Đó là khẳng định của ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) trước nhiều ý kiến dư luận cho rằng nên bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu do nghi vấn thiếu minh bạch.
Tin tức từ Cổng thông tin Bộ Tài chính, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng: "Ở Việt Nam, trong điều kiện chuyển điều hành giá sang cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, những biện pháp như trợ giá bán xăng dầu; trợ cấp sẽ không còn phù hợp và vi phạm cam kết khi gia nhập WTO.
Trong bối cảnh đó, để có những biện pháp tài chính, tiền tệ khi cần thiết nhằm bình ổn giá xăng dầu trong nước khi thị trường có những biến động bất thường thì Quỹ Bình ổn giá là một giải pháp cần thiết và phù hợp. Thực tế đó đã mang lại hiệu quả nhất định, góp phần tích cực vào việc bình ổn giá thị trường xăng dầu, kiềm chế lạm phát, không làm đảo lộn sản xuất kinh doanh nói riêng và không gây ra những bất ổn về kinh tế xã hội."
Theo khẳng định của đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Quỹ Bình ổn giá là một giải pháp cần thiết và phù hợp.
Ông Tuấn cũng cho biết, hiện nay cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được quy định chi tiết trong Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC ngày 29/10/2014 của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính quy định về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu. Theo đó, các thương nhân đầu mối trích lập Quỹ Bình ổn giá và chỉ sử dụng Quỹ Bình ổn giá cho mục đích ổn định thị trường, bình ổn giá xăng dầu theo quy định của pháp luật...
"Quỹ Bình ổn giá được trích lập thường xuyên, liên tục bằng một khoản tiền cụ thể, cố định trong giá cơ sở là 300 đồng/lít ở nhiệt độ thực tế đối với các loại xăng, dầu diezen, dầu hỏa và 300 đồng/kg đối với các loại dầu madut thực tế tiêu thụ...". Đồng thời: “Nghiêm cấm sử dụng Quỹ Bình ổn giá để cấp vốn kinh doanh hoặc cho các mục đích khác...” ông Tuấn cho biết.
Ông Tuấn cũng khẳng định, thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối chỉ được sử dụng Quỹ Bình ổn giá vào mục đích bình ổn giá xăng dầu trong nước theo chỉ đạo của Liên Bộ tài chính - Công Thương. Ví dụ: Giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, giá xăng dầu thành phẩm thế giới có diễn biến tăng. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2014 về việc tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, Bộ tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương ban hành văn bản số 1337/BCT-TTTN ngày 05/02/2015 và văn bản số 1860/BCT-TTTN ngày 24/02/2015, theo đó, giữ ổn định giá bán xăng dầu trong nước đồng thời cho sử dụng Quỹ BOG xăng dầu để bù đắp phần chênh lệch giá cơ sở kỳ công bố cao hơn giá cơ sở kỳ liền kề.
"Đơn cử như giai đoạn Tết nguyên đán vừa qua (từ ngày 24/2/2015), giá cơ sở kỳ công bố cao hơn giá cơ sở liền kề gần 2.500 đồng/lít xăng RON 92 - Liên Bộ đã cho sử dụng Quỹ BOG ở mức 2.448 đồng/lít ,trường hợp không sử dụng Quỹ BOG như vậy sẽ phải điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu trong nước tương ứng (tăng giá bán xăng khoảng 2.500 đồng/lít). Hoặc tại thời điểm ngày 11/3/2015, giá cơ sở kỳ công bố cao hơn giá cơ sở liền kề 3.462 đồng/lít xăng RON 92, tại thời điểm này nếu không có công cụ Quỹ BOG sẽ phải tăng giá toàn bộ phần chênh lệch này (tăng 3.462 đồng/lít xăng khoáng), tuy nhiên để góp phần kiềm chế mức tăng giá, Liên Bộ đã cho phép sử dụng Quỹ BOG (1.852 đồng/lít xăng khoáng) và chỉ tăng giá 1.610 đồng/lít (thay vì mức 3.462 đồng/lít). Giá xăng dầu được giữ ổn định trong giai đoạn này góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá cả thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 và lần đầu tiên trong 10 năm gần đây, chỉ số giá tiêu dùng giảm trong tháng có Tết Nguyên đán, tạo điều kiện cho người dân mua sắm Tết", ông Tuấn lấy dẫn chứng.
Trên cơ sở đó, lãnh đạo Cục Quản lý giá khẳng định, việc hình thành Quỹ bình ổn giá xăng dầu là cần thiết vì thông qua việc điều hành sử dụng Quỹ - công cụ tài chính góp phần quan trọng bình ổn giá xăng dầu trong nước, qua đó góp phần bình ổn mặt bằng giá cả nói chung.
"Có thể thấy rằng, việc hình thành Quỹ Bình ổn giá đã đem những lợi ích nhất định không chỉ đối với người tiêu dùng mà cả thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối và nền kinh tế - xã hội. Nhờ cơ chế trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ BOG, vì vậy mà người tiêu dùng được dùng xăng, dầu ổn định hơn, giảm tần suất và mức độ điều chỉnh. Cũng nhờ cơ chế trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ BOG, vì vậy mà giảm được tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu, trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới biến động phức tạp khó lường, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng và ổn định an sinh xã hội", ông Tuấn khẳng định.
Điều hành Quỹ Bình ổn xăng dầu hoàn toàn minh bạch
Trước ý kiến dư luận cho rằng trong thời gian qua điều hành Quỹ Bình ổn giá thời gian qua thiếu minh bạch ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định việc quản lý và sử dụng Quỹ BOG được hạch toán và theo dõi riêng bằng một tài khoản tiền gửi tại một ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam nơi thương nhân đầu mối có giao dịch và chỉ được sử dụng vào mục đích bình ổn giá, nghiêm cấm sử dụng vào mục đích khác. Định kỳ hàng tháng hoặc trong những trường hợp yêu cầu báo cáo đột xuất các thương nhân đầu mối phải báo cáo kết quả trích lập, sử dụng, lãi phát sinh và số dư Quỹ BOG về Liên Bộ.
Ông Tuấn cũng cho rằng, trong thời gian qua các doanh nghiệp đã thực hiện việc kết chuyển Quỹ BOG vào tài khoản ngân hàng, ngân hàng đã trả lãi phát sinh trên số dư tài khoản Quỹ BOG dương và Liên Bộ đã thường xuyên giám sát, kiểm tra, thanh tra tình hình hoạt động, kết quả kinh doanh; tình hình trích lập, sử dụng Quỹ BOG xăng dầu tại các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối.
Đồng thời phối hợp với Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán Quỹ BOG tại các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối. Sau khi có kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã đánh giá cao về hiệu quả của Quỹ BOG xăng dầu.
"Việc hình thành cơ chế trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ BOG là có cơ sở pháp lý và phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn khi chuyển đổi việc quản lý giá xăng dầu thực hiện theo cơ chế giá thị trường, xóa bao cấp bù lỗ và phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế vì mục tiêu chung là bình ổn giá, kiềm chế lạm phát...”, ông Tuấn khẳng định.
Cũng theo ông Tuấn, trong quá trình điều hành giá xăng dầu, khi thay đổi mức trích, mức sử dụng Quỹ BOG, Liên Bộ đều có thông cáo báo chí gửi các cơ quan thông tấn báo chí đồng thời đăng tải toàn văn công văn điều hành trong đó có chi tiết mức trích, mức sử dụng Quỹ BOG từng thời điểm cụ thể để giúp dư luận hiểu rõ hơn về định hướng điều hành của Liên Bộ, góp phần đảm bảo công khai, minh bạch trong điều hành giá xăng dầu. Đồng thời thực hiện thường xuyên liên tục việc công khai chi tiết tình trích lập, sử dụng, lãi phát sinh và số dư Quỹ BOG của từng thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối hàng Quý trên trang thông tin điện tử của Liên Bộ.
Việc trích Quỹ BOG là nhằm tạo ra một nguồn lực tài chính để thực hiện bình ổn giá xăng dầu góp phần vào việc bình ổn mặt bằng giá nói chung, kiểm soát lạm phát của nền kinh tế và chỉ phục vụ mục tiêu bình ổn giá thị trường trong nước khi giá thế giới tăng cao, không sử dụng vào mục đích nào khác. Đây cũng là một trong những biện pháp tài chính mà nhiều nước trên thế giới đã thực hiện để bình ổn giá.
Lãnh đạo Cục quản lý giá cũng cho biết, việc trích lập Quỹ BOG đã được quy định cụ thể tại văn bản quy phạm pháp luật, không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với quy định về lập Quỹ BOG tại điểm a khoản 3 Điều 17 của Luật Giá.
