Người tiêu dùng chịu thiệt vì thuế tiêu thụ đặc biệt giá xăng dầu tăng theo cách tính mới, còn thuế nhập khẩu bình quân gia quyền lại khá cao so với nhiều thị trường nhập về thực tế
Từ 16 giờ 30 phút ngày 5-10, giá xăng RON 92 được cơ quan quản lý cho phép tăng 172 đồng/lít, xăng E5 160 đồng/lít, dầu diesel 169 đồng/lít, dầu hỏa 137 đồng/lít và dầu ma dút 130 đồng/lít. Cùng đó, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền áp dụng trong công thức tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu tại kỳ tính giá quý IV cũng tăng so với quý trước.
Ưu đãi nhiều, thuế gia quyền càng cao
Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan về tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tháng 8 cho thấy xăng dầu các loại nhập khẩu vào Việt Nam trong 8 tháng qua chủ yếu xuất xứ từ các thị trường được hưởng ưu đãi thuế với mức tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2015. Ví dụ: Singapore với 3,05 triệu tấn (tăng 12,3%), Malaysia 2,23 triệu tấn (gấp gần 5 lần), Hàn Quốc 1,06 triệu tấn (gấp 6,7 lần).
Ngay từ 3 tháng đầu năm, tổng lượng nhập khẩu xăng dầu từ thị trường có thuế nhập khẩu xăng dầu giảm mạnh theo các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết như Singapore, Malaysia, Thái Lan và Hàn Quốc cũng đã khá lớn (với 2,3 triệu tấn), chiếm 83% tổng lượng xăng dầu nhập khẩu từ tất cả các thị trường.
Giá xăng dầu trên thị trường đã tăng từ cuối ngày 5-10. Trong ảnh: Một cửa hàng xăng dầu tại TP HCMẢnh: Tấn Thạnh
Trong đó, đáng lưu ý nhất là thị trường Hàn Quốc với mức thuế nhập khẩu xăng chỉ 10%, thấp hơn đến 10 điểm % so với các thị trường khác. Nhờ sức hút đó mà chỉ riêng trong tháng 8, lượng xăng dầu nhập từ Hàn Quốc đạt 108.012 tấn, tương đương giá trị 49,49 triệu USD. Nếu tính cả 8 tháng đầu năm thì giá trị nhập xăng dầu từ Hàn Quốc đã lên tới 484,6 triệu USD. Ngược lại, lượng nhập khẩu từ các thị trường không có ưu đãi thuế như Trung Quốc, Đài Loan lại giảm mạnh.
Đáng lưu tâm là dù số liệu xuất nhập khẩu ghi nhận sự tăng trưởng nhập khẩu đáng kể từ thị trường có thuế suất ưu đãi nhưng thuế bình quân gia quyền được áp dụng lại không giảm dần tương ứng. Kỳ tính thuế bình quân gia quyền cho quý III áp thuế với mặt hàng xăng là 15,74%, dầu diesel là 1,84%, tuy giảm được 0,3%-3% so với quý trước nhưng vẫn bị đánh giá là khá cao so với mức 10% theo Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc. Không chỉ thế, đến quý IV, bắt đầu áp dụng cho ngày điều hành giá (5-10), thuế bình quân gia quyền lại bất ngờ tăng “ngược dòng” so với diễn biến thực tế. Cụ thể, thuế cho xăng tăng lên mức 16,22%, thuế cho dầu diesel 2,1%.
“Nếu tính theo thuế của quý trước thì giá cơ sở chỉ tăng thêm khoảng 100 đồng/lít và hoàn toàn có thể giữ giá nếu dùng quỹ bình ổn. Chúng tôi còn dự báo thuế bình quân gia quyền có thể giảm khoảng 2% nhưng thực tế diễn biến thuế tăng nên có mức tăng giá như trên” - đại diện một doanh nghiệp (DN) đầu mối xăng dầu cho hay.
Tính thuế ra sao để công bằng?
Thực tế không thể chối cãi là việc áp dụng thuế nhập khẩu theo phương pháp tính bình quân gia quyền đã mang lại những lợi ích nhất định cho người tiêu dùng. Trước đây, Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu đã áp “cứng” mức thuế nhập khẩu tính trong giá cơ sở đối với xăng là 20%, dầu diesel và dầu ma dút là 10%. Cơ chế này trong thời điểm các FTA bắt đầu có hiệu lực đã tạo ra khoảng vênh đến 10% tiền thuế và DN đã “đút túi” để biến thành lợi nhuận. Kể từ khi tính thuế nhập khẩu theo phương pháp bình quân nói trên, thuế suất áp cho mặt hàng xăng đã giảm từ 20% xuống khoảng 18% rồi 15% và 16% như hiện nay.
Tuy nhiên, vẫn còn một điều gây băn khoăn trong dư luận là việc minh bạch cách tính thuế ra sao để người dân có thể giám sát và bảo đảm công bằng giữa DN lớn và DN nhỏ.
Từ ngày 1-7, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu được tính trên mức giá đầu ra, bao gồm cả các chi phí thay vì tính trên giá nhập khẩu như trước đó. Theo giới chuyên gia, cách tính này dẫn đến tình trạng thuế chồng thuế và là một trong những nguyên nhân khiến giá xăng gánh thêm áp lực tăng giá.
Người tiêu dùng chưa được hưởng lợi xứng đáng Đại diện một DN xăng dầu chia sẻ nếu đầu năm chưa tìm được nguồn hàng ưu đãi thuế nên nhập từ Hàn Quốc chỉ đạt dưới 20% tổng lượng hàng chuyển về thì gần đây, DN này đã tăng nhập khẩu từ Hàn Quốc thêm 20%, đồng thời giảm nhập tương ứng từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và thị trường nước ngoài khác. Tuy vậy, không phải lô hàng nào từ Hàn Quốc cũng có chứng nhận xuất xứ từ khu vực được ưu đãi (form D) bởi nhiều nguồn hàng được nhập từ nước khác về Hàn Quốc rồi từ đó bán cho Việt Nam thì không thuộc diện ưu đãi. Thường thì DN lớn sẽ đủ lực để kiếm được nguồn hàng form D nhiều hơn DN nhỏ. Bởi thế, tính bình quân gia quyền thì sẽ có lợi cho DN lớn. Tuy người dân chưa được hưởng lợi xứng đáng từ FTA với Hàn Quốc nhưng vẫn có thể không phải là đối tượng chịu thiệt quá lớn do cách tính thuế bình quân gia quyền bởi theo đúng nguyên tắc thì thuế được tính trung bình từ tất cả các thị trường nhập khẩu của tất cả các DN trong thị trường. Một bộ phận DN lớn với khả năng nhập số lượng nhiều hàng hóa hưởng thuế ưu đãi sẽ có lợi nhuận nhiều hơn. Ngược lại, DN nhỏ sẽ khó làm ăn hơn trong bối cảnh này vì phải nhập hàng đắt nhưng giá bán chỉ được phép tương đương DN khác. Về phía cơ quan nhà nước, cần có sự công khai, minh bạch trong tính thuế và giải thích rõ ràng thắc mắc xung quanh mâu thuẫn giữa số liệu nhập khẩu và mức thuế được áp thực tế. |
TIN KHÁC
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu: VCCI vạch ra nhiều bất cập(31/07/2024)