Đại dự án ethanol Dung Quất "thoi thóp" vì đâu?
04:11 SA @ Thứ Hai - 07 Tháng Mười Một, 2016

Có vốn đầu tư lên tới hơn 2.200 tỷ đồng nhưng quá trình đầu nhà máy nhiên liệu sinh học tại Dung Quất chủ đầu tư, nhà thầu đã để xảy ra hàng loạt sai phạm trong việc lựa chọn địa điểm xây dựng, chỉ định thầu, ký kết và thực hiện các hợp đồng EPC...

Chủ đầu tư, nhà thầu đã để xảy ra hàng loạt sai phạm trong việc lựa chọn địa điểm xây dựng, chỉ định thầu, ký kết và thực hiện các hợp đồng EPC...

Chủ đầu tư, nhà thầu đã để xảy ra hàng loạt sai phạm trong việc lựa chọn địa điểm xây dựng, chỉ định thầu, ký kết và thực hiện các hợp đồng EPC...

Dự án Dung Quất chủ đầu tư là CTCP Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung (PCB). Cổ đông góp vốn đến thời điểm tháng 10/2014 Công ty TNHH MTV Lọc hoá dầu Bình Sơn 599,02 tỷ đồng chiếm 61%; PVOil 380,525 tỷ đồng chiếm 38,75%; Tổng CTCP Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (Petrosetco) 2,455 tỷ đồng chiếm 0,25%. Dự án đã đầu tư xong nhưng không vận hành thương mại.

Hàng loạt sai phạm từ chọn địa điểm, chỉ định thầu, đầu tư...

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, khi chưa thành lập PCB, PVN đã giao Tổng CTCP Dịch vụ tổng hợp Dầu khí chủ trì xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi, tìm địa điểm xây dựng nhà máy song việc chọn địa điểm lại không khảo sát công tác đền bù giải phóng mặt bằng do đó khi triển khai thực hiện đầu tư vì không giải phóng mặt bằng nên phải chuyển địa điểm đầu tư, lãng phí 1,125 tỷ đồng.

Dự án Dung Quất có vốn nhà nước trên 30% tổng mức đầu tư do đó phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu tuy nhiên PVN, người đại diện vốn Nhà nước của các đơn vị thành viên tại PCB và chủ đầu tư PCB đã thực hiện chỉ định thầu.

Trong khi về năng lực, kinh nghiệm của PTSC chưa có kinh nghiệm với vai trò đứng đầu liên danh thực hiện dự án do đó Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc chỉ định thầu không thực hiện đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và vi phạm quy định tại Khoảng 2 Điều 2 Luật Đấu thầu số 61/QH11.

Liên quan đến việc đàm phán và ký hợp đồng EPC, liên danh và nhà thầu trước đó đã chào giá 62,994 triệu USD, PVN có văn bản thông báo kết luận của PVN về giá hợp đồng không quá 60 triệu USD. Sau quá trình đàm phán chủ đầu tư và nhà thầu đã thống nhất giá hợp đồng trọn gói là 59,177 triệu USD.

Theo Thanh tra Chính phủ, kiểm tra cho thấy, khi nhận thầu và ký hợp đồng EPC về thiết kế, mua sắm, xây dựng nhà máy theo hình thức hợp đồng trọn gói, Tổng thầu PTSC chưa lập được thiết kế kỹ thuật tổng thể các hạng mục công trình của dự án. Do đó, theo quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình nhà thầu phải chịu trách nhiệm về rủi ro liên quan đến việc xác định giá trọn gói.

Liên quan đến việc điều chỉnh hợp đồng EPC, trong quá trình thực hiện dự án, nhà thầu PTSC đã đề nghị điều chỉnh hợp đồng EPC thàng 71,943 triệu USD sau đó đề nghị là 69,152 triệu USD.

Ngày 4/6/2010 PVN có Thông báo 4816 thông báo kết luận của Chủ tịch HĐQT PVN tại cuộc họp về tình hình triển khai dự án Nhiên liệu sinh học miền Trung trong đó có nội dung dự án Bioetanol miền Trung đã triển khai được 8 tháng cho đến hiện tại đã chậm tiến độ gần 3 tháng đặc biệt là công tác thiết kế, mua sắm quá chậm. Nguyên nhân chính là do việc ký hợp đồng EPC khi chưa có thiết kế tổng thể FEED cả chủ đầu tư và nhà thầu đều chưa có kinh nghiệm về triển khai hợp đồng EPC các dự án tương tự do đó đã gặp nhiều khó khăn và lúng túng trong việc xử lý các vấn đề tồn tại.

Hợp đồng sau đó đã được điều chỉnh tăng từ 59,177 triệu USD thành 67 triệu USD, tăng 7,723 triệu USD trong đó tăng 3,245 triệu USD là chưa có cơ sở.

Sản phẩm làm ra không có sức cạnh tranh

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, vốn đầu tư đã sử dụng cho dự án là 2.124 tỷ đồng tăng 631 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư khi phê duyệt dự án (tăng 42%) làm tăng chi phí khấu hao tài sản cố định và chi phí vốn vay dẫn đến tay giá thành sản phẩm.

Giá mua sắn nguyên liệu khi lập dự án là 1.650 đồng/kg tại thời điểm thanh tra khoảng 4.446 đồng/kg, tăng 170% so với thời điểm lập dự án trong khi chi phí nguyên liệu chiếm 58% giá thành sản phẩm khi lập dự án, hiện nay chiếm khoảng 65% giá thành sản phẩm dẫn đến tăng giá thành sản phẩm.

Thị trường dầu thế giới khi lập dự án đầu tư khoảng 120 USD/thùng sau khi Nhà máy hoàn thành giá dầu thế giới giảm sâu dẫn đến giá bán sản phẩm Ethanol giảm theo, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất Ethanol nhiên liệu.

Thị trường tiêu thụ xăng E5 tại Việt Nam còn thấp do đó việc tiêu thụ sản phẩm ethanol còn hạn chế, nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng thậm chí không vận hành thương mại nhưng vẫn phát sinh những chi phí tối thiểu như điện, nước, chi phí quản lý, bảo dưỡng, khấu hao tài sản cố định, lãi vốn vay…

Như vậy, từ các nguyên nhân nêu trên dẫn đến việc đầu tư vào các nhà máy sản xuất nhiêu liệu sinh học chưa có hiệu quả, năm 2014 nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất lỗ khoảng 164 tỷ đồng.

​Tại kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ cho biết, chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các sai phạm trong quá trình đầu tư xây dựng dự án nhiên liệu sinh học Dung Quất có dấu hiệu cố ý làm trái hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc lựa chọn địa điểm xây dựng, trong chỉ định thầu, trong ký kết và thực hiện các hợp đồng EPC dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Dấu chấm hết cho đại dự án ethanol

Dự án ethanol Dung Quất là một trong số những trường hợp khiến PVN thua lỗ nặng nề. Trước đó, khi quyết định đầu tư, nhà máy được kỳ vọng sẽ tạo nguồn nhiên liệu sinh học giá rẻ làm nguyên liệu xăng, tiến tới thay thế một phần xăng, giảm bớt lượng khí thải CO2 của động cơ ra môi trường, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, chuyển hướng tích cực từ cây trồng khác sang cây nguyên liệu…

Tuy nhiên, trên thực tế, nhà máy đã tạm dừng sản xuất từ tháng 4/2015 và hơn 40 nhân công/tổng số 220 nhân công đã nghỉ việc, trong đó chủ yếu là các kỹ sư giỏi của nhà máy. Số còn lại phải chuyển sang làm công việc bảo dưỡng, duy tu hoặc làm bảo vệ trong lúc chờ nhà máy sản xuất lại.

Năm 2014, công ty chỉ phân phối được 5.000 m3 ethanol cho thị trường trong nước (đạt 5% công suất nhà máy). Việc sản xuất cầm chừng của nhà máy đã dẫn đến khoảng lỗ trên 140 tỷ đồng.

Lý giải về nguyên nhân đóng cửa, đại diện phía chủ đầu tư từng cho rằng, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới giảm mạnh, giá thành của xăng sinh học E5 không thể cạnh tranh được với xăng RON 92, chỉ thấp hơn hàng nghìn đồng so với RON 92, trong khi người tiêu dùng chưa có thói quen sử dụng xăng sinh học.

Phía chủ đầu tư dự án từng phải kiến nghị cơ quan thuế Quảng Ngãi xem xét tạm hoãn nộp thuế giá trị gia tăng đầu ra năm 2016. Hiện dư nợ vay đầu tư của doanh nghiệp này tại ba ngân hàng PV Combank, Vietcombank và Oceanbank tương đương 1.000 tỷ đồng, trong năm 2016 đến hạn phải trả gốc 100 tỷ đồng. Ngoài ra, mỗi năm doanh nghiệp này ít nhất phải trả khoản lãi vay cho các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi khoảng 70 tỷ đồng, nhưng không có khả năng thanh toán.

Trao đổi với PV Dân Trí, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long từng cho rằng, mặc dù Chính phủ và Bộ, ngành có rất nhiều chủ trương kích thích sử dụng xăng sinh học E5 như một giải pháp để giảm ô nhiễm môi trường và cam kết cắt giảm hiệu ứng Nhà kính, tuy nhiên, lộ trình và số phận của xăng E5 vẫn rất trắc trở và đến nay, có thể nói số phận của các nhà máy ethanol có thể đã chấm hết.

Nguyên nhân chính, theo ông Ngô Trí Long: "Chúng ta chưa xác định được thị trường, tâm lý người tiêu dùng khi đưa vào một sản phẩm mới, trong khi đó giá lại không rẻ hơn so với xăng A92 dù Nhà nước đã giảm thuế. Bên cạnh đó, các chiến dịch tiếp thị xăng E5 chưa rộng rãi đến với người tiêu dùng, người tiêu dùng vẫn hồ nghi về tính hiệu quả sử dụng xăng E5".

Nguồn: