Trao đổi với báo giới về những ưu tiên hành động, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nói rằng ông sẽ thực hiện ba ưu tiên lớn, trong đó có ưu tiên xây dựng thị trường điện, xăng dầu công khai, minh bạch.
Tân Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Tư liệu Chính phủ
Thưa Bộ trưởng, ngành Công Thương chịu trách nhiệm quản lý rất nhiều lĩnh vực thiết yếu trong nền kinh tế như năng lượng, thương mại, xuất nhập khẩu… Với tư cách là người đứng đầu ngành, ông sẽ hướng sự ưu tiên của mình vào những lĩnh vực nào mang tính thúc đẩy kinh tế?
- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã xác định sáu mục tiêu trọng tâm của Chính phủ trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội.
Xuất phát từ những mục tiêu đó, ưu tiên chỉ đạo, điều hành của tôi trong ngành Công Thương là tiếp tục triển khai thật tốt Nghị quyết 01/2016 của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong đầu tư, sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng ưu tiên tập trung hoàn thiện công tác xây dựng pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong việc thực thi chính sách trong các lĩnh vực như thương mại, xuất nhập khẩu, quản lý thị trường, sản xuất công nghiệp.
Những lĩnh vực có cơ chế thông thoáng thì doanh nghiệp hoạt động mới hiệu quả. Đặc biệt, chúng tôi chú trọng xây dựng thị trường điện, xăng dầu một cách công khai, minh bạch, phối hợp với các cơ quan quản lý khác thực thi các chính sách liên quan đến khởi nghiệp, phát triển thị trường nước ngoài, xúc tiến thương mại…
Thưa ông, tuy nhiên điều công luận thấy rõ là sự phối hợp giữa các bộ, ngành khác với Bộ Công Thương chưa thực sự hiệu quả. Ví dụ rất rõ là cơ chế điều hành, cơ chế hình thành giá cơ sở trong lĩnh vực xăng dầu giữa Bộ Công Thương và Bộ Tài chính còn tranh cãi. Ông sẽ giải quyết những “nút thắt” này thế nào trong thời gian tới?
- Trong các chương trình hoạt đông, Chính phủ khẳng định nguyên tắc chỉ đạo tập trung và xuyên suốt. Bộ trưởng Bộ Công Thương có trách nhiệm tổ chức tiếp thu, chỉ đạo, thực hiện các công việc trong phạm vi trách nhiệm của mình một cách chủ động nhất.
Với kinh nghiệm sẵn có, chúng tôi tiếp thu, lắng nghe những phản ánh về bất cập mà dư luận xã hội đã nêu ra. Chắc chắn Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ có sự phối hợp với tập thế các đơn vị chức năng trong bộ rà soát những lỗ hổng về cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp, đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng.
Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn thực hiện việc kiểm tra an toàn thực phẩm một cách chặt chẽ. Tức là với kinh nghiệm, trách nhiệm và nhận thức mới, chúng tôi sẽ thực thi tốt, đảm bảo hiệu quả cao hơn, cũng như tôn trọng và đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng và nhân dân.
Ông nhậm chức trong thời điểm việc thực thi các cam kết quốc tế, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được thực thi ngày một sâu rộng và tác động mạnh mẽ đến thương mại, xuất nhập khẩu của Việt Nam. Làm thế nào để việc hội nhập đạt được hiệu quả đồng thời với phát triển ổn định thị trường trong nước, thưa ông?
- Đối với vấn đề hội nhập, chúng ta phải đặt ưu tiên hàng đầu cho việc tiếp tục thực hiện tốt các quy trình pháp lý liên quan đến cam kết. Đối với các hiệp định đã hoàn tất về đàm phán và ký kết, yêu cầu các nước tham gia phải đẩy nhanh các tiến trình pháp lý để phê duyệt nhằm đưa các hiệp định này vào thực hiện. Mặt khác phải truyền thông thật tốt các nội dung, cam kết, bao gồm cả thách thức và cơ hội đến doanh nghiệp, người dân nhằm tạo sự đồng thuận và phối hợp tốt.
Về phía cơ quan quản lý, chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người dân nhằm khai thác tốt những cơ hội để phát triển thị trường, chuyển giao công nghệ, xây dựng thương hiệu và bảo vệ sản xuất của doanh nghiệp nội địa.
Đặc biệt, những áp lực, cạnh tranh từ hội nhập cho thấy việc phấn đấu tăng trưởng, hội nhập, kiềm chế nhập siêu cũng phải đồng thời đi kèm những biện pháp phòng vệ thương mại, xây dựng các hàng rào kỹ thuật hợp lý để đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Trong nội bộ ngành công-thương, chúng tôi chú trọng đề án tái cơ cấu, sắp xếp lại nhiều lĩnh vực và xem đây là giải pháp cấp bách. Ví dụ như cơ cấu lại ngành khai khoáng, năng lượng, các ngành xuất nhập khẩu, thương mại nội địa trong năm 2016 và những năm sau đó.
Xin cảm ơn Bộ trưởng.
TIN KHÁC
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu: VCCI vạch ra nhiều bất cập(31/07/2024)