Dầu thô và ngân sách
03:23 SA @ Thứ Hai - 17 Tháng Mười Một, 2014

Trong ngắn hạn, nguồn thu nào sẽ bù đắp cho số hụt thu từ dầu khí nếu giá dầu quốc tế còn rơi?

Dầu thô là câu chuyện của ngân sách trước mắt và cả nền kinh tế lâu dài.

Số thu từ dầu thô mà ngân sách nhà nước có được năm ngoái lớn hơn gấp hai lần toàn bộ số chi cho ngành y tế. Đấy mới chỉ ở chiều xuất khẩu. Nếu tính cả số thu từ nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, hẳn sự đóng góp của dầu khí vào ngân khố quốc gia không thấp hơn bao nhiêu so với mức chi cho đầu tư phát triển. Trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, năng suất lao động thấp, liệu dầu thô có tiếp tục trở thành cứu tinh đối với ngân sách, phụ thuộc vào sự biến động giá của nó trên thị trường quốc tế, nơi tầm kiểm soát của Việt Nam không với tới được!

Dự toán 98 đô la Mỹ/thùng

Giá dầu thô mà ngân sách dự toán cho số thu năm nay là 98 đô la Mỹ/thùng, khá hợp lý vì từ giữa năm 2011 giá dầu thế giới luôn ở mức cao. Suốt tám tháng đầu năm 2014, giá dầu quốc tế dao động quanh mức 100 đô la Mỹ/thùng. Trên thực tế, trong ba quí đầu năm giá dầu thanh toán bình quân của Việt Nam cao hơn nhiều so với dự toán.

Từ đầu tháng 9-2014, giá dầu quốc tế liên tục lao dốc, có lúc chạm 76,3 đô la Mỹ/thùng, cách xa mức dự toán của ngân sách. Trong trường hợp giá dầu không tăng lại trên mức 80 đô la Mỹ/thùng, số thu ngân sách từ dầu thô trong quí cuối cùng của năm nay và năm sau sẽ bị ảnh hưởng nhiều.

Một trong những doanh nghiệp lớn nhất ngành dầu khí Việt Nam là liên doanh Vietsovpetro. Hàng năm tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được chia từ liên doanh này và từ các hợp đồng phân chia sản phẩm với các đối tác khác khoảng 10.000-20.000 tỉ đồng, tùy năm.

Trước đây, PVN được giữ lại một nửa con số được chia để tái đầu tư, nhưng gần đây mức phân chia giữa tập đoàn và ngân sách đã chuyển sang tỷ lệ 25/75. Nay khi giá dầu giảm, lợi nhuận được chia từ các đối tác sẽ giảm đi, và hiển nhiên là công cuộc đầu tư cả trong và ngoài nước của PVN sẽ chịu tác động trực tiếp.

Trong cuộc họp báo công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2014, tập đoàn cho biết ở nước ngoài PVN hiện đang hợp tác khoan với các nước 11 giếng dầu, trong đó 9 giếng đã kết thúc và 2 giếng đang thi công. Theo báo cáo tài chính năm 2012 được Deloitte kiểm toán, chi phí phát triển mỏ cho các hợp đồng dầu khí ở nước ngoài đến ngày 31-12-2012 của PVN lên tới 19.774 tỉ đồng. Những liên doanh tầm cỡ nhất trong mảng đầu tư ra nước ngoài của tập đoàn là Rusvietpetro và Gazpromviet tại Nga; Petrocamareo tại Venezuela, ba liên doanh tại Singapore.

Sẽ linh hoạt thuế suất?

Tổng cục Hải quan cho biết số thu thuế nhập khẩu xăng dầu trong 10 tháng đầu năm tăng 19,4% so với cùng kỳ. Rõ ràng nhu cầu tiêu thụ xăng và các sản phẩm dầu của Việt Nam ngày càng tăng. Quan trọng là giá xăng dầu nhập khẩu tăng đã trực tiếp làm tăng số thu thuế. Bây giờ giá xăng nhập giảm, giá bán lẻ cũng giảm, số thuế thu được trên mỗi lít xăng bán ra đương nhiên giảm theo.

Để đảm bảo nguồn thu, phương thức khả dĩ mà Bộ Tài chính không thể không tính tới là điều chỉnh nâng thuế nhập khẩu xăng dầu. Khung thuế suất nhập khẩu xăng dầu rất rộng, từ 0-40%. Hiện mức thuế áp dụng cho nhập khẩu xăng là 18%, dầu hỏa 16%, dầu mazut 15%, dầu diesel 14%. Khi thuế suất tăng, giá bán lẻ xăng và dầu các loại sẽ không thể giảm tương ứng với mức giảm quốc tế. Lúc đó người tiêu dùng sẽ thiệt.

Giá xăng dầu là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát. Trong rủi có may. Do sức mua yếu, từ đầu năm đến nay chỉ số giá tiêu dùng CPI chỉ tăng 2,36% so với cuối năm ngoái, thấp nhất trong 11 năm. CPI tháng 11 được dự báo sẽ không có nhiều biến động, thậm chí có thể chỉ tăng yếu ớt 0,1-0,2% so với tháng 10 do lần gần đây nhất giá xăng bán lẻ đã giảm tới 950 đồng/lít.

