Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT với xăng dầu: Còn đợi Quốc hội họp
11:41 CH @ Chủ Nhật - 03 Tháng Bảy, 2022

Nếu như việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chỉ cần Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp, thì việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng với xăng dầu phải chờ Quốc hội quyết.

Bộ Tài chính cho biết đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu nhằm góp phần giảm giá mặt hàng xăng dầu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế.

Chưa thể giảm ngay thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng với xăng, dầu do thuộc thẩm quyền Quốc hội

Cùng với giải pháp điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31/12/2022 và giải pháp điều chỉnh giảm mức thuế suất MFN, việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng sẽ góp phần kiềm chế giá xăng dầu trong nước.

Thế nhưng, việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu chỉ cần Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp và sẽ quyết sớm, thì việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng với xăng dầu phải chờ Quốc hội quyết.

Theo quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt thì chỉ thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, không thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu các loại. Mức thuế suất thuế têu thụ đặc biệt đối với xăng là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%. Luật thuế TTĐB không quy định giảm thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo Bộ Tài chính, thuế tiêu thụ đặc biệt là sắc thuế gián thu, đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng vì có hại cho sức khỏe (thuốc lá, rượu, bia,...), ảnh hưởng đến môi trường và cần tiêu dùng tiết kiệm (xăng gốc hóa thạch) hoặc hàng hóa, dịch vụ cao cấp cần điều tiết thu nhập (ô tô, máy bay, du thuyền, chơi gôn,...). Xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo cần phải sử dụng tiết kiệm nên theo thông lệ quốc tế luôn thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB.

Tại Việt Nam, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đã quy định xăng thuộc đối tượng chịu thuế từ năm 1999.

Tại Khoản 4 Điều 70 Hiến pháp năm 2013 quy định Quốc hội có nhiệm vụ và quyền hạn như sau: “4. Quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế;...”

Do đó, về thẩm quyền, việc thực hiện điều chỉnh đối với thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định và thường không thể áp dụng ngay.

Điều này cũng tương tự với thuế giá trị gia tăng.

Theo Bộ Tài chính, pháp luật thuế giá trị gia tăng không có quy định giảm thuế, miễn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT mà chỉ quy định áp dụng thuế GTGT theo hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT với 3 mức thuế suất, trong đó quy định áp dụng mức thuế suất 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; mức thuế suất 5% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như nước sạch, sản phẩm nông nghiệp và mức thuế suất 10% đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ chịu thuế còn lại. Mặt hàng xăng dầu đang chịu mức thuế GTGT 10% tương tự như nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ khác.

Về thẩm quyền, việc thực hiện điều chỉnh đối với thuế GTGT thuộc thẩm quyền của Quốc hội nên phải trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Trước đây, khi trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022, Chính phủ đã trình giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đối với các hàng hóa thuộc diện chịu thuế 10%, trong đó có mặt hàng xăng. Tuy nhiên, Quốc hội đã quyết định không giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trong đó có mặt hàng xăng) và dầu mỏ tinh chế.

Quốc hội họp thường lệ mỗi năm hai kì, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập.

Trong trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường. Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập kỳ họp Quốc hội (Điều 83 Hiến pháp năm 2013).

Nguồn: