Trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng đột biến, giá xăng dầu trong nước tăng cao kỷ lục, việc Chính phủ cân nhắc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này trở nên cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết.
Mua bán xăng tại cửa hàng trên đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ kìm được giá xăng, góp phần kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tối đa phục hồi kinh tế.
Giảm thuế để kìm giá xăng
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu liên Bộ Tài chính - Công Thương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu. Quan điểm của ông như thế nào về thông tin này?
- Tôi cho rằng đây là giải pháp cần thiết và cấp bách trước những “cú sốc” hiện tại. Đó là tình hình chiến sự tại Ukraine căng thẳng làm cho giá dầu thế giới tăng đột biến và nguồn cung dầu hỏa của OPEC đang giảm mạnh so với cầu hiện nay. Hai yếu tố này cộng hưởng làm cho giá xăng dầu thế giới tăng mạnh. Nếu Chính phủ không can thiệp thì giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục tăng phi mã. Khi giá xăng dầu tăng sẽ tác động kéo theo hàng loạt các loại giá cả hàng hóa, dịch vụ khác tăng.
Mặt khác, nếu thời gian tới tình hình chiến sự tại Ukraine và nguồn cung dầu hỏa của OPEC được cải thiện thì giá dầu thế giới sẽ giảm xuống. Lúc đó, giá xăng dầu trong nước sẽ giảm nhưng giá các loại hàng hóa, dịch vụ khác sẽ không giảm theo. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân và DN, tạo thêm khó khăn cho họ trong bối cảnh vốn dĩ đã phải chịu hệ quả nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra. Do đó, Chính phủ cần khẩn trương can thiệp giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu, trong đó có thuế bảo vệ môi trường. Tôi cho rằng đây là quyết sách đúng đắn và kịp thời.
Liệu đây có phải là biện pháp kìm hãm giá xăng dầu khả quan nhất trong bối cảnh thị trường xăng dầu trong nước đang có những dấu hiện bất ổn?
- Đúng vậy! Điều tôi muốn nhấn mạnh là khi giá xăng dầu đang ở mức kỷ lục và với tình hình chính trị thế giới phức tạp, mặt hàng này còn nguy cơ tăng tiếp thì câu chuyện cắt giảm thuế, phí với xăng dầu càng trở nên cấp bách. Mặt khác, giá xăng dầu tăng phi mã hiện nay còn là yếu tố tạo áp lực đến lạm phát trong thời gian tới.
Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần nghiên cứu, đề xuất sớm nhất có thể để trình Chính phủ và Quốc hội kiến nghị về việc giảm thuế môi trường với mặt hàng thiết yếu này. Giá xăng dầu tăng quá cao sẽ cản trở mọi nỗ lực của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, việc hạ thấp thuế môi trường đối với xăng dầu cần phải được tính toán một cách kỹ lưỡng, chẳng hạn như giảm bao nhiêu phần trăm và thời hạn ra sao…
Cũng cần phải nói thêm là theo báo cáo của Liên Bộ Công Thương - Tài chính thì Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang cạn kiệt, không còn dư địa để giảm giá xăng. Vì vậy, chỉ còn lại dư địa giảm thuế bảo vệ môi trường và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt. Do đó, Chính phủ có thể xem xét đến công cụ này để hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước. Thực tế, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đang ở mức tương đối cao và nặng nhất trong các loại thuế, phí. Nếu giảm được thuế này thì sẽ kìm được giá xăng, góp phần kiểm soát và ổn định được lạm phát.
Giảm thuế tối đa đi đôi với kiểm soát chặt thị trường
Vậy theo ông giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu ở mức bao nhiêu là hợp lý?
- Hiện nay mức thuế bảo vệ môi trường là 4.000 đồng/lít xăng, đây là mức thuế cao đối với mặt hàng thiết yếu. Theo tôi, Chính phủ cần xem xét giảm tối đa đối với mức thuế này. Và giảm cho tới khi tình hình chiến sự ở Ukraine và nguồn cung dầu hỏa của OPEC được cải thiện, khi giá dầu thế giới ổn định thì có thể xem xét điều chỉnh tăng trở lại nmức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong nước.
Cũng cần phải nói thêm, chắc chắn Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá kỹ lưỡng về những tác động của chính sách này. Bởi, trong gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã có chính sách giảm thuế tới 64.000 tỷ đồng. Đây cũng sẽ là bài toán khó đối với Liên Bộ Tài chính - Công Thương bởi phải tính toán, đặt lên bàn cân để sao cho vừa đảm bảo được chính sách tài khoá, vừa đảm bảo được bình ổn thị trường xăng dầu.
Nhiều ý kiến lo ngại sau giảm thuế bảo vệ môi trường, giá xăng dầu trong nước sẽ thấp hơn so với một số quốc gia trong khu vực. Khi đó sẽ phát sinh hành vi buôn lậu xăng dầu ra nước ngoài. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
- Giải pháp nào cũng có tính chất hai mặt nhưng chúng ta nên chọn mặt nào tốt nhất cho xã hội. Còn vấn đề buôn luận xăng dầu rất khó tránh khỏi. Để ngăn chặn kịp thời, hiệu quả, cơ quan quản lý Nhà nước phải tăng cường kiểm soát thị trường, kiểm soát buôn bán hàng hóa qua biên giới và xử phạt nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm nhằm tăng sức răn đe.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là phương án tối ưu nhất ở thời điểm này để bình ổn thị trường xăng dầu trong bối cảnh hỗ trợ nền kinh tế đang đà phục hồi hiện nay. Tôi tin rằng, mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng thiết yếu này sẽ được Chính phủ và Quốc hội xem xét, điều chỉnh phù hợp để tránh tình trạng chồng chéo cũng như chia sẻ với người dân, DN nỗ lực phục hồi, thích nghi với điều kiện bình thường mới.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân
TIN KHÁC
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu: VCCI vạch ra nhiều bất cập(31/07/2024)