Ở phía doanh nghiệp, dù muốn hay không PVN sẽ phải lên kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với giá dầu thô quốc tế, trong đó có chỉ tiêu nộp ngân sách nhà nước. Báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2013 của tập đoàn chỉ ra chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 của PVN là 17.848 tỉ đồng; năm 2013 là 19.298 tỉ đồng. Với sức rơi khoảng 25% của giá dầu thô quốc tế từ tháng 9-2014 tới nay, PVN không thể nộp ngân sách nhiều như năm ngoái nếu không tăng sản lượng khai thác và kim ngạch xuất khẩu. Mức điều chỉnh, thí dụ, 10-15% số nộp ngân sách của tập đoàn đủ bằng số thu ngân sách một năm của một số địa phương.

Trong khi đó, những diễn biến trên thị trường dầu thô quốc tế cho thấy “cuộc chiến giá dầu” (xem TBKTSG số 43, ngày 23-10-2014) mới chỉ bắt đầu và nó sẽ làm thay đổi cục diện địa chính trị thế giới. Đồng rúp Nga đang mất giá từng ngày một phần cũng bởi giá dầu. Việt Nam đang khởi động một số dự án lọc dầu mới và mở rộng những dự án với số vốn đầu tư hàng chục tỉ đô la Mỹ. Các dự án này không thể nằm ngoài tầm ảnh hưởng của giá dầu.

Nhìn xa hơn, liệu có sự liên quan nào đó giữa biến động giá dầu thô và giá cả các mặt hàng năng lượng, nông sản, kim loại quý trên thị trường hàng hóa toàn cầu? Chưa biết mối quan hệ giữa chúng sẽ đi về đâu, nhưng Việt Nam không chỉ xuất dầu thô, Việt Nam còn xuất khẩu cao su, cà phê, tiêu, gạo...; xuất than đá và nhập than đá... Có lẽ đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách nên quan tâm nhiều hơn đến giá dầu vì dầu thô là câu chuyện của ngân sách trước mắt và cả nền kinh tế lâu dài.

Tác động hai mặt của việc giá dầu giảm

Giá dầu trên thế giới giảm có tác động hai mặt đến Việt Nam.

Thứ nhất, Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô nên giá dầu giảm 25% thì thu nhập từ xuất khẩu dầu thô cũng giảm. Hàng năm PVN đóng góp đến gần 30% GDP nên nhìn từ góc độ vĩ mô thì giá dầu giảm là mặt tiêu cực.

• PVN chưa bao giờ công bố mức giá hòa vốn khai thác trên một thùng dầu thô. Do vậy cũng khó tính toán được mức lời của tập đoàn này, và do đó, rất khó dự đoán sự thâm hụt thực sự của nguồn thu chính phủ khi giá dầu giảm.

• PVN cũng đem tiền đi đầu tư vào các dự án khai thác dầu khí ở nước ngoài nên giá dầu giảm cũng phần nào làm giảm lợi nhuận của tập đoàn này. Nhưng PVN luôn báo lỗ khi đầu tư ra nước ngoài; cho nên nhân việc giá dầu giảm, cũng nên chấm dứt việc đầu tư tràn lan mà nên tập trung nguồn lực vào thăm dò và khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Thứ hai, Việt Nam là nước nhập khẩu xăng dầu thành phẩm (hơn 70% nhu cầu nội địa) và nhiều nguyên vật liệu có nguồn gốc từ dầu thô như phân bón, sợi tổng hợp... cho nên giá dầu giảm 25% cũng góp phần kích thích các ngành công nghiệp vận chuyển và kéo theo tăng trưởng của những ngành sản xuất khác. Nó cũng góp phần tăng sức mua, sức tiêu thụ của người dân. Do vậy, nhìn từ góc độ người tiêu dùng thì giá dầu giảm là mặt tích cực.

• Cũng như một vài quốc gia lân cận trong khu vực Đông Nam Á, Chính phủ Việt Nam vẫn phải trợ giá cho xăng dầu. Trong tương lai, với giá dầu giảm như hiện nay, có lẽ Chính phủ sẽ cân nhắc bỏ việc trợ giá và “thả” cho giá xăng dầu theo giá thị trường. Điều này sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu ở Việt Nam vì Chính phủ và các tổ chức này phải minh bạch giá xăng dầu nhập cảng cùng với chi phí đi kèm. Về dài hạn, đây là một điều có lợi đối với người tiêu dùng.

• Hiện tại, việc “bán đi mua lại” dầu thô và “mua đi bán lại” xăng dầu thành phẩm không minh bạch trong một thời gian dài đã làm giàu cho một số doanh nghiệp độc quyền trong lĩnh vực này và người dân thì phải trả phí xăng dầu cao ngất ngưởng.
Nếu Việt Nam sử dụng phần lớn nguồn dầu thô khai thác được để sản xuất xăng dầu và các phó sản đi kèm (phân bón, sợi tổng hợp...) thì đây có lẽ là một nguồn nội lực lớn của quốc gia - xem đây như là nguồn cung cấp năng lượng để phát triển các ngành công nghiệp khác và cung cấp cho thị trường tiêu thụ trong nước. Nếu như vậy thì có lẽ giá dầu giảm cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến nguồn thu ngân sách như hiện nay.

Nhóm nghiên cứu dầu khí Houston

Nguồn: