Đề nghị tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu: Khó thuyết phục
04:23 SA @ Thứ Hai - 10 Tháng Tư, 2017

Theo tờ trình Bộ Tài chính gửi Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi, khung thuế này với xăng dầu có thể được tăng lên tối đa 8.000 đồng/lít.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nguồn thu trên chiếm tỷ lệ rất nhỏ (4,1% tổng thu ngân sách) nhưng sức ảnh hưởng của nó thì lại rất lớn. Xăng dầu chiếm tỷ lệ cao trong các chi phí đầu vào nên việc tăng thuế BVMT xăng dầu sẽ tác động trực tiếp đến đời sống người dân và nền kinh tế nói chung.

4 lý do để tăng thuế

Dự kiến, trong tháng 4 này, Bộ Tài chính sẽ lấy ý kiến các đơn vị, tổ chức, cá nhân về dự án Luật Thuế BVMT sửa đổi. Tháng 5, xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Tháng 6, trình Chính phủ dự án Luật để Chính phủ trình Quốc hội. Tháng 7/2017, dự án Luật sẽ được gửi sang Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội để thẩm tra. Tháng 8, sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật. Tháng 9/2017, dự án Luật sẽ được gửi đến đại biểu Quốc hội sau khi đã có ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tháng 10/2017, trình Quốc hội xem xét.

Mua bán xăng dầu tại một cửa hàng trên đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy. Ảnh: Phạm Hùng

Theo dự thảo Luật được Bộ Tài chính công bố trước đây, khung thuế với xăng tăng từ 4.000 - 8.000 đồng/lít, nhiên liệu bay lên 3.000 - 6.000 đồng/lít, dầu diesel (1.500 - 4.000 đồng/lít), dầu hỏa (300 - 2.000 đồng/lít), dầu mazút (900 - 4.000 đồng/lít), dầu nhờn (900 - 4.000 đồng/lít), mỡ nhờn (900 - 4.000 đồng/kg).

4 lý do mà Bộ Tài chính giải trình cho việc nâng khung thuế này là nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của tổ chức, cá nhân về BVMT; đảm bảo chính sách có tính ổn định; phù hợp với lộ trình dài, thay thế thuế nhập khẩu (NK) phải cắt giảm dần và phù hợp với mức thu của các nước xung quanh nhằm hạn chế tình trạng buôn lậu xăng dầu.

Số thu nhỏ, tác động lớn

Theo các chuyên gia kinh tế, khung thuế từ 4.000 - 8.000 đồng/lít mà Bộ Tài chính đưa ra là quá cao. Số liệu từ Bộ Tài chính, số thu từ thuế BVMT chiếm tỷ trọng khoảng 1,5 - 4,1% tổng thu ngân sách Nhà nước và chiếm tỷ trọng khoảng 0,3 - 0,9% trên GDP hàng năm. TS Lê Đăng Doanh nhận định, đề xuất tăng thuế BVMT với xăng dầu lên đến 8.000 đồng/lít làm tăng thêm chi phí vận tải hàng hóa, hành khách và chi phí đầu vào cho các DN. Điều này có thể tác động tới lạm phát, ảnh hưởng đến cạnh tranh hàng hóa nên cần thận trọng: “Việt Nam đã cam kết hội nhập với nhiều điều khoản giảm thuế để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa. Do đó, nên tính cách khác để tăng nguồn thu, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu tiền thuế thu được cho công tác BVMT”.

Đừng dồn thêm gánh nặng

Cũng theo ý kiến nhiều chuyên gia, 4 lý do mà Bộ Tài chính đưa ra để giải thích cho việc tăng khung thuế BVMT với xăng dầu là không hợp lý. “Thuế BVMT để chi phí cho các tác động về môi trường, giảm thiểu sự ảnh hưởng của các tác động ấy. Còn nâng cao nhận thức là việc của giáo dục chứ không phải là nghĩa vụ mà xăng dầu phải gánh. Một lý do nữa là để đảm bảo chính sách có tính ổn định, nếu khung này đưa ra và thuế được đưa lên mức trần thay vì sàn thì cá nhân, DN nào có thể chịu nổi?”- ông Tín đặt câu hỏi. “Áp thuế BVMT là phù hợp, tuy nhiên mức tăng thế nào là phù hợp thì cần phải xem xét. Chi phí xăng dầu chiếm tỷ lệ lớn trong chi phí đầu vào của DN, nên việc tăng thuế với mặt hàng này sẽ khiến DN thêm nặng gánh, giảm sức cạnh tranh của DN” - Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội

Ngoài ra, lý do thay thế thuế NK do phải cắt giảm dần theo các cam kết hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng không hợp lý.

Tăng thu ngân sách có nhiều cách như cắt giảm chi tiêu công, giải quyết vấn đề DN Nhà nước, đầu tư công có hiệu quả, xử lý thâm hụt ngân sách…, chứ không phải đụng vào một nguồn thu nhỏ nhưng sức ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn như thuế môi trường với xăng dầu. Cuối cùng, về lý do tăng thuế để phù hợp với mức thu của các nước xung quanh nhằm hạn chế tình trạng buôn lậu xăng dầu: Hạn chế tình trạng buôn lậu xăng dầu nói chung và buôn lậu xăng dầu nói riêng là nhiệm vụ của nhiều cơ quan chức năng chứ không phải đổ gánh nặng lên người dân và DN.

“Tăng hay giảm các mức thuế cần có số liệu để đánh giá xem có phù hợp hay không; mức độ ảnh hưởng đến nền kinh tế như thế nào khi thực hiện mức tăng sàn như thế nào, mức tăng trần ra sao. Đây là những thông tin mà người dân và các tổ chức vẫn rất thiếu để tham khảo” – ông Tín nhấn mạnh.

Nguồn: