Gần đây có bài báo viết “Lọc dầu Dung Quất lãi nhờ ưu đãi”, sau khi báo đăng đã có nhiều luồng ý kiến trái chiều. Và đặc biệt là ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư, tình cảm của những người đang trực tiếp làm việc tại Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Chúng tôi đã tìm hiểu và cần phải thông tin lại một cách chính xác nhất về bản chất của sự “lỗ-lãi” và chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với BSR.
Ưu đãi là chính sách
Trước hết, phải khẳng định: sự ưu đãi của Chính phủ đối với các dự án là chính sách. Và không riêng ở Việt Nam, bất cứ nước nào trên thế giới cũng đều có có chính sách ưu đãi của Chính phủ trong lĩnh vực đầu tư. Đây là yếu tố cần thiết để kêu gọi đầu tư và cũng là yếu tố cần thiết đối với bất kỳ dự án nào.
Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất là một trong những dự án trọng điểm; cũng là dự án đầu tiên của ngành công nghiệp Lọc hóa dầu non trẻ của đất nước. Đương nhiên cũng được hưởng những chính sách ưu đãi của Chính phủ; và chính những chính sách ưu đãi là “bà đỡ”, là “điểm tựa” để NMLD Dung Quất ổn định trong giai đoạn đầu và phát triển lâu dài.
Vậy cần hiểu, những ưu đãi mà NMLD Dung Quất đang được hưởng nằm trong chính sách của Chính phủ. Ở đây hoàn toàn không có sự “phân biệt đối xử”, không có sự “ưu ái”; hoàn toàn bình đẳng như các dự án khác, nhất là lĩnh vực lọc hóa dầu mà Chính phủ đang kêu gọi đầu tư từ nước ngoài; hay liên doanh, liên kết…
Nói như vậy để khẳng định rằng, những năm qua NMLD Dung Quất không có “đặc ân” riêng. Những đề nghị của NMLD Dung Quất, của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đối với các Bộ, Ngành và Chính phủ, là những đề nghị chính đáng, bình đẳng đối với chính sách ưu đãi của Chính Phủ như đối với Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn; và chính sách thuế suất nhập khẩu sản phẩm xăng dầu mà các nước thành viên trong khối ASEAN đang được hưởng tại nước ta. Hoàn toàn không phải là sự “đòi hỏi” để làm lợi riêng theo kiểu “lợi ích nhóm”.
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Hiện tại, sản phẩm xăng dầu của NMLD Dung Quất đang được bán cho các đầu mối Thương nhân cùng công thức tính giá và tương đương với mặt hàng xăng dầu nhập khẩu như dầu diesel và dầu mazut. Tuy nhiên các sản phẩm này không thể cạnh tranh được khi gần đây Nhà nước điều chỉnh mức thuế nhập khẩu một số mặt hàng xăng dầu. Các sản phẩm: diesel của NMLD Dung Quất đang cao hơn 5%; tương tự, xăng máy bay Jet-A1 cũng cao hơn 5% so với thuế nhập khẩu ưu đãi!
Với sự chênh lệch trên, sản phẩm của NMLD Dung Quất quả là không thể cạnh tranh nổi với sản phẩm cùng loại đang được nhập khẩu vào nước ta. Theo tìm hiểu của chúng tôi, với sự “bất bình đẳng” về giá như hiện nay, thì đến cuối tháng 6/2015, sản lượng dầu diesel của NMLD Dung Quất sẽ tồn kho khoảng 120.000m3 tương đương 76%. Đề nghị sự “bình đẳng” về giá, liệu có phải là sự “đòi hỏi ưu đãi”!? Xin được xem Bảng tổng hợp mức thuế nhập khẩu dưới đây.
Bản chất của sự “lỗ-lãi”
“Lỗ-lãi” trong quá trình sản xuất, kinh doanh là điều không thể tránh khỏi đối với bất cứ doanh nghiệp nào. Điều ấy cũng không loại trừ NMLD Dung Quất, nhất là trong thời điểm giá dầu thô xuống thấp như hiện nay. Chỉ cần tính toán không khéo, không có những kịch bản sát đúng đối phó với sự “đỏng đảnh” của giá dầu thô, thì không tránh khỏi sự thua lỗ.