Về sử dụng Quỹ BOG: Thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối chỉ được sử dụng Quỹ Bình ổn giá vào mục đích bình ổn giá xăng dầu trong nước theo chỉ đạo của Liên Bộ. Không phải lúc nào thương nhân đầu mối cũng được sử dụng Quỹ Bình ổn giá; chỉ khi giá thế giới tăng làm cho giá cơ sở kỳ công bố tăng cao hơn giá cơ sở kỳ liền kề trước đó hoặc khi Chính phủ thực hiện kiềm chế tăng giá hoặc điều tiết để không tăng giá bán xăng dầu trong nước, Liên Bộ có công văn cho phép các thương nhân đầu mối sử dụng Quỹ Bình ổn giá. Mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá không phải một khoản cố định giống nhau với các chủng loại xăng dầu mà phụ thuộc vào mức độ chênh lệch giữa giá cơ sở kỳ công bố và giá cơ sở kỳ liền kề trước đó và mục tiêu điều hành giá dựa trên tình hình kinh tế, xã hội trong nước...
Việc quy định trích Quỹ Bình ổn giá như trên hoàn toàn phù hợp với yêu cầu thực tế. Cũng như các phân tích trên đây, Quỹ BOG là một công cụ hữu hiệu sử dụng để bình ổn giá, trong bối cảnh thuận lợi (giá xăng dầu thế giới giảm hoặc ổn định) sẽ trích hoặc tăng mức trích Quỹ BOG là gây nguồn Quỹ BOG. Khi giá xăng dầu thế giới tăng cao hoặc khi Chính phủ yêu cầu kiềm chế lạm phát hoặc trong các thời điểm chưa nên điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong nước (các dịp Lễ, Tết...), Liên Bộ sẽ cho sử dụng Quỹ BOG.
"Như vậy, nếu trong trường hợp trước đó, bối cảnh giá xăng dầu thấp mà ta không gây Quỹ BOG sẽ không thể có nguồn để sử dụng khi giá xăng dầu thế giới tăng trở lại. Đặc biệt việc điều hành giá xăng dầu trong nước được đặt trong bối cảnh phụ thuộc vào biến động của giá xăng dầu thế giới mà giá xăng dầu thế giới thường xuyên biến động bất thường, tăng giảm khó lường và không thể dự báo xu hướng", ông Tuấn nhận định.
Trước đó, trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, đến nay cơ quan quản lý vẫn muốn tồn tại Quỹ bình ổn giá xăng dầu là để “nắm hầu bao” và chủ động trong việc quản lý, điều hành giá xăng dầu với doanh nghiệp. Với doanh nghiệp, tất nhiên, lúc giá xăng dầu giảm mạnh theo một chiều như hiện nay họ sẽ không có phản ứng gì với việc việc trích lập quỹ, bởi ít nhất họ sẽ không phải giảm giá cho người tiêu dùng số tiền 300 đồng trích vào quỹ này. Chỉ có người tiêu dùng là chịu thiệt vì 300 đồng này là tiền của mình mà vẫn buộc phải “gửi” doanh nghiệp để bình ổn khi… giá giảm. Trong bối cảnh giá xăng dầu giảm mạnh như hiện nay, ông Long cho rằng: “việc xem xét bãi bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu đặt ra càng cấp thiết cả do tính hình thức nửa vời, phi thị trường, thiếu hiệu năng và dễ bị lạm dụng trong cơ chế hình thành và quy trình vận hành của nó”. Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, Quỹ bình ổn xăng dầu trong thực tế là quỹ phân tán, sử dụng theo kiểu quyết toán nên tồn tại nhiều bất cập, gây mất lòng tin với người tiêu dùng". Theo ông Phong, người tiêu dùng cho đến nay vẫn không nắm được cách thức, nguyên tắc sử dụng quỹ vốn đang rất tù mù này. Ông Phong cho rằng về bản chất, quỹ bình ổn xăng dầu là tiền của người dân đóng vào để “lúc giá xăng thấp thì họ phải mua với giá cao và khi giá cao thì được hạ xuống một tí nhưng sau đó lại bắt người dân nộp tiền bù vào qua giá xăng. Chính vì thế, ông Phong cho rằng đã đến lúc phải bỏ quỹ bình ổn xăng dầu vì không có tác dụng gì nhiều. Chưa kể nó còn làm nhiễu thị trường. |
TIN KHÁC
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu: VCCI vạch ra nhiều bất cập(31/07/2024)