Dự thảo lần 3 Nghị định kinh doanh xăng dầu Bộ Công Thương gửi Bộ Tư pháp thẩm định với nhiều điểm mới.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh đã có những đóng góp ý kiến với Dự thảo Nghị định này.
Trong Dự thảo lần 3 Nghị định kinh doanh xăng dầu cơ quan soạn thảo đã đưa ra nhiều quy định mới như cho phép doanh nghiệp tự tính toán và công bố giá bán lẻ, dựa trên các chi phí cố định đã được nhà nước công bố. Quan điểm của ông về vấn đề này là gì?
Việc này cũng tốt và phù hợp, về cơ bản nếu nhà nước cho phương pháp, định mức, thì doanh nghiệp cứ căn cứ vào đấy để tự tính toán, để mức giá cả không có mức biến động quá lớn.
Với thị trường xăng dầu trong nước, việc dần dần cho doanh nghiệp tự chủ trong việc kinh doanh mua bán xăng dầu theo cơ chế thị trường sẽ là bài toán mà cơ quan quản lý phải tính đến và phải có bước chuyển tiếp dần dần. Trong các bước chuyển tiếp này, có lẽ việc cho các doanh nghiệp tính toán và công bố giá bán lẻ trong giới hạn quy định cũng là điều cần thiết.
Dư luận cũng hơi lo lắng về vấn đề này, vấn đề kia. Tuy nhiên, nếu không có những bước đệm như thế này, thì thị trường khó có thể tiến tới kinh tế thị trường.
Thị trường xăng dầu các nước vẫn song song hai vai, nhà nước vẫn điều chỉnh và quản lý nhưng vẫn để xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường. Xăng dầu là một trong những mặt hàng thiết yếu. Nếu chúng ta buông lỏng quản lý sẽ gây nguy cơ rất lớn.
Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cũng được cơ quan quản lý đề xuất đưa về ngân sách nhà nước quản lý và sẽ không chi như hiện nay mà chỉ sử dụng khi thị trường có biến động bất thường. Ông đánh giá như thế nào về đề xuất này?
Về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đối với các quốc gia có thể có các cách thức khác nhau, nhưng với Việt Nam hiện nay, chúng ta chưa có gì có thể thay thế nó trong việc điều chỉnh giá xăng dầu theo yêu cầu của Nhà nước. Do đó, việc bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu là không thể, nhưng quản lý nó như thế nào thì đây lại là vấn đề. Nếu như đưa về Nhà nước quản lý thì sẽ có những lợi thế như chặt chẽ hơn, tốt hơn, rõ ràng, minh bạch hơn. Sẽ không xảy ra tình trạng nhập nhèm của các thương nhân đầu mối xăng dầu như trước nữa.
Tuy nhiên, việc này cũng có cái khó khi đặt trọng trách nên vai của nhà nước. Do đó, cùng với đề xuất này, cơ quan soạn thảo cần có những nghiên cứu để có cơ chế quản lý, giám sát Quỹ này chặt chẽ hơn, đảm bảo việc sử dụng Quỹ một cách hợp lý, hiệu quả.
Đối với với thương nhân phân phối, Bộ Công Thương tiếp tục đề xuất nhóm này chỉ được mua xăng dầu từ đầu mối, không được mua bán xăng dầu lẫn nhau. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Việc này là đúng, đặc biệt khi chúng ta phát triển các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu độc lập. Các thương nhân chỉ mua ở đầu mối và bán cho các doanh nghiệp chứ không được mua đi bán lại với nhau nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn hàng, bảo vệ cho người tiêu dùng và bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Xin cảm ơn ông!
TIN KHÁC
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu: VCCI vạch ra nhiều bất cập(31/07/2024)