Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Hồ Sĩ Thoảng là một trong số những nhà khoa học cổ vũ cho việc sử dụng nhiên liệu sinh học (NLSH), nhưng trước đề xuất “khai tử xăng A95, chỉ bán xăng E5”, ông khẳng định: “Việt Nam chưa hội đủ điều kiện để đưa ra một quyết định mang tính cực đoan như vậy”!
Ảnh minh họa
Cơ chế thị trường không cho phép áp đặt
Thưa ông, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã có động thái cho thấy sẽ báo cáo Chính phủ về đề xuất “khai tử xăng A95” của một đại diện doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Theo ông, liệu đề xuất chỉ bán xăng sinh học có khả thi?
- Tôi đã từng phát biểu và các chuyên gia khác cũng đã có ý kiến, Việt Nam hiện nay chưa hội đủ điều kiện để đưa ra một quyết định có tính cực đoan là chỉ dùng xăng sinh học (hay NLSH nói chung) mà cấm dùng nhiên liệu khoáng 100%. Cơ chế thị trường cũng không cho phép áp đặt như vậy.
Điều quan trọng nữa, hiện Việt Nam không thể thực hiện được việc chỉ bán xăng E5 vì nguồn ethanol chưa thể đáp ứng bền vững và chúng ta cũng chưa có những quy chuẩn cụ thể về tính năng nhiên liệu cho từng loại động cơ với tuổi đời khác nhau. Không thể đốt cháy giai đoạn được.
Theo ông, tại sao ở Việt Nam việc dùng xăng sinh học lại trở nên khó khăn thế?
- Đây là câu hỏi rất thú vị. Đúng là nhiều nước trên thế giới đang sử dụng và thúc đẩy việc sử dụng các loại NLSH, kể cả xăng sinh học và diesel sinh học. Tôi là người hết sức cổ vũ cho NLSH. Cũng xin nói là ethanol (không pha trộn gì cả) và dầu thực vật (nguyên liệu để sản xuất ra diesel sinh học) đã từng được dùng làm nhiên liệu cho động cơ thời mới khai sinh ngành công nghiệp ô tô chứ không có gì là mới lạ cả.
Tuy nhiên vấn đề là tính cạnh tranh quyết định tất cả. Tuy có lịch sử lâu đời như vậy, nhưng NLSH mới chỉ được sử dụng thay thế một phần nhiên liệu khoáng từ khi bùng nổ khủng hoảng năng lượng vào thập kỷ 70 của thế kỷ trước. Nhưng NLSH cũng trầy trật mãi, không thể “đứng được” vì đơn giản là giá dầu phập phồng, chưa “chịu tăng” để cho giá NLSH có thể cạnh tranh.
Ngoài ra, cho đến đầu thế kỷ 21 thì vấn đề phát thải carbon dioxide (CO2) cũng chưa làm cho nhân loại khiếp sợ, cho nên còn đủng đỉnh trong việc tìm nhiên liệu thay thế. Biểu hiện rõ nhất của các nhận định đó là sản lượng hàng năm của NLSH chỉ bắt đầu tăng nhanh khoảng 10 năm gần đây.
Theo tôi hiểu, việc sử dụng các loại NLSH (pha trộn ethanol vào xăng và biodiesel vào diesel với tỷ lệ khác nhau) không làm người tiêu dùng nghi ngờ nếu có quy chuẩn rõ ràng về sự tương thích của động cơ với thành phần nhiên liệu. Ở Việt Nam chưa thấy có những quy chuẩn như vậy.
Điều quan trọng nữa là người tiêu dùng phải được minh bạch là phương tiện của họ có thể sử dụng NLSH loại nào, thì họ sẽ không ngần ngại sử dụng. Không thể nói chung chung “việc xăng E5 không gây tác hại gì”. Nếu cứ tiếp tục dùng cách tuyên truyền chung chung như thế, việc người dân không tin tưởng chất lượng xăng E5 là điều không khó hiểu.
GS. TSKH Hồ Sĩ Thoảng
Nhập khẩu ethanol là “sai sách”
Ông đã từng nói, Việt Nam chưa đến thời điểm chín muồi để sử dụng xăng sinh học đại trà? Ông có thể phân tích tại sao?
- Cái gì cũng phải có lộ trình, không thể đốt cháy giai đoạn. Đây là câu chuyện rất quan trọng, khó mà giãi bày ý kiến trong một câu trả lời. Tuy nhiên tôi xin cố gắng phân tích cô đọng thế này.
Chính phủ có chủ trương phát triển NLSH từ lâu, nhưng chúng ta chưa có chiến lược và do đó cũng chưa có những chính sách thỏa đáng. Những dự án sản xuất ethanol, theo tôi hiểu, thực chất là tự phát do sự nhiệt tình của một số nhà đầu tư.
Công ty Đồng Xanh “nổ phát súng” đầu tiên, nhưng hình như đã bỏ cuộc; hiện chỉ còn Công ty Tùng Lâm sản xuất ethanol nhưng cũng kêu lỗ vì giá sắn lên. Còn PVN (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) thì có lẽ quá vội vàng khi thời điểm chưa chín muồi đã phát động ba dự án liền. Điểm quan trọng đầu tiên của việc phát triển NLSH từ ethanol là nguyên liệu thì chúng ta chưa có một chiến lược rõ ràng. Làm công nghiệp mà không làm chủ được nguồn nguyên liệu (ở đây là sắn) thì không thể an tâm được. Đây chính là lý do chúng ta chưa có gì đảm bảo cho việc sử dụng đại trà xăng sinh học.
Trước khi triển khai bán xăng E5 thay cho A92, các “nhà máy đắp chiếu ngàn tỷ” có hy vọng hồi sinh. Nhưng hiện Nhà máy ethanol Dung Quất, nhà máy được xem như sẵn sàng khởi động lại nhất cũng chưa bắt đầu chạy sản xuất; Nhà máy ethanol Bình Phước cũng nhận được lệnh “phải sống” nhằm thúc đẩy thực hiện đề án bán đại trà xăng E5 nhưng cũng chưa đâu vào đâu. Trong khi đó, các đơn vị phối trộn xăng E5 đã phải nhập khẩu ethanol từ nước ngoài. Trong tình thế này mà Bộ Công Thương vẫn sẽ xem xét báo cáo đề xuất khai tử xăng khoáng, chỉ bán xăng E5. Vậy nếu cứ tiếp diễn việc nhập khẩu ethanol sẽ mang đến hệ lụy gì?
- Trước hết phải nói rằng, xăng E5 là sự bắt đầu của quá trình chuyển đổi dần từ nhiên liệu khoáng 100% sang thay thế từng phần NLSH, cho nên đó là việc làm cần thiết. E5RON92 hay E5RON95 đều có thể đưa vào sử dụng, càng nhiều càng tốt, nhưng phải trên cơ sở của quy luật nền kinh tế thị trường. Áp đặt rất khó thành công. Tuyên truyền và khuyến khích (khuyến mãi) là cần thiết.
Tuy nhiên trong tình hình sản xuất ethanol hiện nay thì không nên và không thể áp đặt việc chỉ sử dụng xăng E5. Việc cần làm là có những chủ trương thỏa đáng để khuyến khích sản xuất ethanol mà không bị lỗ. Đây là bước đột phá để thực hiện chủ trương phát triển NLSH.
Còn việc mua ethanol của nước ngoài về pha xăng tức là đem nhiên liệu của họ sang đốt ở nước mình. Điều này được hiểu rằng, môi trường ở Việt Nam phải chịu thêm một lượng CO2, làm nóng thêm trái đất. Nói một cách đơn giản hơn, nếu mình chuẩn bị được nguyên liệu để sản xuất ethanol (trồng sắn) thì môi trường của mình sẽ được hưởng lợi hơn, chứ không phải tiếp tục quá trình chịu đựng lượng khí CO2 thải ra từ nhiên liệu của nước họ.
Xin cảm ơn ông!
TIN KHÁC
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu: VCCI vạch ra nhiều bất cập(31/07/2024)