Đóng góp ngân sách từ thuế của các doanh nghiệp lớn đang chiếm tỷ trọng khá, trong đó có lĩnh vực viễn thông và ngân hàng.
Nguồn thu trong nước, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn, kinh doanh hiệu quả là cứu cánh cho ngân sách trong năm 2016.
Năm 2015 chứng kiến sự lao dốc của giá dầu thô thế giới, giảm mạnh từ 100 USD xuống 56,2 USD mỗi thùng, khiến phần đóng góp của ngành này chỉ còn chiếm 6% trong tổng thu.
Theo đó, tổng thu từ dầu thô năm 2014 là 107.000 tỷ đồng đã giảm còn 66.000 tỷ đồng trong 2015, chỉ bằng khoảng 67% so với dự toán - mức thấp hơn cả phần nợ đọng thuế (76.000 tỷ đồng). Bộ Tài chính dự tính, thu từ dầu khí có thể sẽ còn giảm xuống sâu hơn nữa, do đó, cơ quan này đã lên phương án ngân sách cho giá dầu ở mức 30 USD mỗi thùng.
Khó khăn của ngân sách trong năm 2015 và dự kiến năm 2016 có một phần nguyên nhân từ các khoản thu dầu khí. Và nỗi lo thu ngân sách Nhà nước không đủ chi thường xuyên và trả nợ trước đó đã được Chính phủ đề cập. Bên cạnh đó, nguồn thu từ khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) năm qua cũng không như kỳ vọng, chỉ đạt 128.000 tỷ đồng, bằng gần 90% so với dự toán.
Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn về kinh tế trong nước cũng như diễn biến giá nước ngoài, thu ngân sách Nhà nước cả năm 2015 vẫn cán đích ngoạn mục khi vượt chỉ tiêu tới gần 86.000 tỷ đồng so với kế hoạch.
Lý do là bởi có sự tăng tốc về nguồn thu sử dụng đất đạt 54.200 tỷ đồng, bằng gần 140% dự toán và đóng góp ngân sách từ thuế của các doanh nghiệp lớn, trong đó có lĩnh vực viễn thông và ngân hàng.
Theo bảng xếp hạng V1.000 năm 2015 - 1.000 Doanh nghiệp nộp thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam do Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp Tạp chí Thuế (Tổng cục Thuế) tổ chức, tổng số tiền thuế mà các doanh nghiệp đã nộp trong 2014 đạt 80.000 tỷ đồng. Riêng top 100 doanh nghiệp đóng góp khoảng hơn 50.000 tỷ đồng.
Viettel là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về số đóng góp ngân sách Nhà nước. Theo đó, năm 2014, Viễn thông quân đội đóng góp tới 15.000 tỷ đồng, bằng 1/3 tổng số thuế thu được từ 100 doanh nghiệp đứng đầu. Đến 2015, số tiền mà Viettel tiếp đóng ngân sách đạt mức 37.300 tỷ đồng (gần 1,7 tỷ USD), gấp 2,5 lần so với năm trước đó.
Một số doanh nghiệp khác có đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước trong năm 2015 như Mobifone 6.900 tỷ đồng, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) khoảng 4.300 tỷ đồng. Ngành ngân hàng có một số cái tên nổi bật như Vietcombank là 2.200 tỷ đồng, BIDV gần 2.000 tỷ đồng...
Số liệu từ hoạt động thu chi ngân sách 2 tháng đầu năm nay của Bộ Tài chính tiếp tục cho thấy những tác động của giá dầu ảnh hưởng tới ngân sách Việt Nam. Theo đó, thu từ dầu thô trong tháng 2 ước đạt 2.700 tỷ đồng. Lũy kế 2 tháng đầu năm, ngân sách thu từ dầu thô 5.700 tỷ đồng, bằng 43% so với cùng kỳ năm 2015.
Tuy nhiên, tổng thu ngân sách sau 2 tháng đầu năm, theo báo cáo của Bộ Tài chính, vẫn tăng nhẹ 2,4% so với cùng kỳ khi đạt hơn 160.000 tỷ đồng do thu nội địa tăng gần 13%. Giá dầu lao dốc đã giúp chi phí đầu vào của các doanh nghiệp giảm, nhờ vậy kết quả kinh doanh khởi sắc hơn, đẩy số thu nội địa tăng lên.
Trước đó, hồi tháng 2, tại Hội nghị triển khai ngành thuế lãnh đạo Bộ Tài chính cũng thừa nhận, năm nay ngân sách trung ương có thể hụt thu 50.000 tỷ đồng vì giá dầu. Tuy nhiên, Bộ này cho biết nguồn thu này sẽ chuyển dịch sang ngân sách địa phương (do giá đầu vào hàng hóa giảm).
Trong báo cáo kinh tế thường niên 2016 do Viện trưởng viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố cũng đề cập nguồn thu ngân sách từ dầu thô, doanh nghiệp FDI và thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu đã giảm xuống mức thấp trong năm 2015 và dự kiến sẽ còn giảm thêm vào năm 2016. Nguyên nhân do xu hướng giá nhiên liệu thế giới và các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực.
“Nguồn thu ngân sách từ các khoản ngắn hạn như nhà đất, thuế, phí tăng nhanh để đáp ứng vào nhu cầu chi của ngân sách, do đó, phụ thuộc rất lớn vào chính sức khỏe của nền kinh tế trong nước cũng như đóng góp thuế từ các doanh nghiệp lớn”, báo cáo này nêu rõ.
Trước đó, Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cũng nhận định thu từ đất đai, tài nguyên có hạn, dầu thô cũng khó là cứu tinh trong tương lai. Vì vậy, nền kinh tế cần tự lực để có được nhiều doanh nghiệp lớn, đóng góp lớn, giúp ngân sách tự lực. Mọi nền kinh tế đều trông vào doanh nghiệp để thu ngân sách. Doanh nghiệp có doanh số, lợi nhuận, có trả lương thì mới thu được thuế.
TIN KHÁC
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu: VCCI vạch ra nhiều bất cập(31/07/2024)