Đây là ý kiến của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan - thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng và ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - khi bình luận về việc chi phí nhiên liệu vận tải giảm gần 40% nhưng các doanh nghiệp vận tải vẫn trây ỳ không giảm giá, bất chấp dư luận phản đối gay gắt, thậm chí bức xúc gắn mác “móc túi người tiêu dùng”.
Nhiều hãng xe khách chưa giảm giá vé, dù giá xăng dầu đã giảm sâu.
Theo bà Phạm Chi Lan, khi giá xăng mới giảm vài lần đầu (5-6 lần đầu), mức giảm tương đối ít, đối với các hãng taxi, điều chỉnh giá ngay cũng là khó với họ. Việc điều chỉnh giá taxi không như điều chỉnh giá xăng dầu, công bố là có thể áp dụng được ngay, taxi còn phải thay đổi toàn bộ biểu cước, đồng hồ tính cước trên từng xe, điều đó gây ra mất thời gian và tốn kém chi phí nhất định cho các hãng. Ngoài ra, nếu như giá xăng dầu giảm ở mức độ ít (vài trăm đồng/lần) điều đó có thể chưa đủ để các hãng taxi bù đắp chi phí của việc điều chỉnh, do đó họ chưa thể điều chỉnh giá ngay được.
“Cũng phải thông cảm một điều, ở nước ta lâu nay khi tăng giá thì bao giờ cũng tăng rất nhanh, tăng nhiều, các hãng taxi thì không phải lúc nào cũng tăng lên theo được. Giảm giá thì hay giảm chậm so với giá bên ngoài, mức độ giảm ít hơn, nên tạo ra cái dễ dàng tăng lên hơn là giảm xuống” - bà Lan chia sẻ.
Đối với việc chưa giảm giá cước vận tải, theo bà Lan, nguyên nhân cốt lõi có thể do các hãng còn đang “nhìn nhau”, trông chừng “đối thủ”, chính vì vậy chưa hãng nào muốn làm người tiên phong, sợ các hãng khác phản ứng.
Đáng chú ý, theo bà Lan, Hiệp hội Vận tải đóng vai trò rất kém. Họ hoàn toàn có thể ngồi bàn lại với nhau, giữa các nhóm, các loại xe… đưa ra mức sàn, sau đó các hãng có thể tính toán, cân đối giảm dưới mức sàn.
“Đáng lẽ hiệp hội nên làm như vậy. Tôi cho rằng, giữa các hãng taxi có sự liên kết với nhau chưa chịu giảm giá. Khi nâng giá cước, ban hành các chính sách có lợi cho DN vận tải, hiệp hội làm rất nhanh nhưng khi động đến quyền lợi của các DN trong hiệp hội, họ lại lờ đi không thực hiện vai trò của mình” - bà Lan thẳng thắn bày tỏ.
Ngoài ra, theo bà Lan, ở đây còn có trách nhiệm của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD). “Tôi không thấy có tiếng nói nào từ họ, từ trước đến nay vai trò của Hội Bảo vệ quyền lợi NTD rất yếu, thể hiện qua các đợt tăng giá sữa, xăng dầu, cước vận tải, họ rất ít lên tiếng mạnh mẽ để bảo vệ NTD. Mà NTD đơn lẻ thì lấy sức đâu mà lên tiếng được” - bà Lan nói.
Để giám giá cước, cơ quan quản lý nhà nước có thể tăng thuế vận tải lên, các hãng taxi lãi nhiều thì phải đóng thuế cao hơn, đây cũng là cách cảnh báo đối với các hãng chưa chịu giảm giá - Bà Lan đưa ra biện pháp.
Còn theo ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - có 3 lý do để dẫn tới tình trạng giá xăng giảm mạnh mà giá cước trây ỳ không giảm. Lý do thứ nhất thuộc về DN vận tải đã không thực hiện đúng quy định của Luật Giá là khi các yếu tố hình thành giá có thay đổi thì phải điều chỉnh theo, nhưng họ vì mục tiêu lợi nhuận nên trây ỳ, thậm chí còn liên minh với nhau để giữ giá, viện dẫn những lý do không hợp lý như xăng dầu giảm mỗi lần ít quá, cần quy trình tính toán xem xét đăng ký giá, thủ tục kê khai giá kéo dài… Như vậy, khi giá xăng tăng, thì họ kêu gọi NTD chia sẻ, còn khi giá giảm thì họ phớt lờ. Đấy không chỉ là hành vi gian lận về giá, mà còn là gian lận thương mại. Suy cho cùng, đó là đạo đức kinh doanh của DN trong cơ chế thị trường.
Lý do thứ hai là công tác điều tra, kiểm soát chấp hành pháp luật về giá và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của cả hệ thống chưa được tiến hành thường xuyên, kịp thời, liên tục. Những trường hợp sai phạm không bị công khai danh tính nên DN “nhờn”. Lý do thứ ba là chưa có cơ chế cụ thể, có hiệu quả để phát huy quyền của NTD, có tiếng nói có trọng lượng để bảo vệ quyền lợi của mình. NTD khi phát hiện dịch vụ, hàng hóa có giá cao, có thể tố cáo, khởi kiện theo quy định của Luật Bảo vệ NTD, thậm chí tẩy chay các DN, hàng hóa, dịch vụ cứ neo giá cao khi giá đầu vào giảm. Hội bảo vệ quyền lợi NTD cần phát huy mạnh hơn nữa vai trò của mình trong phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về lập phương án giá hàng hóa dịch vụ… để bảo vệ NTD.
Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2014, triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2015 ngày 19.1, khi Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chỉ rõ sự lộn xộn của giá cước vận tải thời gian qua, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh thừa nhận tình trạng này. Tuy nhiên, ông Thanh đã không đề cập đến việc phải làm sao để chính các thành viên trong hiệp hội thực hiện nghiêm túc việc điều chỉnh giá cước vận tải cho phù hợp, trong bối cảnh hiện khá nhiều DN giảm giá nhỏ giọt thì ở TPHCM và Hà Nội, các đơn vị vận tải đã tăng phụ thu, trợ giá dịp Tết Nguyên đán. Trước câu hỏi của PV Báo Lao Động về việc giá cước giảm không đồng đều giữa các DN vận tải, đồng thời cũng có không ít đơn vị vẫn bình chân như vại trước việc giá xăng dầu đã giảm sâu, ông Thanh đã từ chối trả lời. |
TIN KHÁC
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu: VCCI vạch ra nhiều bất cập(31/07/2024)