Trong những ngày qua, giá năng lượng liên tục tăng cao, đặc biệt giá dầu, than và khí đốt. Ngày 11-10, dầu thô Mỹ tăng 2,5%, lên 81,31USD/thùng, mức cao nhất kể từ cuối năm 2014. Điều này xuất phát từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến việc sản xuất và cung ứng dầu bị ngưng trệ.
.
Ảnh minh họa.
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU,chuyên gia tài chính
Việc vận chuyển dầu qua đường hàng hải cũng bị trở ngại do hệ thống logistics toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bên cạnh đó có sự tranh chấp liên quan đến nguồn cung giữa khối OPEC+ (Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác ngoài khối) và các nền kinh tế lớn.
Từ tháng 8, Tổng thống Mỹ Biden đã hối thúc OPEC+ tăng sản lượng dầu thô trong bối cảnh giá cả tăng cao, bởi đây là rào cản đối với phục hồi kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, khối OPEC+ duy trì các hạn chế về nguồn cung do nhu cầu giảm trong đại dịch. Những điều đó đang làm tăng giá dầu rất mạnh, gây ra căng thẳng về năng lượng.
Trước đó, áp lực của Mỹ và Ấn Độ trong việc tăng sản lượng dầu, ngày 4-10 vừa qua, OPEC+ nhất trí duy trì mức tăng sản lượng dầu thô mỗi tháng thêm 400.000 thùng/ngày, theo thỏa thuận đạt được vào tháng 7.
Dù vậy, diễn biến của giá năng lượng, đặc biệt là giá dầu sẽ có ảnh hưởng lớn đến việc phục hồi kinh tế toàn cầu, vì tiêu thụ năng lượng để vận hành nền kinh tế trên thế giới rất lớn. Giá năng lượng tăng sẽ ảnh hưởng đến lạm phát của thế giới và cả Việt Nam.
Nhưng xét về khả năng tác động, biến động của nền kinh tế hàng hóa chỉ yếu tố phụ ảnh hưởng đến lạm phát. Chuỗi cung ứng hàng hóa bị đứt gãy, làm giảm nguồn cung nhưng sức cầu còn tương đối yếu, có thể trung hòa lại căng thẳng này.
Tương tự, ở thị trường năng lượng dù giá năng lượng tăng nhưng nhu cầu có giảm đôi chút so với trước đây. Yếu tố chính dẫn đến lạm phát toàn cầu từ chính sách tiền tệ của các quốc gia, trong đó có Mỹ.
Các quốc gia, đặc biệt là các nước phát triển đều đã tung ra những gói giải cứu nền kinh tế, đẩy lượng tiền rất lớn đi vào lưu thông.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm 12-10 đã cảnh báo các ngân hàng trung ương (NHTW) nên sẵn sàng thắt chặt chính sách trong trường hợp lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát. Song đứng trước cảnh báo về lạm phát toàn cầu, các NHTW có thể vẫn giữ lãi suất thấp, dù đây là yếu tố không có lợi cho lạm phát.
Họ cũng không thể sử dụng biện pháp mạnh mẽ hơn để kiềm chế lạm phát, vì hiện tại vấn đề ưu tiên của các quốc gia là phục hồi, phát triển nền kinh tế sau đại dịch.
Do đó, vấn đề lạm phát quan trọng nhưng không đứng hàng đầu, nhất là tại các nền kinh tế như Mỹ, Tây Âu tỷ lệ lạm phát vẫn thấp, nên họ có dư địa để tăng lạm phát và quan tâm của họ là phục hồi nền kinh tế.
TS. LÊ XUÂN SANG,Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam
Giá xăng, dầu thế giới tăng mạnh chủ yếu do giá dầu thô tăng gần đây, khi nhu cầu vận tải, tiêu thụ xăng, dầu tăng tại nhiều nước mở cửa trở lại nền kinh tế sau những đợt thực hiện giãn cách xã hội, cùng với việc tăng mạnh giá logistics và vận chuyển xăng dầu giữa nhiều nước bị tắc nghẽn, gián đoạn cung ứng xăng dầu.
Bên cạnh đó, khủng hoảng năng lượng ở châu Âu cũng khiến giá khí tự nhiên (thường là đồng hành với giá dầu thô) tăng mạnh, chủ yếu liên quan đến: (1) Tính thiếu hiệu quả của hệ thống thị trường thanh toán giá khí tự nhiên ở châu Âu.
(2) Tầm nhìn ngắn hạn và sự chính trị hóa quan hệ cung ứng năng lượng nói chung và đối với “Dòng chảy Phương Bắc 2” của các nước Tây Âu đối với Nga.
(3) Tác động tiêu cực ngoài dự kiến của biến đổi khí hậu khiến chiến lược phát triển năng lượng xanh (điện gió và điện mặt trời) các nước Tây Âu bị đổ vỡ, khiến sụt giảm nguồn thủy điện của nhiều nước là đối tác mua năng lượng của Mỹ, nhất là Mexico.
Ngoài ra, quan hệ chính trị giữa Trung Quốc xấu đi cùng khủng hoảng trên thị trường năng lượng điện tái tạo, điện khí ga ở Tây Âu, tạo vòng xoáy tăng vọt giá than và đẩy mạnh khai thác than, đe dọa chiến lược tăng trưởng xanh của nhiều quốc gia.
Tình hình càng khó ổn định khi hậu quả của đại dịch, căng thẳng chính trị Mỹ - Nga, Tây Âu - Nga và Trung Quốc - Australia cùng tác động tiêu cực lên năng lượng xanh khó giải quyết sớm, đe dọa tính bất ổn của khủng hoảng năng lượng trên thế giới.
PGS.TS ĐINH TRỌNG THỊNH,Chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính
Trước hết, nhìn vào yếu tố cầu, đà phục hồi kinh tế và việc mở cửa trở lại trên thị trường thế giới, nhu cầu giao thông tăng cao kéo theo nhu cầu tiêu dùng xăng rất cao.
Thứ hai, việc thiếu than đá, thiếu khí đốt do nhu cầu sản xuất điện và dự trữ sưởi ấm mùa đông sắp tới được dự báo rất khắc nghiệt đang đến với các quốc gia châu Âu và Bắc bán cầu, đã tăng thêm tâm lý tích trữ và tiêu thụ dầu thô.
Giá khí đốt ở châu Âu từ đầu năm 2021 đến nay đã tăng đến 500% nên người tiêu dùng chuyển sang dùng dầu.
Thứ ba, trong khi cầu tiêu dùng tăng mạnh, nguồn cung tăng chậm hơn, OPEC+ đã quyết định duy trì mức tăng sản lượng ổn định và dần dần ở mức 400.000 thùng/ngày vào tháng 11.
Thứ tư, đứng về góc độ địa chính trị hay về thiên nhiên, các cơn bão liên tục xảy ra ở Vịnh Mexico đã làm giảm sút sản lượng khai thác và cung cấp dầu thô cho nước Mỹ - quốc gia sử dụng xăng dầu hàng đầu trên thế giới - càng làm trầm trọng hơn sự khan hiếm về dầu thô.
TIN KHÁC
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu: VCCI vạch ra nhiều bất cập(31/07/2024)
Để doanh nghiệp tự tính toán, quyết định giá bán lẻ: Đưa kinh doanh xăng dầu tiến gần cơ chế thị trường(17/07/2024)
14 doanh nghiệp đầu mối 'âm' Quỹ BOG - Đâu là dư địa để điều hành giá xăng dầu?(11/10/2021)