Còn nhớ những cái tít trên báo chí “Cuống cuồng vì xăng tăng giá”, cư dân mạng thì tung ra những bài nhạc chế hài hước nhưng cũng không kém phần thực tế “Tôi nghe xăng tăng chợt thấy nao lòng, vội vàng cất xe”…
Hôm nay, giá xăng đã trở về mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua.
Nhìn lại thời điểm những năm 2010-2011, khi mỗi lần xăng tăng giá là một lần xã hội “nín thở” vì lạm phát “rập rình” nhích lên. Bốn năm sau, cái tâm trạng “cuống cuồng” đó đã biến mất. Từ đầu năm 2014 đến nay, giá xăng dầu đã được điều chỉnh hàng chục lần, trong đó có những lúc giá xăng tăng 5 lần liên tục.
Sự khác biệt ở đây chính là niềm tin, khi dư luận đã thực sự tin rằng việc tăng giá xăng hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát và sẽ không tác động mạnh tới lạm phát. Nói theo ngôn ngữ kinh tế thì kỳ vọng lạm phát đã giảm mạnh.
Nhiệm kỳ 5 năm 2011-2015 đã bắt đầu như thế, với những bất ổn vĩ mô không nhỏ mà câu chuyện về giá xăng là một điển hình, trong khi mục tiêu tăng trưởng trước mắt vẫn được đặt ra.
Đúng lúc ấy, “cỗ máy” động lực phát triển được xây dựng trên nền móng những cải cách trước đây bắt đầu tỏ ra yếu dần… Mọi con mắt đổ dồn về phía Chính phủ, cơ quan chỉ đạo, điều hành kinh tế.
Vậy bài toán với 3 biến số - ổn định vĩ mô, tăng trưởng kinh tế và cải cách thể chế - đã được giải như thế nào dưới áp lực khủng suốt khoảng thời gian đó?
Lựa chọn khó khăn
Có thể hình dung cỗ máy kinh tế như một chiếc xe 2 bánh, ổn định vĩ mô như thế cân bằng để xe không đổ, còn tăng trưởng giống như tốc độ xe đi. Lúc đường êm, máy tốt, xe vừa đi nhanh vừa tự khắc cân bằng. Nhưng khi bất ổn, xe không những chòng chành dễ đổ mà còn khó tiến lên phía trước.
Khi ấy, với nguồn lực có hạn, thúc đẩy tăng trưởng có thể làm gia tăng bất ổn vĩ mô và ngược lại, giải pháp ổn định vĩ mô có thể kìm hãm tăng trưởng, buộc người lái phải ưu tiên lựa chọn.
Ngày 24/2/2011, hơn 1 tháng sau Đại hội Đảng XI nhiệm kỳ 2011-2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP. Trong bối cảnh “giá cả tăng cao, tăng nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô”, chỉ số giá tiêu dùng vọt lên mức 2 con số và gây ra những tác động tai hại, Nghị quyết xác định tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.
Và kể từ đó, suốt một thời gian dài cho đến tận gần đây, hầu như Nghị quyết phiên họp nào của Chính phủ cũng nhắc tới ổn định vĩ mô như một yêu cầu tiên quyết và nền tảng không được phép lơ là.
Mặt khác, chúng ta cũng không thể “hi sinh” hoàn toàn tăng trưởng và trên thực tế, Chính phủ đã có những nỗ lực rất lớn để đạt mức tăng trưởng cao nhất trong chừng mực có thể mà không ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định vĩ mô.
Kết quả là sau khi xuống đến mức thấp nhất trong năm 2012 (5,25%), mũi tên tăng trưởng trong biểu đồ bắt đầu hướng lên, đạt 5,42% trong năm 2013. Năm 2014 này, mức tăng trưởng từ 5,8 đến xấp xỉ 6% đã nằm trong tầm tay và năm 2015 dự báo có thể đạt 6,2%, xấp xỉ mức 6,24% của năm 2011.
Trong khi đó, ở chiều hướng ngược lại, lạm phát đã giảm dần một cách ấn tượng suốt từ năm 2012 đến nay và năm 2014 nhiều khả năng sẽ chỉ ở mức 4%. Cùng với đó là lãi suất giảm dần, dự trữ ngoại hối tăng cao…
Vẫn còn đó nhiều vấn đề, nhưng hiển nhiên là tình thế đã không còn “căng dây đàn” như vài năm trước. Nhiều chuyên gia đồng thuận cho rằng ổn định vĩ mô chính là thành tựu ấn tượng, rõ ràng và bền vững nhất trong thời gian qua. Quan trọng hơn nữa, niềm tin vào sự ổn định đã được củng cố vững chắc.
Vậy, nên đánh giá thế nào về kết quả xử lý mối quan hệ giữa ổn định vĩ mô và tăng trưởng trong thời gian qua? Có lẽ, cách tốt nhất là đặt trong bối cảnh đã nói ở trên và trong tương quan với mục tiêu đặt ra.
