Việc để doanh nghiệp xăng dầu tự tính toán, công bố và quyết định giá bán lẻ là giải pháp đưa kinh doanh xăng dầu tiến gần cơ chế thị trường.
TS Lê Quốc Phương – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu đang được dư luận quan tâm.
Thưa ông, Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu do Bộ Công Thương xây dựng đang được dư luận quan tâm. Cơ quan soạn thảo đã đưa ra nhiều quy định mới như cho phép doanh nghiệp tự tính toán và công bố giá bán lẻ, dựa trên các chi phí cố định đã được nhà nước công bố. Quan điểm của ông về vấn đề này là gì?
Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam, Nhà nước giữ vai trò điều tiết một số mặt hàng thiết yếu có ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, trong đó có xăng dầu. Trong 10 năm qua, Chính phủ đã ban hành 3 nghị định về kinh doanh xăng dầu (Nghị định 83 năm 2014, Nghị định 95 năm 2021, Nghị định 80 năm 2023). Mỗi nghị định sau có những điều chỉnh, sửa đổi nội dung của nghị định trước, để đảm bảo mục tiêu cân đối cung - cầu và an ninh năng lượng quốc gia.
Hiện cơ quan soạn thảo đang đưa ra dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu thay thế 3 nghị định trước để lấy ý kiến các bên liên quan. Dự thảo nghị định này tập trung vào các nội dung chính là cơ chế giá xăng dầu, quỹ bình ổn giá xăng dầu, điều kiện kinh doanh và hệ thống kinh doanh xăng dầu.
Trong đó nội dung cơ chế giá xăng dầu được xem là thay đổi quan trọng nhất. Từ trước đến nay, giá xăng dầu do cơ quan điều hành (liên bộ Công Thương - Tài chính) xem xét quyết định trên cơ sở các biến động của thị trường quốc tế và trong nước. Trong dự thảo Nghị định mới, quyền tính toán, công bố và quyết định giá bán lẻ xăng dầu được giao cho thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu “phù hợp với chi phí phát sinh thực tế tại doanh nghiệp và không cao hơn giá bán xăng dầu tối đa theo quy định”.
Việc trao quyền tính toán, công bố và quyết định giá bán lẻ xăng dầu cho doanh nghiệp song vẫn có sự quản lý của Nhà nước thông qua việc định giá trần được xem là bước chuyển mạnh, để kinh doanh xăng dầu tiến gần hơn tới cơ chế thị trường. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết những vướng mắc nảy sinh trước đây khi Nhà nước định giá xăng dầu, khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn, thậm chí thua lỗ.
Tất nhiên, cơ chế giá xăng dầu này đòi hỏi cơ quan quản lý phải sát sao hơn trong việc đưa ra mức giá trần và trong kiểm tra, giám sát tuân thủ của doanh nghiệp.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu được cơ quan quản lý đề xuất đưa về ngân sách Nhà nước quản lý và sẽ không chi như hiện nay mà chỉ sử dụng khi thị trường có biến động bất thường. Theo ông, quy định này sẽ mang lại những lợi ích ra sao trong việc nhà nước vẫn có công cụ quản lý giá, song sẽ từng bước đưa giá xăng dầu tiến gần hơn với thị trường?
Trước đây, Quỹ bình ổn giá xăng dầu được giao cho doanh nghiệp quản lý (thu trích lập, chi xả quỹ, báo cáo tình hình quỹ). Cách quản lý như vậy khá lỏng lẻo, tính cập nhật thấp (mỗi quý doanh nghiệp báo cáo 1 lần), thiếu công khai minh bạch (phụ thuộc vào sự trung thực của doanh nghiệp), quỹ có thể bị doanh nghiệp “tạm mượn” sử dụng vào việc khác.
Đề xuất đưa Quỹ bình ổn giá xăng dầu về ngân sách nhà nước được kỳ vọng sẽ giúp cho việc quản lý chặt chẽ hơn, nghiêm minh hơn, đúng mục đích hơn. Song điều này cũng ràng buộc trách nhiệm nặng nề hơn đối với cơ quan quản lý.
Ông có góp ý gì thêm đối với dự thảo Nghị định này?
Ngoài những vấn đề nêu trên, tôi cho rằng có một số vấn đề khác cần được cân nhắc xem xét.
Thứ nhất, xem xét thành lập sàn giao dịch xăng dầu một cách công khai minh bạch, giúp thương nhân phân phối có căn cứ đưa ra giá chốt.
Thứ hai, cân nhắc cho phép doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu được sử dụng công cụ phái sinh. Điều này đã được quy định tại Nghị định số 83 năm 2014, song bị bãi bỏ tại Nghị định số 95 năm 2021. Việc cho phép thương nhân kinh doanh xăng dầu được sử dụng công cụ phái sinh một mặt khẳng định quyền kinh doanh của doanh nghiệp, mặt khác vẫn duy trì sự quản lý, điều tiết thị trường của nhà nước.
Thứ ba, dự thảo Nghị định giao trách nhiệm dự trữ xăng dầu cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đồng thời nâng mức dự trữ từ 20 ngày như quy định trong Nghị định 80 năm 2023 lên 30 ngày. Doanh nghiệp có ý kiến là dự trữ xăng dầu để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia là thuộc trách nhiệm Nhà nước. Nếu hiện tại Nhà nước chưa làm được việc này (do chưa xây dựng được các kho dự trữ quốc gia) mà giao cho doanh nghiệp thì nên giữ mức 20 ngày như hiện nay là hợp lý, tránh tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Cuối cùng, tôi hy vọng cơ quan soạn thảo sẽ cân nhắc, xem xét các ý kiến đóng góp, để Nghị định mới được xây dựng trên tinh thần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu song Nhà nước vẫn duy trì vai trò điều tiết của mình (thông qua việc định giá trần, việc kiểm tra, giám sát).
Xin cảm ơn ông!
TIN KHÁC
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu: VCCI vạch ra nhiều bất cập(31/07/2024)
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Việc để doanh nghiệp xăng dầu tự tính toán và công bố giá là phù hợp(16/07/2024)