Xăng dầu chưa thể hướng tới thị trường thực sự
02:34 SA @ Thứ Ba - 26 Tháng Năm, 2015

“Đã theo cơ chế thị trường, giá xăng tăng là theo thị trường, thể hiện tính hội nhập của nền kinh tế.

Mua bán xăng tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Xiển, quận Hoàng Mai. Ảnh:Chiến Công

Mua bán xăng tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Xiển, quận Hoàng Mai. Ảnh: Chiến Công

Tuy nhiên, với một thị trường chưa hoàn hảo như ở Việt Nam hiện nay thì vẫn chưa thể áp dụng và càng không nên áp dụng nửa vời” - chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận xét khi trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô thị.

Thưa ông, giải thích về lần tăng giá xăng dầu này, cơ quan quản lý cho rằng, không phải do tác động của thuế bảo vệ môi trường mà do giá thế giới tăng và xăng dầu đang hướng tới nguyên tắc thị trường? Ông đánh giá thế nào về giải thích này?

- Việc điều chỉnh tăng hay giảm giá mặt hàng xăng dầu là điều hết sức bình thường trong nền kinh tế thị trường, nhất là khi nước ta còn phụ thuộc nhập khẩu. Vấn đề là ở chỗ, với đặc thù thị trường xăng dầu hiện do một vài DN đầu mối chi phối thì việc lý giải của các cơ quan chức năng là giá xăng tăng do diễn biến thị trường thế giới liệu đã đủ sức thuyết phục hay chưa? Không có cạnh tranh thì lấy đâu ra giá thị trường?

Khi còn độc quyền, cơ chế kiểm soát, giám sát cần phải mạnh, phải tổ chức điều tra, khảo sát thực tế, không thể chỉ nghe qua báo cáo từ DN - chưa thật sự khách quan. Muốn vậy thì tất cả các vấn đề phải được minh bạch đầu vào, đầu ra, chi phí phải rất rõ ràng.

Nói giảm thuế nhập khẩu và tăng thuế bảo vệ môi trường không ảnh hưởng đến giá xăng là chưa hợp lý vì xét trên thực tế một lít xăng thì mức tăng này lớn hơn mức giảm. Trong cơ cấu giá bán lẻ có một bộ phận rất quan trọng là thuế và phí, khi thuế tăng chắc chắn cơ cấu giá bán lẻ cũng sẽ tăng.

Ông nhận xét gì về quan điểm của cơ quan quản lý rằng, giá xăng của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực?

- Liên Bộ Tài chính – Công Thương so sánh giá xăng của Việt Nam với Lào và Campuchia. Giá bán lẻ của mỗi nước có sự khác nhau phụ thuộc vào các chi phí cấu thành giá cơ sở như thuế và phí. Nếu so sánh giá với các nước khác, liên Bộ nên lấy giá xăng dầu trên thị trường Mỹ để làm đối sánh. Bởi hiện tại giá xăng ở Mỹ dao động chỉ vào khoảng 16.000 đồng/lít, trong khi đây là thị trường có sức cạnh tranh thực sự.

Chúng ta luôn nói do giá xăng dầu thế giới tăng cao nên phải tăng giá mặt hàng này, song nhìn vào công bố mới đây về giá xăng dầu nhập khẩu của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) trong 4 tháng đầu năm sẽ thấy rõ, giá nhập về thì giảm nhưng giá bán trong nước lại tăng lên. Theo thống kê của VINPA, tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước 4 tháng đầu năm là 3,58 triệu tấn, tăng 22,5%. Đơn giá nhập khẩu bình quân giảm tới 41% so với cùng kỳ năm trước nên giá trị nhập khẩu là gần 2 tỷ USD, giảm 27,7%.

Đáng lẽ khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, cơ quan quản lý nên sử dụng các công cụ điều hành khác hợp lý, hài hòa để giảm gánh nặng giá cho người tiêu dùng. Nhưng Bộ Tài chính lại chọn phương án chỉ giảm thuế nhập khẩu dầu mà vẫn giữ nguyên mức thuế suất đối với xăng. Đây là điều rất bất hợp lý. Lần điều chỉnh này, liên Bộ quyết định giảm mức chi Quỹ bình ổn giá vì sợ Quỹ bị âm. Nếu xả Quỹ mạnh tay sẽ khiến các DN đầu mối gặp khó khăn. Cách điều hành giữ thuế xăng, giảm xả Quỹ bình ổn dường như chỉ đem lại lợi ích cho Nhà nước, DN xăng dầu mà chưa vì người tiêu dùng.

Thưa ông, tăng giá xăng trong thời điểm này có hợp lý hay không khi mà giá điện đã tăng. Sau khi hứng chịu 2 đợt tăng giá xăng và đây là lần thứ ba liên tiếp tăng, tổng cộng giá xăng tăng gần 5.000 đồng/lít?

- Phải mất gần 4 năm, người tiêu dùng mới được thấy giá xăng giảm xuống dưới 20.000 đồng/lít. Tuy vậy, chỉ sau nửa năm, giá nhiên liệu này lại trở về mốc cũ. DN đang phục hồi hoạt động sản xuất, kinh tế đang lên và mới bắt đầu dễ thở hơn, nhưng cùng lúc tăng cả xăng, điện, tỷ giá có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của DN, làm giá thành sản phẩm tăng lên. Điều này khiến cho việc tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước bị hạn chế.

Xin cảm ơn ông!

Giảm thuế nhập khẩu các loại dầu
Sau động thái tăng giá xăng, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 78/2015/TT-BTC về Sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng xăng, dầu thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
Theo đó, các mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng, dầu được điều chỉnh như sau: Mặt hàng xăng RON92/95, xăng sinh học (E5, E10) giữ nguyên mức 20%; mặt hàng dầu hỏa giảm từ 20% xuống 13%; mặt hàng dầu mazut giảm từ 13% xuống 10%; mặt hàng dầu diezel, dầu diezel sinh học (B5, B10) giảm từ 12% xuống 10%; mặt hàng nhiên liệu bay, xăng máy bay giữ nguyên mức 10%.
Trong Chương trình Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời tối 24/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng một lần nữa khẳng định, trong thời gian vừa qua, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh so với thời điểm giá thấp nhất 30% là hợp lý: Giá xăng dầu thế giới thời điểm hiện nay (tính đến đêm ngày 21/5) là 60,72 USD/thùng, thời điểm thấp nhất (tháng 2/2015 là 43,9 USD/thùng). Như vậy diễn biến giá xăng dầu thế giới thời điểm hiện nay so với thời điểm thấp nhất đã tăng 38,3%, trong khi giá bán lẻ trong nước tăng 30%... (Lê Nam)
Nguồn: