Cách tính giá cơ sở; thí điểm cây xăng mini; tồn tại Quỹ bình ổn giá xăng dầu là những nội dung đáng chú ý khi sửa đổi Nghị định 83.
Theo kế hoạch, chiều 9/12, Bộ Công Thương sẽ tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các Sở Công Thương địa phương và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu - đối tượng chịu tác động trực tiếp bởi Nghị định số 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu - nhằm sửa đổi Nghị định này sau hơn 5 năm có hiệu lực (kể từ ngày 1/11/2014).
Qua trao đổi với phóng viên VOV, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, qua thực tiễn quản lý, điều hành và tổng hợp ý kiến chuyên gia, có tới 8 nội dung cần được sửa đổi tại Nghị định này.
Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương)
PV: Thưa ông, Bộ Công Thương nhìn nhận như thế nào về sự cần thiết phải sửa đổi Nghị định 83?
Ông Trần Duy Đông: Có 3 yếu tố chính cho thấy tính cần thiết phải sửa đổi Nghị định 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Một là thời điểm xây dựng Nghị định 83, nguồn xăng dầu trong nước phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu (tới 75-80%). Lúc đó các nhà máy như Nghi Sơn, Bình Sơn chưa vận hành. Nhưng hiện nay nguồn cung từ sản xuất trong nước đã chiếm 70-75% tổng nguồn cung. Vì vậy việc điều hành, công thức tính giá cơ sở cũng phải thay đổi theo, để phản ánh đúng nguồn trong nức và nguồn nhập khẩu.
Thứ 2 là trong thời gian 5 năm vừa qua, Việt Nam gia nhập cũng như ký rất nhiều các hiệp định thương mại FTAs (như VTFTA với Hàn Quốc, ATIGA với ASEAN hày Việt Nam – Trung Quốc…) dẫn đến có nhiều mức thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu khác nhau từ các thị trường, khu vực được hưởng ưu đãi về thuế quan (Trung Quốc, ASEAN là 20%; Hàn quốc 10%...) đòi hỏi chúng ta phải sửa công thức tính giá cơ sở để phản ánh được thực tiễn.
Thứ 3 là thể chế của Việt Nam với một số văn bản quy phạm pháp luật tham chiếu khi thực hiện Nghị định 83 đã thay đổi. Rõ ràng 3 yếu tố đó nó đòi hỏi phải sửa đổi Nghị định 83.
PV: Trước những yêu cầu này, quan điểm của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc sửa đổi Nghi định 83 sẽ như thế nào, thưa ông ?
Ông Trần Duy Đông:Nghị định 83 lần này sẽ được sửa đổi và bám sát một số quan điểm chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Trước hết, việc sửa đổi vẫn phải bám sát quan điểm nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Nghị định được xây dựng dưới Luật nên phải bám vào các Luật đang còn hiệu lực.
Thứ 2 là quan điểm của Chính phủ trong nhiều năm trở lại đây là xây dựng Chính phủ kiến tạo, cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Thứ 3 là quan điểm của Trung ương Đảng (tại Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 3/6/2017) về việc phát triển kinh tế tư nhân, trong đó coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thứ tư là tạo sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, giữa các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ. Thứ 5 là thu hút và tránh lãng phí các nguồn lực xã hội tham gia vào phát triển mạng lưới kinh doanh xăng dầu. Và thứ 6 là thu hút một phần vốn đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xăng dầu nhưng Nhà nước vẫn phải giữ vai trò chi phối.
PV: Với những quan điểm, đòi hỏi như vậy, Nghị định 83 sẽ được sửa đổi những gì, thưa ông?
Ông Trần Duy Đông:Trong lần sửa đổi này, về cơ bản Nghị định 83 sẽ có 8 nội dung chính được sửa đổi.
Một là Quy định về điều kiện kinh doanh và hệ thống phân phối xăng dầu. Thứ 2 là rà soát, hoàn thiện về đối tượng quản lý mà Nghị định 83 chưa có. Thứ 3 là sửa đổi về cơ chế điều hành giá xăng dầu. Cơ chế phối hợp giữa Liên Bộ (Công Thương – Tài chính) theo hình thức ban hành thông tư liên tịch như hiện nay chưa đúng với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ tư là sửa đổi về công thức tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu. Thứ 5 là sửa đổi liên quan đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; Thứ 6 là việc rà soát quy định về thuế nhập khẩu xăng dầu, chế độ ghi chép và hoạch toán tại doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Thứ 7 là về quản lý chất lượng xăng dầu.
Ngoài ra còn có một số nội dung khác như việc rà soát sửa đổi, bổ sung nội dung giải thích từ ngữ để thống nhất cách hiểu trong khuôn khổ Nghị định (quy định tại Điều 3, Nghị định số 83/2014/NĐ-CP).
PV: Ông có nói đến việc sửa đổi Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Cụ thể có còn tồn tại Quỹ này hay không?
Ông Trần Duy Đông: Việc sửa đổi lần này vẫn theo quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, muốn điều tiết và can thiệp thị trường vẫn cần phải có công cụ.
Công cụ ở đây trong Nghị định 83 đã sử dụng rất tốt, sử dụng linh hoạt và có hiệu quả là Quỹ bình ổn giá bám sát đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước, muốn như thế thì phải có công cụ để điều hành mặt hàng xăng dầu.
Đến giờ phút này theo như chỉ đạo cũng như quan điểm mới nhất của của Ban soạn thảo và Chính phủ, kể cả các Bộ, ngành trong đó có liên Bộ Công Thương - Tài chính vẫn thống nhất quan điểm là trong Dự thảo Nghị định vẫn có Quỹ bình ổn giá.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
TIN KHÁC
Xăng sinh học E5 biến mất ở nhiều cửa hàng (*): Người trong cuộc nói gì?(31/10/2024)
VCCI kiến nghị bỏ quy định đại lý bán lẻ xăng dầu phải thanh lý hợp đồng trước khi thay nhà cung cấp(15/10/2024)
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đưa lên sàn giao dịch hàng hóa?(06/08/2024)
Chuyên gia: Sàn giao dịch xăng dầu khó phát huy hiệu quả trong 'một sớm một chiều'(02/08/2024)
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu: VCCI vạch ra nhiều bất cập(31/07/2024)