triệu cổ phiếu còn lại sẽ được chào bán cho cổ đông hiện hữu của HDB theo tỷ lệ 1:0,116, giá thực hiện 10.000 đồng/cổ phiếu.

Sau đó, toàn bộ 113,7 triệu cổ phiếu được phân bổ cho cổ đông HDB sẽ được mua lại làm cổ phiếu quỹ với giá 13.000 đồng/cổ phiếu.

Sau khi sáp nhập, vốn điều lệ của HDB sẽ tăng từ 9.810 tỷ đồng lên 12.810 tỷ đồng.

Cổ đông của cả hai ngân hàng đều đã thông qua việc sáp nhập nhưng HDB cần phải có chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). HDB đặt mục tiêu hoàn thành việc sáp nhập vào tháng 8/2018.