Mặc dù JX Nippon Oil & Energy đã mua được 8% cổ phần của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), nhưng Dự án Lọc hóa dầu Nam Vân Phong vẫn chưa dễ đẩy nhanh nhờ bán cổ phần.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Petrolimex cho hay, Petrolimex bán cổ phần cho JX Nippon Oil & Energy đến từ Nhật Bản thông qua phương thức phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Hiện HĐQT Petrolimex đã có nghị quyết bất thường thông qua việc bán cổ phần cho cổ đông chiến lược, đồng thời giới thiệu ông Hitoshi Kato, Phó chủ tịch Bộ phận phát triển kinh doanh, khu vực Đông Nam Á của JX Nippon & Energy tham gia HĐQT Petrolimex. Được biết, 8% vốn điều lệ này tương đương với 103.528.476 cổ phiếu. Thương vụ này cũng được JX Nippon Oil & Energy loan báo có trị giá 20 tỷ yên, tương đương 183 triệu USD.
Vào cuối năm 2014, JX Nippon Oil & Energy cùng Petrolimex đã ký thỏa thuận chiến lược, mở đường cho đối tác Nhật Bản tham gia đầu tư Dự án Lọc hóa dầu Nam Vân Phong và thị trường bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam. Nhà đầu tư này cũng từng cho biết, tiềm năng tiêu thụ lớn và việc mở cửa đầu tư nước ngoài ở Việt Nam và Indonesia đã thu hút sự quan tâm của họ.
Nhưng hiện vẫn chưa thể xác định được thời điểm triển khai Dự án Lọc hóa dầu Nam Vân Phong. Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư về “tính khả thi của Dự án ở thời điểm hiện nay”, ông Bảo cho hay, quy mô của Dự án được xác định khoảng 6 -7 tỷ USD. Tuy nhiên, Petrolimex đang rà soát và đánh giá thật kỹ thị trường cùng khoản đầu tư bởi dự án có hiệu quả mới đầu tư.
“Đây cũng là quan điểm từ trước tới nay của Petrolimex, chứ không phải chuyển thành công ty cổ phần mới suy nghĩ vậy. Đầu tư bằng vốn của mình và đi vay nên không hiệu quả sẽ không ai cho vay”, ông Bảo nói và cho biết, JX Nippon Oil & Energy rất mong muốn và cam kết tham gia đầu tư Dự án Lọc hóa dầu Nam Vân Phong với tư cách là cổ đông chính của dự án.
Dẫu vậy, điểm khiến Dự án chưa thể đẩy nhanh được tiến độ chính là việc thảo luận các ưu đãi cho Dự án, cho nhà đầu tư.
Theo ông Bảo, Petrolimex là doanh nghiệp Việt Nam và sẽ là bất bình đẳng nếu Dự án mà Petrolimex đầu tư không được hưởng ưu đãi như các dự án lọc dầu của nhà đầu tư đến từ các nước khác. “Chúng tôi đề nghị Dự án Lọc hóa dầu Nam Vân Phong có cùng một mặt bằng ưu đãi như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hay Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, không thể phân biệt và chỉ tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam”, ông Bảo nói.
Hiện Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã đi vào hoạt động từ lâu và Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang xây dựng với mục tiêu giữa năm 2017 đi vào vận hành thương mại. Do đây là hai dự án đầu tiên trong lĩnh vực lọc hóa dầu nên các ưu đãi mà Chính phủ Việt Nam dành cho nhà đầu tư cũng khá hấp dẫn. Đó là trong 10 năm đầu vận hành thương mại được áp dụng mức giá bán buôn tại cổng nhà máy là giá nhập khẩu cộng thuế nhập khẩu 7% với các sản phẩm lọc dầu, 5% cho LPG và 3% với các sản phẩm hóa dầu. Trường hợp khi các mức thuế nhập khẩu xăng dầu thấp hơn các mức 7% - 5% và 3% nói trên, Nhà nước sẽ bù phần chênh lệch này.
Ngoài ra, các dự án này cũng được hỗ trợ nhất định về cơ sở hạ tầng. Tại Khu kinh tế Dung Quất, ngân sách nhà nước đã chi hàng ngàn tỷ đồng để đầu tư đường giao thông trong khu vực và người được hưởng lợi trực tiếp là Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Tại Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, có khoảng 230 triệu USD được phía Việt Nam bỏ ra để hỗ trợ đền bù, di dân, san lấp mặt bằng, phục vụ triển khai dự án.
Còn nhớ tại siêu Dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội quy mô gần 30 tỷ USD, các nhà đầu tư Thái Lan đã đề nghị ngoài các ưu đãi đầu tư hiện hành dành cho Khu kinh tế Nhơn Hội cần phải bổ sung thêm nhiều ưu đãi, nhằm gia tăng hiệu quả cho Dự án. Trong đó, đáng chú ý là đề nghị được miễn tiền thuê đất trong vòng 70 năm; được hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% với thời hạn 30 năm, trong đó 13 năm đầu được miễn thuế.
Trong 13 năm đầu vận hành thương mại, Dự án muốn được áp dụng mức giá bán buôn tại cổng nhà máy là giá nhập khẩu cộng thuế nhập khẩu 7% với các sản phẩm lọc dầu, 5% cho LPG và 3% với các sản phẩm hóa dầu. Đồng thời, nhà đầu tư này còn muốn được bù phần thuế chênh lệch như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn được hưởng, khi chính sách thuế xăng dầu thay đổi.
Ngoài ra, Dự án Lọc hóa dầu Nhơn Hội còn đề nghị Chính phủ Việt Nam hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, bao gồm san lấp mặt bằng, thu hồi đất, đê điều và đường tránh, di dời dân cư và các nhà máy hiện tại, bố trí cảng biển cho Dự án, mở rộng cảng Quy Nhơn, đầu tư đường và cầu dẫn tới cảng, bảo đảm nguồn nước.
Tuy nhiên tất cả các ưu đãi vượt khung, trong đó có những ưu đãi về thuế mà Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hay Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang được hưởng đều không nhận được sự đồng tình của nhiều cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Công thương, Bộ Tài chính. Thậm chí, đề xuất bảo lãnh đối với nghĩa vụ của đối tác Việt Nam tham gia Dự án (nếu có) cũng không nhận được cái gật đầu từ Bộ Công Thương.
TIN KHÁC
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu: VCCI vạch ra nhiều bất cập(31/07/2024)