Dù cách diễn đạt có chỗ khác nhau, nhưng về cơ bản, chủ trương chung được Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội và Chính phủ xác định từ năm 2011 là: Trong năm 2011 và những năm đầu của kế hoạch 5 năm, tập trung ưu tiên hàng đầu cho việc ổn định kinh tế vĩ mô, không quá câu thúc bởi mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GDP năm 2011 cao hơn năm 2010 để tránh tạo ra lạm phát cao, tiến tới ổn định một bước vững chắc hơn về kinh tế vĩ mô vào cuối năm 2013; những năm sau có điều kiện sẽ tăng trưởng cao hơn.
Như vậy, về cơ bản chúng ta đã đạt được mục tiêu tổng quát, đúng theo chiều hướng đã đề ra. Chúng ta đã quay trở lại đà tăng trưởng của đầu giai đoạn, nhưng với sự ổn định vĩ mô vững chắc hơn nhiều. Cái vòng luẩn quẩn “tăng trưởng-lạm phát-chống lạm phát-giảm tăng trưởng…” đã được chặn và khó có thể trở lại. Các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều dự báo xu hướng tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tăng dần từ nay đến năm 2016.
Những lời kêu ca, phàn nàn về “sức khỏe” của doanh nghiệp, những lo ngại về tốc độ tăng trưởng chưa được như mong muốn trong thời gian qua là có lý, nhưng những khó khăn của doanh nghiệp và của tăng trưởng chính là “vị đắng” của “liều thuốc” ổn định vĩ mô được chỉ định để nền kinh tế trở lại bình thường. Không còn lựa chọn nào khác.
Mục tiêu trước mắt và tầm nhìn xa
Phải thấy rằng trong những năm đầu của kế hoạch 5 năm, cơ quan điều hành cũng đã quan tâm thực hiện nhiệm vụ trung và dài hạn nhưng kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu. Lý do là những mục tiêu ngắn hạn, cụ thể là ổn định vĩ mô và tăng trưởng qua từng năm, đã chiếm rất nhiều thời gian, công sức và nguồn lực.
Chỉ từ đầu năm 2014, khi tình hình dần trở lại trạng thái ổn định, việc hoạch định chính sách ở cấp cao nhất mới có thể dồn lực cho đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế, cho những nhiệm vụ trung và dài hạn.
Mặt khác, chỉ sau khi Hiến pháp mới được ban hành vào cuối năm 2013 thì nhu cầu đẩy mạnh cải cách thể chế kinh tế mới có khung khổ pháp lý để trở thành hiện thực trong thực tế.
“Làn sóng đổi mới lần hai” được nhiều chuyên gia đề cập khi nói về những cải cách đã được Chính phủ phát động với Thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được phát đi vào ngày đầu tiên của năm 2014.
Khẳng định những bước phát triển vượt bậc của đất nước ta đều gắn liền với những đổi mới có tính quyết định về thể chế, Thông điệp chỉ rõ: “Động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển. Đây là lúc chúng ta cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Nguồn động lực đó phải đến từ Đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân”.
Thông điệp đã đưa ra những quan điểm mới mẻ về vai trò của Nhà nước kiến tạo phát triển, về giới hạn của những việc mà Nhà nước cần làm và nên làm, những việc mà xã hội và thị trường làm tốt hơn Nhà nước, về quyền làm chủ của người dân, về cạnh tranh bình đẳng, về việc lấy chuẩn mực quốc tế trong cuộc ganh đua toàn cầu…
Và thực hiện đúng cam kết trong Thông điệp, trong suốt năm 2014, Chính phủ và Thủ tướng đã không ngừng nghỉ đưa ra những giải pháp đột phá thể chế kinh tế.
Có thể nhắc đến ở đây việc ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực quốc gia với cách làm mới; đó là việc trình Quốc hội sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… theo hướng bảo đảm thực thi quyền tự do kinh doanh đã được hiến định.
Đó là việc Thủ tướng đích thân đối thoại với hàng trăm doanh nghiệp tư nhân, sau đó, làm việc với từng bộ, ngành để thúc đẩy cải cách và tại đây, ông đã nhắc đi nhắc lại yêu cầu đổi mới, “không thể nghĩ như cũ, làm như cũ nữa”. Một phát ngôn điển hình của ông khi làm việc với Bộ Công Thương: “Chúng ta phải sửa đổi vì cuộc sống đòi hỏi, phải sửa vì thực tiễn cuộc sống đã phát triển và vượt qua tất cả các quy định cũ của chúng ta”.
Nói như TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Chính phủ đã xác quyết rằng có một cách khác tốt hơn để thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng hơn thế, cải cách thể chế còn là lời giải cho hàng loạt câu hỏi nóng bỏng về những khó khăn hiện tại của nền kinh tế, mà bấy lâu chúng ta “loay hoay” mãi không tìm được lời giải trong khuôn khổ cũ.
Những câu hỏi ở thì hiện tại, nhưng có thể tin câu trả lời được khởi động trong 2 năm cuối của nhiệm kỳ này sẽ có giá trị bền vững.
TIN KHÁC
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu: VCCI vạch ra nhiều bất cập(31/07/2024)