Do cơ quan quản lý sử dụng mức thuế nhập khẩu cao để tính giá cơ sở nên người tiêu dùng bị thiệt khi phải mua xăng giá cao. Ảnh: Uyên Viễn |
Trong những ngày vừa qua, dư luận quan tâm nhiều đến câu chuyện chênh lệch thuế suất nhập khẩu xăng dầu giữa các thị trường nhập khẩu, cụ thể là giữa thị trường Asean và Hàn Quốc, dẫn đến người tiêu dùng trong nước bị thiệt.
Tuy Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã thừa nhận việc chênh lệch này nhưng chưa có sự giải thích rõ ràng. TBKTSG đã nhờ luật sư Nguyễn Hải, chuyên tư vấn về Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và thương mại quốc tế, giải thích thêm về câu chuyện này.
TBKTSG: Hiện nay, thuế suất thuế nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc là 10%, trong khi từ các nước Asean là 20%, vì sao có sự chênh lệch này? Thuế suất 10% được áp dựa trên cam kết quốc tế nào và văn bản pháp luật nào quy định? Tương tự thuế suất 20% là từ đâu?
- Luật sư Nguyễn Hải:Theo lộ trình mở cửa thị trường theo cam kết tại Hiệp định Thương mại về hàng hóa ASEAN gọi tắt là ATIGA thì các mặt hàng xăng thuộc nhóm mã hàng hóa 2710 có thuế suất nhập khẩu là 20%. Thuế suất này được duy trì từ nay cho đến năm 2018.
Trong khi đó, theo cam kết tại Hiệp định Thương mại tự do song phương giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc (VKFTA) ký tháng 5-2015 thì thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhóm hàng này đã giảm về 10% ngay từ đầu năm 2016.
Còn việc áp dụng các mức thuế suất thuế nhập khẩu này được Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể tại các Thông tư số 165/2014/TT-BTC hướng dẫn ATIGA và 201/2015/TT-BTC hướng dẫn VKFTA.
TBKTSG: Ông nhận định thế nào về nguyên nhân dẫn đến những bất cập trong việc điều hành giá xăng dầu trong thời gian gần đây?
- Trước hết cần phải nói rằng thời gian qua có một số thông tin cho rằng việc chênh lệch thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN và từ Hàn Quốc so với mức thuế nhập khẩu đánh lên sản phẩm xăng sản xuất trong nước là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước gặp khó khăn là chưa hoàn toàn chính xác.
Việc gia nhập các FTAs, không chỉ Việt Nam mà bất cứ nước nào cũng phải đối mặt với vấn đề thực tế là một số ngành sẽ hưởng lợi và một số khác sẽ chịu áp lực cạnh tranh gay gắt hơn.
Theo tôi, có hai nguyên nhân thuộc về chính sách đã dẫn đến tình trạng mất cân bằng về điều hành giá xăng dầu trong thời gian qua:
Thứ nhất là quy định về giá bán lẻ xăng dầu không được cao hơn giá cơ sở do liên bộ Công Thương - Tài chính công bố theo Nghị định 83/2014/ND-CP. Trong khi đó, mức thuế để tính định giá cơ sở là mức thuế MFN (thuế nhập khẩu theo cam kết WTO áp dụng cho hàng hóa từ tất cả các thành viên WTO) hiện là 20%. Nếu như trước đây khi chưa có các mức thuế ưu đãi, như theo ATIGA hay VKFTA, việc áp dụng cách tính giá cơ sở như vậy hoàn toàn không có vấn đề gì.
Tuy nhiên, khi có các mức thuế ưu đãi, như ATIGA hay VKFTA, việc tính giá cơ sở như vậy không còn phù hợp nữa. Lấy ví dụ tại thời điểm hiện tại, một doanh nghiệp nhập xăng từ Hàn Quốc sẽ có mức thuế là 10%, trong khi giá cơ sở vẫn được tính căn cứ trên mức thuế MFN là 20%. Như vậy, nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc chắc chắn có lợi hơn so với mua xăng từ Bình Sơn hay nhập từ ASEAN trong thời điểm hiện tại.