Tuy nhiên, khi đánh giá về sự “lỗ-lãi” ở NMLD Dung Quất, cần đánh giá đúng bản chất. Bản chất ấy là sự chủ động ứng phó với sự “thất thường” của “đầu vào”. Là trình độ quản trị doanh nghiệp trong quá trình sản xuất; trình độ ấy thể hiện trong công tác vận hành; là trình độ bảo quản, bảo dưỡng nhà máy…
Trước hết, với NMLD Dung Quất, không có sự chủ quan trước sự “thất thường” của đầu vào. Ngay từ khi giá dầu thô trên thế giới có dấu hiệu suy giảm, ban lãnh đạo nhà máy đã có hàng loạt kịch bản, nói đúng hơn là hàng loạt phương án đối phó. Chính nhờ vậy từng mẻ sản phẩm sản xuất ra, không phải chịu lỗ trước sự chi phối của giá dầu thô.
Càng không có sự thua lỗ trong quá trình vận hành, bởi từ khi đưa vào sử dụng đến nay NMLD Dung Quất luôn vận hành đạt và vượt công suất thiết kế. Năm 2010 công suất vận hành đạt mức bình quân là 95%; năm 2013 là 100% đến 101%, hiện nay đang vận hành ở 107% công suất thiết kế.
Lại càng không có chuyện phải dừng hoạt động của nhà máy không đúng định kỳ để bảo dưỡng sửa chữa, hoặc kéo dài thời gian bảo dưỡng gây lên sự lãng phí, tốn kém. Từ khi đưa nhà máy vào vận hành thương mại đến nay; về bảo dưỡng tổng thể, đã thực hiện thành công hai đợt vào năm 2011 và 2014 theo đúng kế hoạch, đảm bảo an toàn, chất lượng, tiến độ. Đợt 1 về đích sớm 2 ngày; đợt 2 về đích sớm 5 ngày, cho ra sản phẩm thương mại trước 8 ngày và đạt công suất 100% trước 4 ngày so với kế hoạch, làm lợi trên 400 tỷ đồng.
Như vậy công tác sản xuất của NMLD Dung Quất là hoàn toàn hiệu quả, không có chuyện thua lỗ trong quá trình sản sản xuất do chủ quan gây ra. Những số liệu trong bài “Lọc dầu Dung Quất lãi nhờ ưu đãi”, nói rằng “tính chung trong 5 năm qua, nếu không có khoản ưu đãi trên. Dung Quất lỗ lên tới 27.600 tỉ đồng”.
Rồi lại so sánh “...giá trị ưu đãi mà Dung Quất được giữ lại, theo PVN là rất lớn. Cụ thể, năm đầu tiên khi đi vào hoạt động Dung Quất được giữ lại trên 3.300 tỉ đồng. Năm 2011 thấp nhất cũng đạt 1.836 tỉ. Cao nhất năm 2014 Dung Quất được giữ lại trên 7.000 tỉ đồng. Từ năm 2011-2014, tổng “giá trị ưu đãi” mà Dung Quất được hưởng từ cơ chế lên tới 26.000 tỉ đồng”. Cách đặt vấn đề như vậy theo chúng tôi là chưa sát và chưa trúng, dễ làm cho dư luận hiểu rằng NMLD Dung Quất là nhà máy hoạt động không hiệu quả, thậm chí là “bi bét”, nhưng đang dựa vào “ưu đãi” để “làm giầu” cho những người đang làm việc tại đây.
Chúng tôi lại phải xin thưa lại rằng, tình hình tài chính ở NMLD Dung Quất là hết sức minh bạch. Ngoài sự thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan chức năng trong nước; còn có sự kiểm toán độc lập của các Tổ chức nổi tiếng trên thế giới đều đánh giá sự lành mạnh, công khai, minh bạch về kinh tế, tài chính; về sự hiệu quả của công tác quản lý ở NMLD Dung Quất...
Chỉ có một đề nghị
Với vốn điều lệ tại thời điểm 31/12/2014 là 35.009 tỷ đồng, nguồn nhân lực hơn 1.400 lao động chất lượng cao, BSR đã trở thành doanh nghiệp đứng ở vị trí thứ 6 trong số các doanh nghiệp có quy mô lớn nhất Việt Nam. Hơn 5 năm qua, kể từ khi vận hành thương mại đến nay, BSR đã đóng góp vào ngân sách nhà nước trên 100 ngàn tỷ đồng. Tỷ trọng thu ngân sách hằng năm từ BSR chiếm khoảng 80% đến 90% tổng thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi. Tính riêng năm 2014, BSR đóng góp vào tổng thu ngân sách quốc gia khoảng 3%.