Thứ hai là về thuế đánh lên sản phẩm sản xuất trong nước. Cần làm rõ rằng thuế đánh lên xăng dầu sản xuất trong nước không phải là thuế nhập khẩu. Khoản thu mà các doanh nghiệp như Bình Sơn đang phải nộp là khoản thu điều tiết. Theo quy định tại Thông tư số 24/2013/TT-BTC được sửa đổi bởi Thông tư số 177/2013/TT-BTC thì về cơ bản khoản thu điều tiết này được tính trên cơ sở giá bán x (thuế nhập khẩu - mức giá trị ưu đãi), trong đó mức giá trị ưu đãi hiện hành là 7% đối với xăng, 5% đối với LPG và 3% đối với dầu. Như vậy với mức thuế MFN hiện hành là 20%, mức tính khoản thu điều tiết áp dụng cho sản phẩm của Bình Sơn là 13% đối với xăng, cao hơn mức thuế nhập khẩu 10% áp dụng cho xăng nhập từ Hàn Quốc.
Hiện tại tôi được biết các bộ ngành liên quan đang khẩn trương xem xét điều chỉnh các chính sách liên quan để phù hợp với tình hình mới.
TBKTSG: Theo hiệp định GATT, có phải các FTA được xem là ngoại lệ của nguyên tắc tối huệ quốc (MFN)? Và có phải nhờ đó mà các quốc gia có thể ký các FTA song phương với các điều khoản ưu đãi cao hơn, cụ thể là trường hợp Việt Nam đã ưu đãi cho Hàn Quốc thuế suất 10% đối với mặt hàng xăng theo VKFTA, mức ưu đãi cao hơn so với mức thuế suất 20% theo AKFTA (Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc)?
- Các FTAs song phương cũng như đa phương là các ngoại lệ được phép theo quy định tại điều 24 của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại - GATT. Theo đó, ngoài việc khi trở thành thành viên WTO, một quốc gia phải áp dụng mức thuế MFN cho tất cả các thành viên khác trên cơ sở không phân biệt đối xử, hai hoặc nhiều thành viên có thể trao cho nhau mức ưu đãi cao hơn mức MFN thông qua ký kết các FTAs hoặc liên minh thuế quan.
Với bế tắc hiện tại của vòng đàm phán Doha trong việc cắt giảm sâu hơn nữa thuế quan trong khuôn khổ WTO, xu thế chung là các quốc gia có các lợi ích chung trong việc cắt giảm thuế quan đã, đang và sẽ xích lại gần nhau hơn thông qua các FTAs. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia tham gia rất tích cực vào việc đàm phán và ký kết FTAs. Trong năm 2015, ngoài VKFTA, Việt Nam cũng đã ký FTAs với EU, TPP và Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan.
TBKTSG: Theo thông lệ đàm phán FTA, trong trường hợp nào các nhà đàm phán sẽ vận dụng những ngoại lệ này, nhằm những mục tiêu gì? Và những ngoại lệ như vậy có thể dẫn đến những rủi ro nào cho nền kinh tế cũng như các đối tượng thụ hưởng cụ thể, và đâu là những giải pháp để phòng tránh?
- Thông thường cơ sở để đàm phán mức cam kết cho các FTAs là mức cam kết MFN theo WTO. Các quốc gia tham gia FTAs sẽ nỗ lực đàm phán để đưa ra các cam kết cao hơn cam kết MFN để tạo ra lợi thế cho hàng hóa từ các nước tham gia FTAs. Việc đưa ra các mức cam kết ưu đãi thường được thực hiện trên cơ sở có đi có lại, anh nhượng bộ cho tôi dòng thuế này thì tôi nhượng bộ cho anh dòng thuế kia. Lấy ví dụ như TPP, Việt Nam đạt được nhượng bộ thuế quan của Mỹ và các thành viên TPP đối với hàng dệt may (vốn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam) thì ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng phải dành thuế ưu đãi cho xe hơi nhập từ Mỹ và các thành viên TPP.
Việc gia nhập các FTAs, không chỉ Việt Nam mà bất cứ nước nào cũng phải đối mặt với vấn đề thực tế là một số ngành sẽ hưởng lợi và một số khác sẽ chịu áp lực cạnh tranh gay gắt hơn. Do đó, các nước sẽ cân nhắc đàm phán trên cơ sở lợi ích tổng thể quốc gia, phù hợp với chính sách phát triển kinh tế của họ chứ không thể căn cứ trên một hay một số ngành cụ thể. Do đó, điều quan trọng là cần có sự phối hợp, tương tác giữa cộng đồng doanh nghiệp và nhà nước trong quá trình đàm phán và thực thi các FTAs để từ đó nhà nước có thể điều chỉnh các chính sách phù hợp và kịp thời, còn doanh nghiệp thì nắm bắt được các tác động bất lợi cũng như có lợi của các FTAs để có phương án kinh doanh phù hợp.a
TIN KHÁC
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu: VCCI vạch ra nhiều bất cập(31/07/2024)