Sự nỗ lực của BSR là đáng trân trọng, đồng thời phải khẳng định sự đầu tư đúng hướng và hiệu quả của Chính phủ đối với NMLD Dung Quất. Chính sự đúng hướng và hiệu quả ấy Chính phủ mới cho phép PVN tiếp tục thực hiện Dự án đầu tư nâng cấp và mở rộng NMLD Dung Quất từ 6,5 triệu tấn/ năm lên 8,5 triệu tấn/năm, với tổng mức đầu tư 1,82 tỉ USD.
Mới đây, trong buổi làm việc với đồng chí Đinh Văn Ngọc, Tổng Giám đốc BSR, chúng tôi đặt vấn đề về về việc “lỗ-lãi” của NMLD Dung Quất; về chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với BSR. Đồng chí Đinh Văn Ngọc khẳng định, BSR hoàn toàn không “đòi hỏi” sự “ưu ái” của Chính phủ, BSR chỉ kiến nghị những điều chính đáng bảo đảm sự “bình đẳng” đối với lộ trình sản xuất, kinh doanh của NMLD Dung Quất.
Với suy nghĩ của chúng tôi, những kiến nghị của BSR, của PVN với các Bộ, Ngành và Chính phủ là cần thiết và hoàn toàn không có gì gọi là “dựa dẫm, “ỉ lại”. Lại càng không có gì “ưu tiên” hơn đối với các dự án và các doanh nghiệp khác. Sự kiến nghị ấy là điều kiện “cần và đủ” để BSR hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn như hiện nay.
Chính vì vậy, chúng tôi không đồng tình với ý kiến của chuyên gia cho rằng “việc PVN đề nghị kéo dài thời gian ưu đãi là không ổn”. Hoặc “càng kéo dài ưu đãi càng làm cho nhà máy này không thể có sức cạnh tranh”. Bởi những kiến nghị của PVN với các Bộ, Ngành và Chính phủ đối với BSR không phải là cơ chế “xin cho”. Kiến nghị ấy là bảo đảm cho BSR được “bình đẳng” trong “sân chơi” sòng phẳng của thương mại tự do. Chỉ có những đề nghị quá đáng “vượt khung” với sự “ưu đãi riêng”, mới là không ổn, mới làm cho NMLD Dung Quất không có sức cạnh tranh.
Chúng ta đều hiểu, chỉ có sự cạnh tranh lành mạnh mới làm cho doanh nghiệp phát triển. Với BSR cũng vậy, kể từ khi đưa NMLD Dung Quất vào vận hành đến nay, chưa bao giờ BSR có cơ chế kiểu “một mình một sân”. Sự sòng phẳng ấy được thể hiện ngay từ việc mua dầu thô bằng USD với giá như các NMLD khác trên thế giới và trong khu vực. Việc tiêu thụ sản phẩm cũng phải tuân theo quy định của luật pháp và sự cạnh tranh của cơ chế thị trường.
Với một nhà máy non trẻ phải đương đầu với sự cạnh tranh quyết liệt này là sự thua thiệt trông thấy. Không cần so sánh đâu xa, chỉ so sánh với các nước có ngành công nghệ lọc hóa dầu trong khối ASEAN, thì NMLD Dung Quất chỉ đáng “đàn em”, “đàn cháu” so với các NMLD trong khu vực. Sự thua thiệt ấy chính là kinh nghiệm, là trình độ quản trị, là thời gian khấu hao tài sản... chỉ chừng ấy thôi cũng là những khó khăn rất lớn đối với NMLD Dung Quất, đối với BSR.
Song, như đã trình bày ở trên, vượt lên những khó khăn ấy BSR đã và đang khẳng định mình. Hiệu quả về kinh tế mà BSR mang lại là rất lớn và vô cùng ý nghĩa đối với nền kinh tế đất nước.
Chúng tôi chỉ có một đề nghị duy nhất là hãy cho NMLD Dung Quất, cho BSR được hưởng chính sách ưu đãi bình đẳng đối với các dự án lọc hóa dầu đang được đầu tư; bình đẳng đối với chính sách thuế nhập khẩu xăng dầu trên thị trường, “chấm hết”.
TIN KHÁC
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu: VCCI vạch ra nhiều bất cập(31/07/2024)